Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 10 năm 2023 | 16:28

Các địa phương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Vụ lúa Hè Thu 2023 của vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ có tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu 2023 ước đạt 266,19 nghìn ha, tăng 1,86 nghìn ha; năng suất ước đạt 60,42 tạ/ha, tăng 0,84 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,61 triệu tấn thóc, tăng 34 nghìn tấn so với vụ Hè Thu 2022

Sáng nay (31/10), Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất (SX) trồng trọt vụ Hè Thu, Mùa năm 2023; triển khai kế hoạch SX vụ Đông Xuân 2023 - 2024 vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB). 

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Vụ Hè Thu, Mùa năm 2023 toàn vùng năng suất lúa đều tăng

Thực hiện tốt khung lịch thời vụ theo khuyến cáo, chỉ đạo xuống giống khá tập trung, nhanh gọn. Tập trung sử dụng giống ngắn ngày trong vụ HT, vụ Mùa 2023 có khoảng 95 % diện tích sử dụng giống ngắn ngày: ANS1, ANS1399, BĐR27, Bắc Thịnh, Hưng Long 555, DT45, OM6976, KDđb, ĐV108, PC6, TH3-3, ML 48, ML202, Thiên ưu 8, Hà Phát 3, Nghi Hương 2308, Nhị ưu 838, PY1, PY2,…

Các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm được nhiều địa phương bổ sung vào cơ cấu giống như: HT1, RVT, VD20, OM4900, OM5451, OM6162, OM7347, BC15, TBR1, TBR45, TBR225, Đài thơm 8, ST25,... Sử dụng giống ngắn và cực ngắn ngày trong tình hình khô hạn thiếu nước đã mang lại hiệu quả cao, giảm tối thiểu 2 lần tưới (10-12 ngày)/vụ. 

Vụ lúa HT 2023 toàn vùng có tổng diện tích gieo trồng vụ HT 2023 ước đạt 266,19 nghìn ha, tăng  1,86 nghìn ha; năng suất (NS) ước đạt 60,42 tạ/ha, tăng 0,84 tạ/ha; sản lượng ước đạt  1,61 triệu tấn thóc, tăng 34 nghìn tấn so với vụ HT 2022.

Tổng diện tích gieo trồng vụ Mùa 2023 toàn vùng ước đạt 356,60 ha, giảm 1,69 nghìn ha; NS ước đạt 54,20 tạ/ha, tăng 1,31 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,93 triệu tấn thóc, tăng 38 nghìn tấn so với vụ Mùa 2022.

Tổng diện tích gieo trồng lúa toàn vùng năm 2023 ước đạt 1.028,94 nghìn ha, giảm 1,0  nghìn ha; NS ước 60,24 tạ/ha, tăng 1,33 tạ/ha và sản lượng ước 6,20 triệu tấn thóc, tăng 130 nghìn tấn so với năm 2022.

Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày luôn được các tỉnh DHNTB, Đông Nam bộ và Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo phát triển và góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng của vùng. Ngoài ra cũng từng bước hoàn thiện các kỹ thuật canh tác, sơ chế, tồn trữ, bảo quản, vận chuyển… đạt vệ sinh ATTP góp phần tăng giá trị và lợi nhuận.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền tham quan các gian hàng trưng bày của Tập đoàn ThaiBinh Seed

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền tham quan các gian hàng trưng bày của Tập đoàn ThaiBinh Seed

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết: Năm 2023 diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân đạt 61.867 ha, vụ HT 2023 đạt 52.494 ha. Trong đó, diện tích lúa của cả 02 vụ đạt 73.028 ha; NS đạt 60,1 tạ/ha, sản lượng đạt 439.195 tấn.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn trồng lúa cũng được tiếp tục thực hiện; đã triển khai thực hiện 65 cánh đồng lớn với tổng diện tích 1.157 ha, năng suất bình quân ước đạt 69,6 tạ/ha. Việc SX lúa công nghệ cao, hữu cơ cũng bắt đầu được quan tâm đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 80ha diện tích lúa được chứng nhận VietGAP.

Ngành Nông nghiệp và PTNT không phải là ngành có đóng góp lớn nhất cho ngân sách tỉnh Quảng Ngãi, nhưng là ngành có đóng góp rất lớn vào ổn định đời sống cho hơn 70% dân số sống ở nông thôn và được xem là điểm sáng trong phát triển kinh tế trong tỉnh.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ HT, Mùa năm 2023, nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt và trình độ đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong SX ngày càng cao là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao NS, sản lượng cây trồng. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo địa phương trong việc hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng với những biến đổi khí hậu. Hầu hết các địa phương và bà con nông dân có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ SX như: giống, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương nội đồng,…

Công tác dự tính dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục, cảnh báo kịp thời tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Giá lúa tăng từ cuối vụ HT 2023 đến nay dẫn đến các doanh nghiệp tăng cường liên kết với hộ dân để bao tiêu thu mua lúa, giúp nông dân an tâm SX không lo đầu ra khi vào vụ thu hoạch.

Còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, một số địa phương công tác chỉ đạo SX chưa triệt để về khung lịch thời vụ, cơ cấu giống dẫn đến khó khăn trong công tác điều tiết nước và công tác BVTV. Công tác bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy có hướng tích cực nhưng thiếu bền vững, do tác động nhiều yếu tố nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng gặp khó khăn do hạn chế về kinh phí thực hiện và lực lượng cán bộ chuyên trách còn thiếu.

Giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) còn cao nên đã ảnh hưởng đến đầu tư SX và thu nhập của nông dân. Việc ứng dụng TBKT vào SX chưa đồng bộ, thiếu kinh phí thực hiện, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp.

Công tác tổ chức quản lý SX còn hạn chế, người dân SX theo mô hình cá thể, nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có sự hợp tác, liên kết giữa các nông hộ với nhau nên việc quản lý SX, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm thu hoạch, chế biến tiêu thụ gặp khó khăn.

Cơ giới hoá trong SX chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến sau thu hoạch rất thấp, phần lớn chỉ mới thực hiện cơ giới hóa ở khâu làm đất, khâu thu hoạch nông sản. Hiện nguồn giống sắn kháng bệnh khảm lá do virus còn khan hiếm, nên gây khó khăn trong việc phòng chống bệnh khảm lá sắn tại các địa phương.

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư, SX gắn với tiêu thụ nông sản đã được Trung ương ban hành nhưng sự tiếp cận và triển khai để khuyến khích doanh nghiệp tham gia SX theo chuỗi còn chậm. Việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hiệu quả chưa cao, nên chưa tạo được động lực thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển.

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2023 của vùng DHNTB, ĐNB và Tây Nguyên ước đạt 19.751 ha, trong đó, Vùng DHNTB: Diện tích chuyển đổi năm 2023 ước đạt 11.084 ha. Vùng ĐNB: Diện tích chuyển đổi năm 2023 ước đạt 3.962 ha. Vùng TN: Diện tích chuyển đổi năm 2023 ước đạt 4.704 ha.  Các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho NS và hiệu quả cao như: ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại…

/ Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho NS và hiệu quả cao tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

 Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho NS và hiệu quả cao tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Điển hình một số mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2023 của tỉnh Gia Lai, như: Chuyển sang trồng Khoai lang Nhật chi phí đầu tư trung bình cho 1 ha khoai lang Nhật cần khoảng 70 - 75 triệu đồng, NS bình quân khoảng 14-15 tấn/ha (cá biệt có ruộng đạt khoảng 25 tấn/ha), giá bán bình quân khoảng 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 170-180 triệu đồng/ha/vụ.

Chuyển sang trồng dưa hấu: Chi phí đầu tư trung bình 01 ha dưa hấu cần khoảng  80 - 100 triệu đồng, sau trồng khoảng 2 - 2,5 tháng cho thu hoạch, NS bình quân khoảng 35 - 40 tấn/ha, giá dưa hấu trung bình khoảng 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 200 - 220 triệu đồng/ha.

Chuyển sang trồng thuốc lá: Chi phí đầu tư trung bình cho 01 ha thuốc lá khoảng 100 - 110 triệu đồng, NS bình quân khoảng 3,16 tấn/ha/vụ, giá bán khoảng 55.000 đồng/kg thuốc lá sấy khô. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha.

Chuyển sang trồng ngô sinh khối: Chi phí đầu tư trung bình cho 01 ha khoảng 15 - 20 triệu đồng, NS bình quân khoảng 50 tấn/ha, giá mua bình quân khoảng 980 đồng/kg; doanh thu khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, như: Vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa gắn với kế hoạch chung. Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô SX nhỏ lẻ. Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững….

Sản xuất cây ăn quả tăng liên tục

Theo số liệu thống kê, diện tích cây ăn quả cả nước tăng liên tục từ năm 2010 đến nay, năm 2010 diện tích 779,6 nghìn ha, đến năm 2022 tăng lên 1.221,4 nghìn ha.

Vùng DHNTB đã hình thành một số vùng SX cây ăn quả tập trung như Thanh Long tại Bình Thuận; nho, táo tại Ninh Thuận; Xoài tại Khánh Hòa, ngoài ra một số đối tượng như bưởi, sầu riêng đang được mở rộng diện tích.

Từ đầu năm 2023 đến nay giá thanh long biến động, một số thời điểm giá thanh long ở mức thấp do khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng đến hiệu quả SX thanh long rải vụ, một số nông dân hạn chế tiến hành rải vụ thanh long, tránh rủi ro do giá thấp, đến nay giá thanh long đang phục hồi.

Hiện nay, bắt đầu vào giai đoạn rải vụ thu hoạch thanh long tại Bình Thuận, mặc dù hiện nay giá thanh long đã được cải thiện, tuy nhiên việc tiêu thụ phần lớn phụ thuộc vào thị Trường Trung Quốc, biến động của thị trường Trung Quốc có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, giá thành biến động.

Vùng Tây Nguyên: Hiện nay diện tích một số cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông), bơ (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai), chanh leo (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) đang được nông dân mở rộng diện tích, đặc biệt trồng xen trong vườn cà phê cho hiệu quả kinh tế cao; diện tích sầu riêng 52,2 nghìn ha, NS 15,8 tấn/ha, sản lượng 332,4 nghìn tấn; bằng 46,5% diện tích và 38,5% sản lượng cả nước; diện tích bơ 21,0 nghìn ha, NS 13,5 tấn/ha, sản lượng 171,4 nghìn tấn; bằng 75,5% diện tích và 81,4% sản lượng cả nước.

Ngoài ra, một số vùng SX chanh leo (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) đã hình thành với diện tích 5 nghìn ha. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích các loại cây này cần đánh giá và quy hoạch vùng SX phù hợp, phát triển liên kết SX giữa nông dân với các doanh nghiệp, SX an toàn gắn với phát triển sơ chế, chế biến, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vùng Đông Nam bộ đã hình thành một số vùng SX một số cây ăn quả có hiệu quả như sầu riêng (Đồng Nai, Bình Phước), chôm chôm, bưởi (Đồng Nai), nhãn (Tây Ninh), xoài (Đồng Nai, Tây Ninh).

Nhiều TBKT mới đã được nghiên cứu, áp dụng thành công đã thúc đẩy SX cây ăn quả phát triển. Hàng ngàn cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận, chuyển giao cho SX ở nhiều địa phương. Nhiều giống cây ăn quả mới được chọn tạo, chuyển giao cho SX như: thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng; sầu riêng Ri6, sầu riêng Dona; chanh leo Đài Nông 1; bơ Booth7, bơ TA1 là 2 giống bơ có năng suất khá, chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu tiêu dùng trong nước và 03 giống bơ gốc ghép triển vọng TA5, TA21 và TA44 có sức sống khỏe, tỷ lệ nhiễm bệnh thối rễ thấp dưới 7%.

Nhiều TBKT trong canh tác được áp dụng như: ghép cải tạo thay thế giống và trẻ hóa những vườn cây già cỗi; tỉa cành tạo tán, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung; quy trình nhân và SX chuối từ cấy mô; sử dụng đèn tiết kiệm điện (Compact, Led) để xử lý ra hoa thanh long,.....

Về bảo quản, trong thời gian gần đây, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều TBKT mới trong bảo quản rau quả tươi như: chế phẩm sinh học Retain (có nguồn gốc tự nhiên) cho một số loại cây ăn quả (cam, quít) để làm chậm quá trình chín, kéo dài thời gian thu hoạch, giảm tỷ lệ quả rụng; tăng hiệu quả kinh tế 20 - 30%; quy trình công nghệ sơ chế, bao gói MAP, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cho quả táo và nho tại tỉnh Ninh Thuận…

Vụ Đông Xuân 2023 – 2024 có nguy cơ hạn hán

Kế hoạch diện tích lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 toàn vùng là 406 nghìn ha, giảm 0,16 nghìn ha; năng suất bình quân 65,70 tạ/ha, tăng 0,27 tạ/ha; sản lượng  ước đạt 2,67 triệu tấn thóc, tăng 0,27 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân 2022 - 2023.

Theo nhận định của Cục Trồng trọt, Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho SX cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu SX 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ SX phù hợp để né tránh hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến SX lúa.

Do đó, khuyến cáo các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ cần chủ động nguồn nước, bố trí thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 10/12 - 31/12/2023 (cố gắng không gieo muộn hơn sau ngày 10/01/2023), thu hoạch trước 30/4/2023. Riêng chân 3 vụ lúa: Bình Định gieo sạ từ ngày 25/11 – 05/12/2023; Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận gieo sạ từ 15/11 và kết thúc trong tháng 12/2023.

Những diện tích không chủ động nguồn nước, cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ (trước 10/12/2023), diện tích này chiếm 10-15 % diện tích gieo trồng. Vùng trũng thoát nước kém, tranh thủ nước rút đến đâu xuống giống đến đó; phấn đấu gieo sạ trước 10/01/2024. Đối với những diện tích nước rút quá chậm sau 10/01/2024, có thể gieo mạ cấy để tranh thủ thời gian và rút ngắn sinh trưởng, lúa trỗ bông sớm.

Các tinh Đông Nam bộ: Đợt 1: Đông Xuân sớm xuống giống tháng 10 đến đầu tháng 11 diện tích gieo sạ ước 20.000 ha, đạt 25% diện tích kế hoạch gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước. Đợt 2: Đông Xuân chính vụ xuống giống đầu tháng 11 đến tháng 12 diện tích gieo sạ ước 35.000 ha, đạt 44% diện tích kế hoạch gồm sác tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai. Đợt 3: Đông Xuân muộn xuống giống cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau diện tích gieo sạ ước 25.000 ha, đạt 31% diện tích gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu .

Các tỉnh Tây Nguyên: Vùng chủ động nguồn nước tưới, tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10/12 – 31/12/2023. Những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ (mùa khô) các địa phương phải tính toán cân đối diện tích xuống giống phù hợp lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (trước 10/12/2023). Riêng một số diện tích lúa sản xuất 3 vụ tại Lâm Đồng bố trí gieo sạ từ ngày 15/11 – 10/12/2023.

Cơ cấu giống: Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Vùng có nguy cơ thiếu nước: bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn. Căn cứ tình hình từng địa phương cần khuyến cáo cơ cấu giống lúa phù hợp.

Cơ cấu giống lúa khuyến cáo: Các tỉnh DHNTB: Giống chủ lực: HT1, OM4900, Thiên ưu 8, KDđb, DV108, TBR36, ML48, ML49, ML202, ML214, VD20, Đài thơm 8, TH3-3, Nhị ưu 838. Giống bổ sung: RVT, An Sinh 1399, AN1, BĐR57, BĐR999, BC15, TBR225, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Hưng Long 555, Hương Xuân, Hương Châu 6, DT 45, KD28, PC6, ML49, OM6162, OM6976, OM7347, MT10, PY2.

Các tỉnh Đông Nam bộ: Giống chủ lực: OM6976, OM4900, OM5451, ML48, Đài Thơm 8,... Giống bổ sung: TH41, ML202, Jasmine 85, IR64, OM7347...

Các tỉnh Tây Nguyên: Giống chủ lực: HT1, VND95-20, ML48, OM4900, OM6162, OM5451, IR64, Đài Thơm 8, TH3-3, Nhị ưu 838,... Giống bổ sung: RVT, ĐV108, DT45, Hưng Long 555, Hương Châu 6,…

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hoàng Trung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hoàng Trung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung đề nghị các tỉnh trong Vùng đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả SX và tiết kiệm nước tưới. Tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ SX, hạn chế thiệt hại xảy ra. Xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô. Tiếp tục thực hiện giải pháp chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo của Cục Trồng trọt.

Tăng cường dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại như: chuột, rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa; sâu keo mùa thu trên bắp; sâu bệnh hại trên cây công nghiệp như điều, hồ tiêu, cà phê, cao su,...

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao NS, chất lượng và hiệu quả SX. Giám sát tốt vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đẩy mạnh kiểm tra thực tế mã số vùng trồng…

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top