Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 12 năm 2023 | 9:46

Các làng hoa miền Trung tất bật vào vụ Tết

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn chỉ còn hơn 2 tháng, đây cũng là thời điểm các làng nghề trồng hoa tất bật, hối hả vào vụ sản xuất chuẩn bị hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Quảng Trị: Làng hoa Quảng Long tất bật xuống giống vụ Tết

Hàng năm vào tháng 10 (âm lịch) người dân trồng hoa ở làng hoa Quảng Long lại tất bật xuống giống chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán. Trên các cánh đồng nông dân xuống giống, bón phân, làm cỏ, chăm sóc các loại hoa với hy vọng vụ Tết thắng lợi.

 Người trồng hoa Quảng Long đang hối hả xuống giống hoa chuẩn bị cho Tết Giáp Thìn.

Anh Trần Thanh Quang, ở tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long lại cùng nhau ra đồng cày xới lại hơn 1 sào đất của gia đình để chuẩn bị trồng các loại hoa màu phù hợp. Trước đó, anh đã xuống giống hoa cúc vàng đại đóa trên diện tích đất gần 2 sào.

Anh Quang cho biết, thường vào dịp Tết, hoa cúc vàng sẽ có giá cao hơn, dễ bán hơn nên gia đình anh giành nhiều diện tích đất để trồng hoa, phần diện tích còn lại để trồng các loại rau như: Cải, xà lách, hành, rau thơm để bán xen kẽ. Đây cũng là phương án mà nhiều người dân ở đây lựa chọn để sản xuất, phòng khi hoa rớt giá thì sẽ có các loại rau bù lại.

Trước đây, gia đình ông Phạm Lưu Chương, tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long chủ yếu trồng các loại hoa cúc. Đây là loại hoa khá an toàn, chăm sóc dễ và phù hợp với chất đất của địa phương. Nhưng để phù hợp với thị hiếu của khách hàng, vài năm gần đây, ông quyết định trồng thử nghiệm thêm giống hoa ly, lay ơn... Hiệu quả bước đầu mang lại khá cao, người tiêu dùng lựa chọn mua hoa ly của ông vì ngoài bông to, đẹp thì giá thành rẻ hơn nhiều so với hoa nhập nơi khác về.

Theo ông Chương, hoa cúc mang lại lợi nhuận khá cao so với trồng lúa, nhưng nếu trồng thành công giống hoa ly thì giá thành còn cao gấp đôi. Nhiều người thấy ông trồng thành công nên cũng đã đến học tập và nhân rộng mô hình này.

Chủ tịch UBND phường Quảng Long Ngô Văn Sáu cho biết, Quảng Long là địa phương có nguồn cung cấp hoa và rau lớn nhất của TX. Ba Đồn. Nghề trồng hoa, rau truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nhất là dịp Tết được người dân đặt nhiều kỳ vọng vì đây là vụ chính, thu nhập dao động từ khoảng 20-25 triệu đồng/sào. Mặc dù, những năm trở lại đây, các loại hoa từ các địa phương khác đổ về nhiều, chủng loại phong phú, lạ mắt, thế nhưng, người nông dân phường Quảng Long vẫn giữ niềm tin với những sản phẩm do mình trồng ra. Với lợi thế diện tích đất màu lớn, người dân địa phương có kinh nghiệm thâm canh, những năm gần đây, phường đã quy hoạch đất đai, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất hoa, rau màu quanh năm.

Người trồng hoa ở Thừa Thiên - Huế hối hả vào vụ Tết

Thừa Thiên - Huế có nhiều ngàn hộ trồng hoa ở các làng hoa, vùng hoa như phường Vỹ Dạ, Phú Mậu (TP Huế), xã Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền); xã Hương Hồ, Hương Toàn, Hương Vinh (TX Hương Trà); Thủy Thanh (TX Hương Thủy)...

Mỗi vụ hoa Tết từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch thường kéo dài 90 - 120 ngày, tùy giống hoa. Với kinh nghiệm trồng hoa Tết lâu năm, các hộ biết lựa chọn những cây giống khỏe mạnh; kỹ thuật làm đất, bón phân; từ lúc gieo đến khoảng 20 ngày phải thắp điện hàng đêm trong khu vực trồng để cây có đủ độ ấm sinh trưởng; nước được tưới thường xuyên giữ độ ấm. Ánh sáng đèn điện ngoài thắp sáng, còn cung cấp thêm năng lượng giúp hoa tăng khả năng quang hợp sinh trưởng, nhất là khi mưa rét kéo dài, giúp hoa nở đúng thời điểm.

Nông dân trồng hoa ở làng hoa Thủy Vân đang chăm sóc hoa Tết

Làng hoa Thủy Vân (TP. Huế) từ lâu nay đã trở thành địa chỉ cung cấp hoa cúc Tết. Để có được những chậu hoa ngập sắc vàng cho người chơi hoa Tết, người trồng phải trải qua những tháng ngày lo toan trước diễn biến thời tiết.

Ông Nguyễn Phú Bảo (tổ dân phố Vân Dương) cho biết, gia đình ông đang trồng hơn 600 chậu hoa cúc phục vụ Tết. Đến nay, nhiều chậu đã mọc và phát triển tươi tốt. Nhưng năm nay thời tiết rất “khó đoán”, khi xuống giống đã gặp mưa lớn liên tục khiến cây ngập úng thối rễ héo chết nhiều. “Để cây phát triển kịp vụ Tết, những ngày này, tôi bón phân chăm sóc để cây lấy sức, chậu nào hư hại nặng phải gieo trồng lại”, ông Bảo cho hay.

Làng hoa Thủy Vân có khoảng 15ha hoa các loại, tập trung ở các tổ dân phố Công Lương, Dạ Lê, Xuân Hòa, Vân Dương. Từ cuối tháng Tám (âm lịch), nhiều hộ dân đã bắt đầu xuống giống, phổ biến là các loại cúc Đà Lạt trồng trong chậu, lay ơn, hướng dương; và các loại hoa ngắn ngày hơn như vạn thọ, đồng tiền...

Tại phường Vỹ Dạ, năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tư đầu tư trồng hơn 300 chậu cúc. Trồng cúc không khó, nhưng nếu không cẩn thận từ khâu chọn giống, xuống giống, tưới nước, thắp điện... thì cây rất dễ bị thối rễ, héo rũ, chất lượng hoa thấp. “Nghề trồng hoa vất vả vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường. Nhưng nếu chịu khó thì sẽ có thêm nguồn thu khá để trang trải cuộc sống và gia đình có cái Tết sung túc”, ông Tư chia sẻ.

Về những làng hoa truyền thống của Thừa Thiên Huế dịp này, sẽ thấy những bóng đèn thắp sáng cả vùng trời đêm.

Làng Hà Đông xuống giống để kịp thời cung cấp hoa cho thị trường dịp Tết  

Người dân trồng hoa ở thôn Hà Đông (xã Điện Hoà, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã xuống giống để kịp cung ứng ra thị trường cho người trồng hoa bán dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo bà con nông dân ở đây, thời điểm xuống giống hoa cúc khoảng từ ngày 20/7 - 15/8 âm lịch, còn các loại hoa như vạn thọ, hải đường... có thời sinh trưởng ngắn hơn nên xuống giống từ tháng 10 âm lịch.

Các giống hoa cho người trồng hoa được bà con làng Hà Đông chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp cho thị trường

Trong khu đất có diện tích khoảng 4.000m², ông Phạm Xuân Long cùng 2 người con trai đang nhổ cỏ, bấm ngọn, tưới nước cho vườn hoa cúc mới xuống giống được hơn 1 tuần.

Để có giá thể trồng hoa, hằng năm vào khoảng giữa tháng Giêng, ông Long thu mua tro trấu, phân chuồng, đất cát về dự trữ. Cùng với đó, ông chọn lọc 4.000 cây cúc đã nở hoa đem trồng trên những luống đất trong vườn nhà giữ làm giống. Ông nhẩm tính, với 4.000 cây, ông có thể bấm được hơn 1.000 đọt ngọn giống để trồng vào chậu.

Gia đình ông gắn bó với nghề trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán hơn 15 năm nay. Mỗi năm ông trồng hơn 1.500 chậu hoa các loại như cúc đại đoá vàng, đại đoá đồng, hải đường…. nhiều nhất vẫn là hoa cúc. Chi phí đầu tư cho vườn hoa khoảng 80 triệu đồng, chưa tính kinh phí đúc chậu.

Theo ông Đặng Quang Trĩ (thôn Hà Đông) cho biết, thông lệ vào tháng 8 âm lịch, gia đình ông trồng khoảng 700 chậu hoa cúc đại đoá, pha lê, vạn thọ, hải đường, thược dược…

Cạnh đó, ông còn ươm hàng vạn cây hoa giống trong vòng 10 ngày là có thể xuất bán cho các nhà vườn với giá 400 đồng/cây. Thu nhập từ ươm giống hoa đem lại cũng đáng kể.

“Nghề ươm giống hoa không khó nhưng phải nắm rõ kỹ thuật và dự báo tương đối diễn biến thời tiết mỗi năm. Cũng nhờ trồng hoa tết, mà gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở đây có nguồn thu nhập ổn định, sắm sửa đồ dùng, chăm lo con cái học hành tử tế” - ông Trĩ phấn khởi.

Ông Trần Quang Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Hoà cho biết, ở địa phương có khoảng 30 - 40 hộ trồng hoa ở các thôn như Hà Đông, Xóm Bùng, Hà Tây 2, mỗi năm, người dân cung ứng ra thị trường tết hơn 30 - 35 chục nghìn chậu hoa lớn nhỏ. Thu nhập từ trồng hoa đem lại cho các nhà vườn tương đối ổn định.

Nhu cầu trưng bày, chơi hoa và cây cảnh trong những dịp Tết đến Xuân về là một thú chơi không thể thiếu đối với gia đình của người Việt, không những làm cho gia đình thêm đẹp mà nhiều cây, hoa cảnh theo quan niệm của dân gian còn mang may mắn đến cho gia chủ, vì vậy hoa, cây cảnh không thể thiếu trong những ngày này. Nhưng vài năm trở lại đây do kinh tế kém phát triển, người chơi hoa, cây cảnh không còn hứng thú nhiều trong việc làm đẹp cho gia đình vào những ngày xuân, nên người trồng hoa gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu giảm.

Theo những người trồng hoa và cây cảnh trên cả nước, năm nay kinh tế đã có dấu hiệu tốt, nhiều làng nghề trồng hoa, cây cảnh thời điểm này đã có khách buôn đến đặt hàng. Đây là tín hiệu vui cho người trồng hoa trên cả nước và cũng là tín hiệu vui cho sự phát triển của đất nước.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top