Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 8 năm 2023 | 16:8

Cần gỡ vướng cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tại Nghệ An

Thực hiện Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, từ giữa năm 2020, Nghệ An đã sáp nhập các trạm đầu mối thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại 21 huyện, thành, thị thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Việc sáp nhập tuy huy động được nguồn nhân lực, song để phát huy hiệu quả, các trung tâm cần sớm được hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc.

Nhiều bất cập

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5301/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 chuyển giao các Trạm, Ban phát triển nông thôn miền núi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành các Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm. Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự giảm mạnh các tổ chức, đơn vị. Từ 69 Trạm trực thuộc Sở đã hợp nhất, tinh gọn lại thành 21 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.

Trái ngược với kỳ vọng, qua 3 năm đi vào hoạt động “bộ máy” mới vận hành không thật trơn tru, đến nay đã xuất hiện nhiều rào cản, vướng mắc. Đây cũng không riêng gì Nghệ An. Các tỉnh đã "khắc nhập" kiểu này đến nay đều rối như tơ vò trong hoạt động chuyên môn.

Tại Nghệ An, qua rà soát của ngành, thấy rằng một số chủ trương, chính sách, quy định còn chồng chéo, chưa đồng nhất. Dù rất cấp bách nhưng Trung ương chưa bổ sung, chỉnh sửa kịp thời các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, thậm chí thiếu cơ sở pháp lý để thực thi, thành thử việc “vận dụng” còn bị động, lúng túng.

Sau hợp nhất công tác nắm bắt thông tin, cập nhật dữ liệu, xử lý và chỉ đạo chưa thực sự xuyên suốt, chưa kịp thời. Ngược lại, nhân lực tại Chi cục Chăn nuôi và thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sau khi “cắt giảm đầu mối” tựu chung rất mỏng, khó cáng đáng được nhiệm vụ chuyên môn đặt ra, nhất là tại địa bàn rộng, trải dài với hệ thống cây trồng, vật nuôi đa dạng, dày đặc.

Bất cập ra sao cứ nhìn vào thực trạng ngành chăn nuôi, thú y sẽ thấy. Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước với hơn 790.000 con trâu, bò, hơn 970.000 con lợn, hơn 33 triệu con gia cầm, chưa kể diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 20.000ha.

Chưa dừng lại ở đấy, Nghệ An có nhiều tuyến giao thông chính đi qua, hoạt động giao thương buôn bán động vật diễn ra thường xuyên, liên tục. Trên địa bàn có nhiều chợ buôn bán gia súc, gia cầm, trong khi hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm phần lớn… Xuất phát từ lý do trên, để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, bên cạnh sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị thì vai trò của đội ngũ “chân rết” tại các huyện khó có thể đong đếm.

Nghệ An là tỉnh có đàn vật nuôi lớn, do đó cần sự nhập cuộc của hệ thống thú y cơ sở để quản lý, giám sát hiệu quả

Trước đây, hệ thống thú y cơ sở hoạt động theo đúng quy định của Luật Thú y, đúng chuyên ngành, đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Sau khi hợp nhất về mái nhà chung, đà phát triển không tỷ lệ thuận theo, trái lại nảy sinh muôn vàn vấn đề.

Có thể như: Người lao động được phân công theo dạng kiêm nhiệm, khó đảm bảo công tác chuyên sâu; trung tâm không có chức năng quản lý nhà nước về thú y; khó triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại cơ sở; công tác báo cáo dịch bệnh từ cơ sở đến cấp tỉnh chậm do qua nhiều tầng nấc trung gian, không đảm bảo tính cấp bách, khẩn trương…

Hết nhập lại tách, sau bao năm Nghệ An vẫn đang loay hoay trong bài toán sắp xếp tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp. Chủ trương thiếu bền vững, thiếu tầm nhìn đang đẩy toàn ngành vào thế khó.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Nghệ An việc hợp nhất các trạm thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đây là mô hình mới, hơn nữa chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan Trung ương.

Khó từ trong khó ra

Cụ thể, tại huyện Nghi Lộc, ngày 5/8/2020 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc trên cơ sở hợp nhất các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú Y, Khuyến nông huyện.

Sau 3 năm nhìn lại, thấy rằng Trung tâm đang đối diện với bộn bề gian khó. Dù đã tiến hành sát nhập 3 năm rồi nhưng đơn vị này chưa thể bố trí vị trí, địa điểm hoạt động phù hợp, Cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu triển khai chức năng, nhiệm vụ; nguồn vốn hoạt động khó khăn, chế độ chính sách quyền lợi không đồng nhất...

Ông Võ Tá Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc bộc bạch: “Vẫn những con người đấy, vẫn từng ấy công việc nhưng cơ chế quản lý nhà nước chưa thực sự phù hợp. Hệ thống văn bản chưa đi kịp với công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, gần 3 năm qua chưa có bất kỳ văn bản chính quy nào của Bộ, ngành trung ương đề cập đến khía cạnh chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, điều này vô hình trung làm bó hẹp vai trò của Trung tâm.

Đơn cử như những vụ việc liên quan đến công tác vận chuyển, kiểm tra, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật trên đường, trước đây Trạm Chăn nuôi và Thú y được Chi cục ủy quyền để kiểm tra và trực tiếp xử lý. Nay không còn nữa, mỗi khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng, Trung tâm chỉ có thể cử cán bộ kỹ thuật đến phối hợp, tham vấn cách thức chứ không đủ thẩm quyền để xử phạt độc lập”.

Vai trò ngày càng mờ nhạt đã đành, đến quyền lợi chính đáng cũng bị cắt giảm trông thấy. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc là đơn vị sự nghiệp có thu, về nguyên tắc người lao động sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, có điều do không có văn bản pháp quy thể hiện, hướng dẫn rõ ràng thành thử người được người không.

Thiếu cán bộ thú y cơ sở có chuyên môn, việc ngăn chặn, dập dịch tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.

“Trung tâm có 4 bộ phận cùng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng chỉ 2 bộ phận được hưởng phụ cấp (thú y, bảo vệ thực vật), trong khi cán bộ khuyến nông và văn phòng, kế toán không có, bản thân tôi (vốn là cán bộ khuyến nông) cũng chẳng có. Biết là thiệt thòi cho một số anh em nhưng chúng tôi không thể vận dụng theo cảm tính”, ông Võ Tá Long xác nhận.

Có thể thấy, nguyên nhân của khó khăn, hạn chế đó là do cơ sở pháp lý đối với mô hình này chưa được hoàn thiện. Đến nay, chưa có hướng dẫn của cơ quan Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm; các quy định có liên quan về lĩnh vực này chưa được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ trong chính sách, pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn (như Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thú y và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hai Luật này). Nhân lực ở các Trung tâm sau hợp nhất vừa thừa vừa thiếu, phổ biến nhất là thiếu cán bộ có chuyên môn cao. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu triển khai chức năng, nhiệm vụ; nguồn vốn hoạt động khó khăn. Cơ chế quản lý cũng chưa khác nhiều so với trước đây mặc dù chức năng, nhiệm vụ đã có sự chuyển đổi.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất

Mục tiêu hợp nhất các đơn vị và thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đã được xác định rõ: bảo đảm hệ thống tổ chức tinh gọn, thống nhất cơ chế quản lý, có năng lực tự chủ, tập trung được nguồn lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng dàn trải và trùng lặp. Phát triển chuyên ngành, chuyên môn kỹ thuật; thực hiện lộ trình về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện có 02 chức năng cơ bản: thứ nhất, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, khuyến nông, phát triển nông thôn khi được cấp có thẩm quyền giao; thứ hai, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, khuyến nông, vật tư nông nghiệp và các dịch vụ khoa học kỹ thuật nông nghiệp khác tại địa phương.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tham quan mô hình trồng cam tại huyện Yên Thành

Mặc dù chưa có quy định, hướng dẫn của Trung ương nhưng có thể thấy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm đã được định hình khá rõ. Trong đó, việc thực hiện chức năng dịch vụ nông nghiệp sẽ có tác động to lớn đối với nông nghiệp, nông thôn nói chung và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nói riêng như thực tế một số địa phương trong cả nước đã thực hiện thành công. Cụ thể: xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất như cung ứng giống, vật tư và thiết bị các loại; tư vấn, xây dựng, lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới; dịch vụ thu mua, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ; phối hợp các địa phương xác định vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, đề xuất đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn mới...

Để loại hình đơn vị mới này hoạt động hiệu quả và phát triển một cách bền vững rất cần sự quyết tâm đổi mới của bản thân các Trung tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của các cấp, các ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể cũng như người dân.

Trước hết, cần sự đồng bộ, hoàn thiện kịp thời của hệ thống pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn tạo hành lang, khung khổ pháp lý. Từ trực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm đã được chuyển giao về Ủy ban nhân dân cấp huyện, do đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị hoạt động, nhất là trong giai đoạn đầu thành lập. Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng như tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cần sự quan tâm, hỗ trợ không chỉ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn của các ngành: Tài chính, Công thương, Khoa học công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội v.v... Đồng thời, với vai trò kết nối, thiết nghĩ, Trung tâm cũng là chủ thể gắn kết các bên trong chu trình quản lý, đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ: cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể - viện, trường - người nông dân - doanh nghiệp.

Là hướng đi, sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, hy vọng và tin tưởng rằng trong thời gian tới, với các giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện sẽ có sự khởi sắc, đóng góp đắc lực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn./.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top