Đầu tư khoa học công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, để nâng cao giá trị sản phẩm và là hướng đi bền vững cho nông sản. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, vùng sản xuất lớn để đầu tư chế biến sâu.
Giải quyết được tình trạng sản phẩm nông sản ùn ứ
Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay, việc sản lượng gia tăng là đương nhiên, vì vậy, sản phẩm sản xuất ra nếu không được xử lý sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ.
Chế biến sâu các sản phẩm nông sản sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Videli (huyện Đông Anh) Tô Tuấn Kiệt cho biết, hiện công ty đang sản xuất, chế biến 13 dòng thực phẩm, như: Nem chua rán, dồi sụn, há cảo... trên dây chuyền công nghệ Hàn Quốc, bảo đảm độ tươi, ngon, rút ngắn thời gian chế biến cho người tiêu dùng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi tháng, công ty sản xuất, cung cấp cho thị trường từ 180 đến 200 tấn sản phẩm.
Công ty CP Thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì) cũng có được nguồn thu ổn định nhờ các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Đại diện DN này chia sẻ, thực phẩm chế biến có khả năng bảo quản được lâu dài; việc lưu thông, vận chuyển sản phẩm chế biến cũng dễ dàng hơn so với các mặt hàng tươi sống. Điều này mang lại giá trị vượt trội so với thịt lợn thương phẩm.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì) Lê Hoàng Vinh, để thu mua sữa tươi cho nông dân, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, chế biến sữa tươi thành sản phẩm sữa chua, bánh sữa... Công ty cũng triển khai đồng bộ các quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm HACCP, đào tạo và tập huấn kỹ thuật cho công nhân; đồng thời đưa sản phẩm truy xuất nguồn gốc, tem, nhãn theo đúng chuẩn quốc tế.
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Hằng cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 14.081 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; khoảng 250 doanh nghiệp có năng lực chế biến sâu. Đáng chú ý, trên địa bàn Thủ đô hiện chỉ có 113 kho lạnh; trong đó có 7 kho lớn (quy mô gần 30.000m2) và 106 kho có tổng diện tích chỉ hơn 5.300m2.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp luôn khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản đổi mới công nghệ, nâng cấp điều kiện trang thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến thực phẩm, như: VietGAP, HACCP, ISO 22000, nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đây chính là khâu quan trọng trong chuỗi liên kết, để giải quyết vấn nạn ồn ứ sản phẩm nông nghiệp.
Chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu thụ
Mặc dù có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia vào quá trình chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nhưng sản lượng các loại nông sản, thực phẩm qua chế biến của Hà Nội đạt khoảng 1.000 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện đang cư trú trên địa bàn Thủ đô lên tới gần 5.200 tấn. Điều này đồng nghĩa, năng lực chế biến của Hà Nội mới đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu thực tế. Nhu cầu rất lớn về thực phẩm chế biến còn lại, Hà Nội phải kết nối, tiếp nhận và tiêu thụ từ các tỉnh, TP lân cận hoặc nhập khẩu để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô.
Mặc dù có nhiều cơ sở chế biến thực phẩm nhưng mới chỉ giải quyết được 20% nhu cầu
Dù đã có bước phát triển đáng ghi nhận trong những năm qua, tuy nhiên, đánh giá khách quan ngành công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng các DN tham gia vào lĩnh vực giàu tiềm năng này còn ít. Không chỉ vậy, số liệu khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội mới đây cũng cho thấy, hơn 98% tổng số cơ sở chế biến nông sản hiện đang hoạt động trên địa bàn TP chỉ có quy mô vừa và nhỏ. 3 nhóm sản phẩm chế biến chủ lực vẫn là thịt (42,6%), rau quả (33,7%) và thuỷ sản (26,7%).
Thiết bị máy móc của các cơ sở chế biến nông sản chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,6% tổng số cơ sở). Công nghệ dây chuyền tự động mới chiếm tỷ lệ 14,7%; trong khi công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm tỷ lệ 8,7%. Thiết bị máy móc phục vụ chế biến chủ yếu phục vụ xay, nghiền, rang, sấy, đánh bóng, tạo hương, đóng gói… Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn. Toàn TP hiện có 113 kho lạnh nhưng trong số này chỉ có 7 kho lớn (quy mô gần 30.000m2); còn lại 106 kho có diện tích tổng thể chỉ hơn 5.300m2.
Lựa chọn sản phẩm có thế mạnh để đầu tư chế biến sâu
Để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sâu, bà Dương Chu Kiên, Phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến (quận Đống Đa) cho rằng, các sở, ngành, địa phương cần hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đồng thời nắm bắt vướng mắc khi triển khai để kịp thời kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị về thủ tục, nguồn vốn. Mặt khác, để có vùng nguyên liệu, chính quyền địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng được công nghệ mới trong các khâu của quá trình sản xuất; bảo đảm sản phẩm xanh, sạch, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết theo chuỗi để thu mua nông sản cho người dân khi vào vụ thu hoạch.
Lựa chọn những sản phẩm nông sản để chế biến sâu để nâng cao giá trị.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội sẽ lựa chọn sản phẩm thế mạnh, có vùng sản xuất lớn để đầu tư chế biến sâu. Đối với nhóm cây ăn quả tập trung vào sản phẩm chuối sấy khô và cam, bưởi ép nước; cây rau tập trung vào nhóm gia vị chế biến hương liệu, sản phẩm thực dưỡng; chăn nuôi tập trung vào chế biến các loại sản phẩm từ thịt lợn… Ngày 4/7/2023, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến; hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số… Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào chế biến sâu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã năng động, sáng tạo tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như tổ chức sản xuất hợp lý, tránh tình trạng dư thừa nông sản.
Cần thêm chính sách khuyến khích
Thực tế hiện nay, việc kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế, chính sách được Nhà nước ban hành nhưng gặp khó khi đưa vào thực tiễn. Điển hình như Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, cho biết đơn vị hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị định số 98 để đầu tư cho chế biến các sản phẩm rau, củ, quả. Nguyên nhân là hồ sơ để xin các cấp hỗ trợ còn rất phức tạp.
Việc tiếp cận cơ chế, chính sách còn khó khăn khiến nhiều tổ chức, DN, hợp tác xã phải “tự thân vận động”. Các cơ sở chế biến hiện nay phần lớn đều phải huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng khu chế biến, kho lạnh, kho bảo quản thực phẩm…
Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho rằng, sự hỗ trợ về công nghệ của khu vực công nghiệp - dịch vụ dành cho nông nghiệp hiện nay còn chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, nhất là trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Do đó, cần thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, tại nhiều nước trên thế giới, mức độ chuyên sâu trong bảo quản, chế biến nông sản được xem là thước đo chỉ số phát triển của một quốc gia. Hay nói cách khác, càng đa dạng và nhiều sản phẩm từ chế biến thì nền khoa học - công nghệ càng phát triển. Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, để nâng cao năng lực chế biến, cấp thiết cần tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung; tiến tới xóa bỏ hình thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm “sáng tươi chiều héo” còn phổ biến hiện nay.
Cũng theo ông Tạ Văn Tường, hiện nay, Nhà nước đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, DN, hợp tác xã, người dân đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế để chính sách đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ vốn vay là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhằm thúc đẩy lĩnh vực bảo quản, chế biến phát triển.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 20230, tầm nhìn 2045 của TP. Hà Nội xác định phát triển ngành bảo quản, chế biến nông lâm sản và thuỷ sản là giải pháp căn cơ, toàn diện. Kế hoạch số 193/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển công nghiệp chế biến có công nghệ từ trung bình, tiên tiến trở lên, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu TP. Hà Nội đề ra về bảo quản, chế biến nông sản, cần mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để ngành chế biến nông sản Thủ đô phát triển như định hướng đề ra.
Nguồn [email protected]
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.