Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 10 năm 2023 | 20:15

Chế biến sâu để nâng tầm giá trị cà phê Việt

Diện tích trồng lớn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê thu được cao, nhưng tỷ lệ cà phê chế biến sâu còn thấp, do doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Để nâng tầm giá trị, cần phải đầu tư công nghệ chế biến sâu cho cà phê.

Sản lượng cao nhưng xuất khẩu thô nên giá trị thu về chưa như mong muốn

Tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành hàng nông sản Việt Nam” diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh, cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và ngành nông sản nói riêng.

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao

Đến nay, Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ... Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Mặc dù, tăng trưởng nhưng lại chủ yếu nhờ tăng quy mô, sản lượng; trong đó có nhiều sản phẩm vẫn xuất khẩu thô, nên giá trị thu được về vẫn chưa được như mong muốn, nhất là cà phê.

Hiện, cả nước trồng khoảng 710.000ha cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Hàng năm, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam rất lớn, chẳng hạn như năm 2022 xuất khẩu trên 1,78 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD (vượt cả lúa gạo).

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu rất thấp, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô cho đối tác nước ngoài. Đơn cử, tại tỉnh Gia Lai, nơi đang có khoảng 99.000ha cà phê, trong đó hơn một nửa đã chuyển sang trồng theo các tiêu chuẩn 4C (giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường), organic (hữu cơ) để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng cao…

Một trong những nguyên nhân cà phê chỉ xuất khẩu thô được ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, do số lượng nhà máy chế biến còn quá ít và nhỏ lẻ (cả tỉnh có khoảng 80 nhà máy và cơ sở chế biến) nên tỷ lệ cà phê qua chế biến chỉ khoảng 5%-6%, còn lại là xuất thô. Tỉnh Đắk Nông với gần 140.000ha cà phê cũng tương tự.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam (SFV-Export) cho rằng, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi liên kết còn hạn chế, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp.

Bên cạnh đó, nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô nên giá trị chưa được như mong muốn

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, làm ra nhiều mà xuất khẩu thô là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp Việt, nhất là người trồng cà phê. Thiệt thòi trước hết là giá bán thấp, không đạt lợi nhuận như mong đợi. Cụ thể, nếu xuất khẩu thô (cà phê nhân) thì giá bán chỉ được khoảng 2.400 USD/tấn, trong khi giá bán 1 tấn cà phê chế biến trung bình lên tới 3.600 USD; chưa kể chi phí vận chuyển cà phê nhân cao hơn.

Mặc dù giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, thủ sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu là xuất thô nên giá trị thu được còn rất thấp, trong đó cà phê là một trong những sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng lại chủ yếu xuất khẩu thô. Do đó, cần phải đầu tư và ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch để giá trị các sản phẩm nông, thủy sản được nâng cao.

Xây dựng vùng cà phê đạt chuẩn

Nhằm nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

“Vấn đề quan trọng nhất cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất ở các vùng miền để nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu cho cà phê Việt Nam. Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến cà phê giảm phát thải. Nội dung này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các địa phương xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ cho người dân sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước. Diện tích cà phê của tỉnh hiện có hơn 213 ha, sản lượng trên 526.700 tấn/năm. Hiện nay, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt hơn 380.000 tấn, kim ngạch đạt 798 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững, đến nay, đã có gần 46.000ha cà phê ở Đắk Lắk được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận của Việt Nam và quốc tế. Tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất cà phê bền vững cho 17.508 hộ nông dân, đang quản lý diện tích 19.773ha cà phê. Toàn tỉnh có 54 tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích hơn 6.000ha.

Ứng dụng công nghệ chế biến sâu cho cà phê

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,78 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao, giá trị cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp về canh tác đầu tư cho chế biến sâu và mở rộng thị trường gắn với bảo vệ thương hiệu là những giải pháp căn cơ, tất yếu để gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng cà phê đưa vào chế biến trên 1,5 triệu/năm, với 3 sản phẩm chế biến; trong đó, chế biến cà phê nhân có trên 100 cơ sở với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn; chế biến cà phê bột (cà phê rang xay)  có 620 cơ sở với tống công suất 73.150 tấn sản phẩm/năm (gần 50% là cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình). Riêng chế biến sâu, hiện cả nước mới có 06 nhà máy cà phê hòa tan, 17 nhà máy, cơ sở sản xuất cà phê phối trộn, với tổng công suất khoảng 220.000 tấn sản phẩm/năm, đạt tỷ lệ 12%.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ở giữa) thăm gian hàng cà phê tại Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Ảnh: Tuấn Anh.

Với con số 220.000 tấn cà phê được chế biến sâu đạt tỷ lệ 12% cho chúng ta thấy khối lượng cà phê được chế biến sâu còn quá thấp. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị xuất khẩu thu về.

Tại Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tại sao thương hiệu Starbucks đã biến ly cà phê giá chỉ có 2,3 xu thành sản phẩm cà phê 5 - 10 USD? Trong những thành công của thương hiệu Starbucks thì việc ứng dụng công nghệ cũng chỉ là 1 yếu tố trong việc tạo ra giá trị cho cà phê. Ngoài ra, còn các yếu tố khác về văn hóa, xã hội, trải nghiệm, cảm xúc… cũng mang lại nhiều thú vị cho cà phê.

“Tôi đề nghị Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cùng với Bộ NN-PTNT tìm hiểu thị trường để hướng tới một viễn cảnh trong 5-10 năm nữa sẽ chuyển hóa tạo ra dòng cảm xúc, nét văn hóa cho cà phê Việt Nam. Để từ đó, chúng ta đưa được sản phẩm cà phê đi khắp thế giới với giá trị tối ưu nhất”, Bộ trưởng cho biết.

Hiện nay, ngoài doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn ở trong nước như Vina cà phê, An Thái, G7, Vĩnh Hiệp.... cũng đầu tư công nghệ chế biến cà phê hiện đại tạo nhiều sản phẩm cà phê chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 255 cơ sở chế biến tổng sản lượng khoảng 469.500 tấn cà phê/năm. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 15 dự án đầu tư chế biến cà phê với tổng vốn hơn 1.968 tỷ đồng. Hiện tại, tỉnh đang tăng cường xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm (đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu tại Việt Nam) đầu tư vào tỉnh.

Cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển thị trường trong nước. Bởi với đất nước gần 100 triệu dân thì dư địa tiêu thụ nội địa là rất lớn.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam sản lượng cà phê chế biến và tiêu thụ trong nước ngày càng tăng. Lượng cà phê nhân được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa ước tính khoảng 250.000 tấn - chiếm 16% tổng sản lượng (so với mức dưới 10% của số liệu trung bình 10 năm gần nhất). Dự báo, lượng cà phê nhân được sử dụng tại thị trường trong nước dự kiến tiếp tục tăng,

Để gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam, tại Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8,  Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành hàng cà phê.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top