Chi phí đầu vào cao, dịch bệnh đang có xu hướng quay trở lại ở một số địa phương và đang có những diễn biến phức tạp. Trong khi đang vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ lớn, nhưng giá thịt lại thấp sẽ có những diễn biến bất thường.
Vì thế, ngay từ bây giờ cần phải ngăn chặn dịch bệnh để chuẩn bị tốt nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán.
Chủ động cung – cầu
Có thể nói trong năm 2023 ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn gặp phải vô vàn những khó khăn, trong đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dich tả lợn châu Phi có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, bên cạnh đó giá thịt lợn hơi đang ở mức thấp, vì thế người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn bởi thu không đủ chi.
Theo thống kê trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 50.000-51.000 đồng/kg. Tương tự, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, giá cũng dao động trong khoảng 49.000-53.000 đồng/kg. Tính chung từ đầu quý IV-2023 đến nay, giá lợn hơi không cải thiện, thậm chí còn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
Chuẩn bị tốt nguồn cung thịt lợn cuối năm.
Trong khi tổng số lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 11-2023 tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2022, với số lượng khoảng 27 triệu con. Vì vậy, các cơ quan chức năng dự báo sẽ không thiếu nguồn cung mặt hàng này, chưa kể các nguồn thực phẩm khác, chắc chắn sẽ bảo đảm đầy đủ thực phẩm cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thịt vào dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 luôn cao, do đó ngành nông nghiệp, đặc biệt là người chăn nuôi lợn cần nâng cao sự chủ động trước dịch bệnh, đồng thời nắm chắc nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, chuẩn bị nguồn cung thịt lợn bảo đảm cho thị trường. Các địa phương cần tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá; đồng thời theo dõi thị trường con giống, thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, góp phần ổn định đầu vào cho người chăn nuôi. Ngoài ra, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có lợn hơi, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Người chăn nuôi cùng các nhà phân phối cần điều tiết phù hợp lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng “nóng”, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của Nhà nước, nhất là thời điểm “nhạy cảm” của thị trường cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Nói cụ thể hơn, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt lợn và các mặt hàng nông sản thực phẩm tổ chức nuôi lợn tái đàn thận trọng, không găm hàng, thổi giá. Doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng thường xuyên, liên tục tại các điểm bán hàng; phối hợp với ngành chức năng chủ động nắm nguồn cung sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất để chủ động có phương án phân phối ra thị trường.
Phòng chống dịch tả lợn châu Phi để đảm bảo nguồn cung
Hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện hơn 530 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy hơn 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk…Hiện, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn.
Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn lợn.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở 2 huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, buộc tiêu hủy 79 con lợn. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn dịp cuối năm tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh Dịch tả lợn châu Phi rất cao.
Yên Mô là một trong những địa phương có số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi cao của tỉnh Ninh Bình. Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện 2 đợt, đợt 1 từ ngày 30/3/2023 đến ngày 29/7/2023, đợt 2 từ ngày 13/10; lũy kế đến hết ngày 21/11/2023, toàn huyện đã phải tiêu hủy 655 con lợn của 134 hộ chăn nuôi trên địa bàn 13 xã, thị trấn với trọng lượng 30.089 kg do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2023 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra tại 19 cơ sở chăn nuôi của 17 thôn thuộc 13 xã, phường, thị trấn tại 3 huyện: Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Trà Bồng với tổng số lợn chết hơn 250 con, làm thiệt hại kinh tế của nhiều hộ gia đình.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Quang Trung cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng. Trong đó, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các ổ dịch nếu không có sự kiểm soát của các ngành chức năng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành, các Bộ liên quan triển khai thực hiện công điện.
Theo đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh DTLCP; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Kiểm tra kiểm soát để dịch bệnh không lây lan.
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn có tổng đàn lợn lớn, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; kịp thời thông tin, phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (qua chi cục chăn nuôi và thú y) để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo; chủ động triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo quy định của pháp luật (khi có dịch bệnh xảy ra).
Bên cạnh đó, siết chặt công tác kiểm dịch, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật, chủ động phối hợp triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép từ bên ngoài vào địa bàn hoặc vận chuyển qua địa bàn.
Kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, buôn bán thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ, điểm thu gom, buôn bán thực phẩm; tổ chức kiểm tra đột xuất việc tuân thủ cam kết thực hiện giết mổ, sơ chế, chế biến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, sản phẩm lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh làm dịch bệnh bùng phát, lây lan, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Bảo đảm nguồn cung thịt lợn không để xảy ra những biến động cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán là trách nhiệm của các ngành chức năng, do đó cần chủ động nguồn cung đồng thời phải có những biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi không bùng phát, bảo vệ được đàn lợn cho các cơ sở chăn nuôi cũng như hộ gia đình, có như vậy chúng ta mới chủ động được nguồn cung thịt lợn cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.