Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022 | 15:16

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố bất biến

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ổn định kinh tế vĩ mô là chìa khóa ứng phó với những biến động của tình hình kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Hai chìa khoá giúp kinh tế “lội ngược dòng”

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, Diễn đàn Kinh tế - xã hội của Quốc hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” là lựa chọn rất cần thiết ở thời điểm này.

Thực tế cho thấy, chúng ta đang sống trong bối cảnh thay đổi rất nhanh, nhiều biến động, bất ổn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Tuy đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số các nước đã nới lỏng quy định phòng, chống dịch, song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hệ luỵ đối với các mặt đời sống xã hội còn nặng nề.

 

Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch Covid-19, kinh tế đang hồi phục, gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan.

 

“Điều hết sức đặc biệt là, ngược dòng bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022”, ông Thắng cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động, bất ổn.

Quan trọng vẫn phải công khai, bình đẳng, minh bạch

Tại Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, trước đề nghị nêu 3 điểm cải cách đột phá trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, điểm đầu tiên chính là liên quan quy hoạch, thể hiện được vai trò của Nhà nước trong phân bổ nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia một cách công bằng, dân chủ.

Điểm thứ hai là định giá đất đai công khai, minh bạch, bình đẳng để giải quyết các mối quan hệ từ Nhà nước đến doanh nghiệp và người dân. Kinh tế và tài chính đất đai khi định giá đúng sẽ thực hiện được các chính sách xã hội, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước sử dụng công cụ thị trường, kinh tế, hành chính thì mới giải quyết được vấn đề đầu cơ, thổi giá, lãng phí hay sử dụng không hiệu quả.

Điểm thứ ba là nắm bắt được số lượng, chất lượng và kinh tế đất đai thông qua dữ liệu thông tin về đất đai. “Chuyển đổi số càng sớm càng tốt thì thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt nhân dân giám sát nguồn lực quan trọng này ngày càng tốt, giúp người dân tiếp cận thông tin công bằng, công khai, bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân thay vì gây khó khăn từ “rừng” thủ tục hành chính”, ông Hà nhấn mạnh.

Chủ động ứng phó với biến động xăng dầu

Tại phiên Toạ đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, trả lời câu hỏi về định hướng chính sách của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tác động của đại dịch cũng như những xung đột chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào... Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua. Các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn, thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng, được cử tri và nhân dân hưởng ứng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến 31/12. Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện mở rộng nguồn cung, sẵn sàng cho các biến cố trong tình hình thế giới khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong Kỳ họp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

“Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “ứng vạn biến” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu”, ông Chi nói.

Tạo thị trường lao động bền vững cho giới trẻ

Trao đổi một số vấn đề về chính sách lao động cho giới trẻ trong phiên thảo luận bàn tròn, chuyên gia về việc làm cho thanh niên – Văn phòng ILO khu vực châu Á- Thái Bình Dương Weidenkaff Felix cho biết, người trẻ chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh đã gây ra những gián đoạn về học tập, đào tạo và tìm kiếm việc làm và sức khỏe tinh thần của người trẻ.

Theo ông Weidenkaff Felix, sự phục hồi kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng trong năm 2022 còn mong manh khi chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội việc làm còn nhiều gián đoạn, chịu ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong thực hiện chuyển đổi, mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ. Tuy nhiên, dự kiến sẽ khó có những tiến triển tích cực bởi về tổng thể vẫn còn đó những chênh lệch về khả năng phục hồi thị trường việc làm giữa các quốc gia, tình trạng thất nghiệp còn nguy cơ cao, lao động trẻ nữ tham gia thị trường lao động thấp, tình trạng bất bình đẳng giới còn hiện hữu, những người không được đào tạo chính quy chủ yếu lao động ở khu vực phi chính thức.

Nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp thấp cần được nhìn nhận một cách thận trọng, ông Weidenkaff Felix chỉ rõ, tại Việt Nam, khả năng thanh niên có việc làm và giữ việc là do nhu cầu có việc mà không phải do năng lực. Cùng với đó, còn khoảng 1,5 triệu người trẻ chưa được đào tạo chính quy về việc làm.

Trong giai đoạn quan trọng của thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có thực hiện chính sách lao động, ông Weidenkaff Felix đưa ra bốn khuyến nghị đối với Việt Nam: Một là, thị trường lao động đa dạng tạo công việc ổn định bền vững, cần sự hỗ trợ của kinh tế vĩ mô và sự hỗ trợ chính sách chuyển đổi thị trường lao động cho người trẻ. ILO đề nghị cần quan tâm đến hệ thống việc làm thanh niên, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Hai là, cần đầu tư những chuyển đổi căn bản hướng tới công nghệ mới, giải quyết các vấn đề thách thức chung như biến đổi khí hậu, tăng thu nhập gắn với tăng trưởng. Đồng thời thúc đẩy kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra thêm việc làm mới, nhất là với người lao động trẻ.

Ba là, có các chính sách hỗ trợ lao động và đào tạo, trong đó kĩ năng là động lực để chuyển đổi kinh tế, chuyển đổi số; cần các chương trình đào tạo lại và nâng cấp kĩ năng góp phần nâng cao năng suất lao động ở người trẻ.

Bốn là, cần có cơ chế tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ việc làm. Thị trường việc làm cần phải đảm bảo sự đa dạng, bình đẳng giới, đa dạng thành phần lao động.

Ông Weidenkaff Felix nhấn mạnh, kinh tế sẽ phục hồi toàn diện khi có sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của lực lượng lao động trẻ và trong quá trình xây dựng,  thực thi chính sách cần lắng nghe ý kiến của lao động trẻ.

Kinh tế của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Chia sẻ về yếu tố bên ngoài đang ảnh hưởng tới các triển vọng kinh tế của Việt Nam, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud cho biết, năm 2022 đã chứng kiến những diễn biến phức tạp, những cú sốc kinh tế thế giới như lạm phát tăng cao toàn thế giới, các biện pháp thắt chặt tài chính, kỳ vọng thấp về triển vọng kinh tế Trung Quốc và tình hình địa chính trị phức tạp tại Ukraine. Những diễn biến này cho thấy triển vọng kinh tế đi xuống, triển vọng lạm phát tăng lên. Có thể thấy, xung quanh môi trường quốc tế của Việt Nam đang chứng kiến lạm phát tăng cao, các điều kiện tài chính khó khăn và nhiều rủi ro.

Trên cơ sở đó, ông Francois Painchaud nêu rõ, năm 2022, Việt Nam đã khôi phục kinh tế ấn tượng, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7% và đây là mức tăng trưởng tương đối ấn tượng so với các nền kinh tế phát triển khác trong năm 2023. Mặc dù mức tăng trưởng này tương phản với triển vọng kinh tế mờ nhạt ở các nước khác, nhưng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế của châu Á.

Tuy nhiên, ông Francois Painchaud nhận thấy, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn có những rủi ro, lạm phát có thể sẽ còn tăng nhanh. Sự hồi phục của Việt Nam sẽ gặp phải trở ngại do tăng trưởng toàn cầu chậm lại với điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Ông Francois Painchaud  nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần phải rất cẩn trọng trước những rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng những động lực chính sách giúp kiềm chế lạm phát. Để có thể đạt hiệu quả nhất, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng các chính sách và công cụ tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp can thiệp ngoại hối nhất quán.

 

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn.

 

Nền kinh tế mở cửa trở lại và trên đà phục hồi, phát triển

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại và trên đà phục hồi, phát triển.

Chia sẻ rằng, dường như Việt Nam hơi ngược dòng thế giới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh thế giới tăng trưởng thấp thì Việt Nam tăng trưởng cao, thế giới lạm phát thì Việt Nam lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 ở kịch bản thận trọng nhất được xác định có thể đạt trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%.

Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc ban hành các Nghị quyết này là sản phẩm của sự bàn bạc kĩ lưỡng, hợp sức giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng với đó là kết quả của Diễn đàn Kinh tế 2021. Các Nghị quyết đã tạo động lực và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Các gói chính sách hỗ trợ được thiết kế toàn diện cả về tài khóa và tiền tệ, tác động cả tổng cung và tổng cầu. Các chính sách được ban hành đúng lúc và kịp thời, thể hiện tinh thần tự tin đưa ra gói chính sách mới có sự tính toán chặt chẽ, trên cơ sở dư địa và khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Về các thị trường như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, thị trường bất động sản…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó, cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.

Diễn đàn cũng thống nhất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, đặc biệt trước mắt là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai. Thể chế phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng là vấn đề cần phải có kế hoạch để hành động ngay. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh, về quy hoạch...

Ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dương Thanh

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top