Xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang (TP. Đà Nẵng) là một trong những vựa trồng mía lớn và lâu năm trong khu vực. Thế nhưng, trước biến đổi thời tiết thất thường, người nông dân đã chủ động chuyển đổi diện tích lớn đất canh tác mía không chủ động được nước tưới qua trồng dưa hấu, thu lại hiệu quả kinh tế cao.
Chuyển đổi từ câu mía sang dưa hấu
Những ngày qua, trên những cánh đồng trồng dưa tại xã Hòa Bắc những trái dưa hấu to tròn được người nông dân thu hoạch. Nông dân rất phấn khởi thu hoạch và thương lái thì tích cực thu mua.
Rộn ràng hoạt động thương mại dưa hấu tại Hoà Bắc.
Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc cho biết, hiện tại, địa phương có khoảng 25 hộ trồng dưa hấu (trong đó có 16 hộ là người địa phương, còn lại là người Quảng Nam ra thuê đất trồng) với tổng diện tích trồng dưa hấu trên toàn xã gần đạt 30ha. Sản lượng dưa hấu thu hoạch bình quân đạt 40 tấn/ha.
Ông Nam cho biết, thời gian trước đây xã Hoà Bắc chủ lực là trồng cây mía đem lại thu nhập cho bà con rất cao. Thời gian gần đây do vật tư nông nghiệp tăng, giá thương phẩm cây mía ở mức thấp cùng với điều kiện khí hậu có nhiều biến động. Do đó, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng mía qua trồng cây dưa hấu và đem lại lợi nhuận và cho năng suất rất cao, giúp cho bà con cải thiện đời sống kinh tế, góp phần tăng thêm sản phẩm nông nghiệp.
Ước tính sơ bộ sản lượng dưa bình quân trong lần thu hoạch này đạt hơn 36 tấn/ha, tổng sản lượng dưa toàn xã ước lượng đạt từ 900 – 1.000 tấn.
Thu quả ngọt
Vụ dưa hấu năm nay, gia đình ông N.V.Hùng, xã Hoà Bắc trồng gần 1ha. Thời tiết thuận lợi nên dưa đạt năng suất, quả to, ruột đỏ và ngọt. Ông Hùng tính toán, trồng dưa lãi gấp nhiều lần trồng cây mía. Mỗi sào mía trồng một năm thu nhập 5 triệu đồng, còn trồng dưa hấu thu lãi gần 10 triệu đồng/sào. Vụ dưa hấu năm nay, gia đình ông Hùng thu lãi 150 triệu đồng.
Trồng dưa hấu lãi gấp nhiều lần so với trồng cây mía.
“Trước đây, trồng mía năng suất thu nhập thấp nên chuyển qua trồng cây dưa có lợi nhuận cao hơn, sản lượng thu nhập cao hơn cây mía nhiều. Cây mía 1 năm thu nhập 1 lần còn cây dưa 3 tháng là thu hoạch. Năm nay, được mùa”, ông Hùng chia sẻ.
Là người dân chủ động chuyển đổi trồng dưa từ lâu năm tại xã Hoà Bắc, bà N.T.Thảo cho biết, năm nay, dưa hấu được mùa hơn so với những năm trước. Phong trào chuyển đổi cây trồng khác sang dưa hấu để thích nghi với điều kiện nước tưới trên địa bàn xã cũng đang được lan rộng nên hoạt động thương mại về dưa diễn ra khá nhộn nhịp. Đa số các chủ vườn đều phải thuê lao động thu hoạch dưa hấu để kịp bán cho thương lái, chủ yếu người dân địa phương tại các thôn.
"Trung bình mỗi đội thu hoạch khoảng 10 người. Mỗi ngày, người lao động có thể kiếm được 500.000 đồng tới 1 triệu đồng. Thu hoạch dưa hấu đa phần là vào lúc thời tiết mát mẻ, dưa cũng tươi, chất lượng nhất", bà Thảo nói.
Cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng
Thời gian tới, xã Hoà Bắc sẽ tiếp tục theo dõi sự biến động của thị trường dưa hấu, khuyến cáo người dân không nên sản xuất ồ ạt để tránh trường hợp được mùa mất giá. Cũng trong thời gian qua, thông tin từ Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, Hội đã và đang tiếp tục hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật trong việc sản xuất và làm cầu nối giúp bà con tiêu thụ sản phẩm về dưa hấu.
“Hội đã đồng hành với nông dân hỗ trợ 2 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho bà con xã Hoà Bắc vay tổ chức sản xuất. Qua 2 năm trồng thử nghiệm, xác định được người dân xã Hoà Bắc trồng được cây dưa hấu và đất đai thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây dưa hấu nên bà con trồng có lãi, tiêu thụ được, người nông dân có thu nhập và ổn định được cuộc sống. Ngoài Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, của Hội Nông dân thành phố, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi liên kết với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn”, ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng nêu rõ.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.