Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 1 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 1 năm 2024 | 9:39

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Cách làm của Thừa Thiên – Huế

Thực hiện chuyển đổi số là cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết theo chuỗi giá trị, thay vào đó là nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu và thông tin, giúp nông nghiệp Thừa Thiên - Huế vươn xa và có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân - người đầu tiên và là gốc rễ để chuyển đổi số thành công.

Hợp tác xã số

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp thời kỳ 4.0.

Thực hiện Hợp tác xã số ở xã Quảng Thọ với việc đưa sản phẩm Trà rau má đã được công nhận OCOP 4 sao của HTX lên các sàn thương mại điện tử.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quảng Thọ II (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) được tỉnh Thừa Thiên - Huế lựa chọn để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX. Theo đó, HTX đã xây dựng và hoạt động thử nghiệm Website quảng bá các sản phẩm mà HTX đang sản xuất, kinh doanh. Tiến hành đưa sản phẩm Trà rau má đã được công nhận OCOP 4 sao của HTX lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, sàn kinh tế hợp tác... Triển khai vận hành thử nghiệm Trang thông tin điện tử của HTX nông nghiệp Quảng Thọ II.

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, cho biết, hàng năm, HTX thu mua và tiêu thụ 180 - 200 tấn rau má tươi và chế biến các sản phẩm rau má khô 20 - 25 tấn. Hiện, rau má được bán không chỉ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Bên cạnh đó, đơn vị đã sản xuất các loại sản phẩm trà rau má đựng trong túi lọc và trà rau má sấy khô, bột matcha. Các sản phẩm này, HTX bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên- Huế thông qua hệ thống Shopee và Lazada.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được nhiều HTX trên địa bàn Thừa Thiên - Huế triển khai từ nhiều năm nay, như: HTX Nông nghiệp Phú Thanh xã Quảng Thành (Quảng Điền), HTX Thủy Thanh 2 xã Thủy Thanh (Phú Vang), HTX Phú Hồ, HTX An Lỗ…  Cùng với đó, nhiều HTX cũng đưa giống lúa mới chất lượng cao vào gieo cấy trên cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, an toàn, VietGAP… Ứng dụng công nghệ cao vào canh tác trong sản xuất nông nghiệp giúp giải quyết tốt bài toán năng suất, chất lượng cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản ở địa phương.

Thực hiện xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh,  Quảng Thọ đã ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao trong các mô hình sản xuất, sản phẩm, dịch vụ số.  Hiện nay, các hệ thống phổ biến trong thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn được Quảng Thọ thực hiện khá hiệu quả. Xã có 1.065/1.959 hộ gia đình có tài khoản phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt như hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet… Trong đó, có 615 tài khoản ViettelPay, 450 tài khoản các ngân hàng khác; 100% cán bộ, công chức và người lao động không chuyên trách có tài khoản Hue-S, ví điện tử, ViettelPay và tài khoản các ngân hàng khác, đã thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet… không dùng tiền mặt.

Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, cho biết, thực hiện chủ trương chung của huyện là đẩy mạnh chuyển đổi sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, Quảng Điền đã tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất, tập trung ứng dụng  tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.  Cùng với việc thực hiện chuyển đổi cây trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX, các hộ sản xuất đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp huyện bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng vào sản xuất. Trong đó, HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ II là một trong những đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ vào quá trình trồng, chăm sóc, chế biến trà rau má; sử dụng ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, người dân trên địa bàn đã tích cực thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích, tăng quy mô sản xuất.

Thực hiện đề án xã thông minh, Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) đã hoàn thành chính quyền điện tử cấp xã, xây dựng xã hội số và kinh tế số. Hướng tới hoàn thành chính quyền điện tử, xã đang tập trung thực hiện nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; trong đó, xây dựng điểm truy cập tập trung tại trụ sở UBND xã, xây dựng một số điểm phát wifi miễn phí cho người dân. Địa phương này cũng  ứng dụng công nghệ thông tin  phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, áp dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử.

Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ II thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ số với việc áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.

Chuyển đổi số toàn ngành

Việc triển khai xây dựng thành công mô hình thí điểm làng thông minh, xã thông minh tại Quảng Thọ (huyện Quảng Điển) và  Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) theo Kế hoạch số 265/KH-UBND, ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là bước tiến đột phá trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành, Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản cho phép kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Hệ thống thông tin sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại địa chỉ: http://nongsan.thuathienhue.gov.vn.

Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên cơ sở kiến trúc, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ dữ liệu thống nhất, bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT trong 03 lĩnh vực: Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - Thú y và Thủy lợi. Phối hợp với Viện chuyển đổi Môi trường và Xã hội Quốc tế (ISET) tiếp tục tích hợp vào hệ thống GISHue phục vụ cộng đồng phòng tránh thiên tai.

Cùng với đó, triển khai ứng dụng công nghệ, thiết bị bay không người lái (Drones) trong việc phun các sản phẩm bảo vệ cây trồng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, phục vụ cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế: Hệ thống mạng vô tuyến điện phòng, chống thiên tai; Hệ thống đo mưa chuyên dụng Vrain; Hệ thống giám sát ngập lụt; Ứng dụng “Phản ánh ngập lụt” trên Hue-S…; Truyền tin cảnh báo qua hệ thống mạng xã hội Facebook, Zalo…

Việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã nông nghiệp thuần nông sang hợp tác xã nông nghiệp kết hợp khoa học công nghệ, bước đầu hình thành hệ thống hợp tác xã số đã tạo ra bước thay đổi tư duy mạnh mẽ cho người nông dân trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến đến quảng bá, kết nối tới tay người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, phổ cập kỹ năng số, phát triển tri thức số cho người nông dân qua các kênh thông tin và hệ thống Hội Nông dân các cấp, hệ thống hợp tác xã số…; hướng dẫn người dân sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, nhận biết, phòng ngừa lừa đảo trên mạng. Khuyến khích, đẩy mạnh các giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và hợp tác xã, gắn kết phát triển thương mại điện tử với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng số ở nông thôn chưa hoàn thiện, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu nền chuyên ngành Nông nghiệp còn tản mạn, chưa đầy đủ, chưa tập trung, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ...

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành.

Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế. Chi phí đầu tư cho các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp rất lớn, đa số người dân không đủ điều kiện hoặc chưa dám đầu tư. Kinh phí thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT chưa được bố trí để triển khai các hoạt động.

HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chủ yếu là HTX nông nghiệp sản xuất, kinh doanh  truyền thống nên hạn chế cả về nguồn vốn và khả năng huy động vốn. Năng lực, tư duy và nhận thức của HTX, người nông dân đối với chuyển đổi số trong phát triển còn hạn chế. Các HTX mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn quá ít...

Ngành Nông nghiệp Thừa Thiên -Huế đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số nhằm quảng bá sâu rộng các sản phẩm nông sản địa phương.

Những nhiệm vụ tiên quyết

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Long An, trong quá trình triển khai, ngành Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế rút ra một số kinh nghiệm: Phải xác định quan điểm tận dụng tối đa hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, nhằm mục đích tuyên truyền thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền điện tử ngành Nông nghiệp và PTNT; phát triển nhanh và bền vững kinh tế nông nghiệp tỉnh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, nâng cao sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung vào việc xây dựng nền tảng dữ liệu là nhiệm vụ tiên quyết. Nếu không có sự thống nhất về cơ sở dữ liệu, thiếu sự liên kết đồng bộ thì rất khó vận hành công việc khi quy trình công nghệ hệ thống quản trị rời rạc.

Cùng với đó, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, kỹ năng đáp ứng được tính chất công việc, các yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời đại công nghệ số. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, vững về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm cao của người đứng đầu là nhân tố quyết định đến hiệu quả công tác chuyển đổi số. Phát huy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong tiến trình chuyển đổi số, là lực lượng tiên phong, đi đầu thúc đẩy chuyển đổi số với tư duy mới, cách làm mới.

 Để chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ thay đổi tư duy, nhận thức. Thay đổi con người và cách thức làm việc khó hơn thay đổi công nghệ. Thay đổi tư duy là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như trong mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chính quyền điện tử và công nghệ thông tin là công cụ để đổi mới sáng tạo, đổi mới tư duy, cách thức làm việc, vận hành bộ máy quản lý, hướng đến chuyển đổi số sâu và rộng trên tất cả mọi lĩnh vực. Chỉ có xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mới góp phần thực hiện hiệu quả trong việc tinh giản biên chế, thay đổi lề lối làm việc, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền; xây dựng, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là   quá trình lâu dài và cần có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ nông nghiệp. Doanh nghiệp cần phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu của người nông dân. Nông dân cần chủ động học hỏi và áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.

Thừa Thiên - Huế xác định mục tiêu: “Đến năm 2030, hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số” theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, việc chuyển đổi nhận thức bắt đầu từ vai trò quản lý các cấp đến người dân, doanh nghiệp, từ thành thị đến nông thôn; việc kiến tạo thể chế để bảo đảm điều kiện cho công cuộc chuyển đổi số; chú trọng nâng cấp phát triển hạ tầng, dữ liệu số… là hết sức cấp thiết.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top