Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 5 năm 2023 | 8:49

Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở huyện Cù Lao Dung: Kỳ vọng tạo đột phá

Tập trung thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đang từng bước hiện đại hóa sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hiện đại

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Nhà vườn ông Minh Thường giới thiệu về phần mềm điều khiển tưới tiêu nước tiết kiệm thông qua điện thoại di động.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, ông Minh Thường, nhà vườn ở ấp Phước Hòa B, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung) đã có thể tưới tiêu trên tất cả 4ha vườn bưởi Năm Roi và da xanh của gia đình. Ông Thường cho biết, với hệ thống tưới tiết kiệm điều khiển bằng điện thoại, ông chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ là hoàn thành một lần tưới tiêu cho khu vườn của gia đình. Công nghệ này giúp tiết kiệm nguồn nước, sức lao động và chi phí trong sản xuất, đặc biệt, ông có thể thực hiện tưới tiêu ở bất cứ thời gian nào thấy phù hợp cho cây trồng.

“Trước đây, mình muốn tưới hết khu vườn của nhà thì phải mất từ 1 tuần trở lên. Còn bây giờ, áp dụng công nghệ, chỉ mất 1-2 giờ với  chi phí thấp hơn. Rồi bà con mình còn tận dụng được thời gian để làm nhiều công chuyện khác như cắt tỉa, tạo tán cho cây...”, ông Thường phấn khởi nói.

Với chương trình có sẵn, phần mềm tưới tiêu tiết kiệm điều khiển bằng điện thoại di động giúp ông Thường tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước và phân bón…, từng bước giúp gia đình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường và thời tiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Minh Thường cho biết thêm: “Trước đây, thao tác thủ công, tưới bằng mô tơ hay máy cắt cỏ tự chế thì lượng nước hao hụt rất nhiều và cũng không hiệu quả cao cho cây trồng, bởi lượng nước mạnh quá thì làm xói bề mặt của đất tự nhiên, ảnh hưởng tới cây, còn hiện tại thì tưới bằng hệ thống péc như thế này thì, lượng nước tưới vừa đủ đáp ứng cho cây trồng, giúp cây tươi tốt, giảm thời gian, giảm chi phí, quan trọng nhất là tiết kiệm được nước. Ví dụ mình lập trình tưới ban ngày, nắng quá thì mình lập trình tưới vào ban đêm”.

Làng Du lịch Long Ẩn là địa điểm du lịch sinh thái hình thành được vài năm nay với phạm vi khoảng 300ha của 24 hộ làm vườn ở xã An Thạnh 1. Du khách đến đây có thể trải nghiệm du lịch cộng đồng, khám phá, tìm hiểu những danh thắng ở Cù Lao Dung, thưởng thức các món ăn đặc sản, tìm hiểu phong tục, đời sống văn hóa khi đến khám phá vùng đất này.

Ông Nguyễn Hồng Tiến (ấp An Trung A, xã An Thạnh 1) cho biết: Làng du lịch Long Ẩn được địa phương hỗ trợ giới thiệu trên nền tảng website du lịch Sóc Trăng; ngoài ra, người dân còn quảng bá,  giới thiệu trên zalo, facebook, nên nhiều du khách trong và ngoài địa phương biết đến và chọn làm nơi tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, thời điểm đến mùa thu hoạch nông sản, du khách đến tham quan, thưởng thức cây ăn trái tại vườn và cả mua về nhà nhiều hơn. Cách làm này giúp các hộ gia đình giải quyết một phần đầu ra cho sản phẩm trái cây và có nguồn thu nhập tăng thêm từ làm du lịch.

Theo ông Tiến, để vườn cây ăn trái đảm bảo tươi tốt phục vụ du khách, bà con còn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là xử lýcho trái rải vụ, quanh năm và áp dụng mô hình tưới tiêu tiết kiệm. Chỉ cần bật công tắc là nước phun ra,  mỗi péc cách nhau 5m, tưới  xung quanh 2,5m, rất hiệu quả, giúp cây phát triển tốt.

Kỳ vọng tạo đột phá

Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân huyện Cù Lao Dung đẩy mạnh với kỳ vọng tạo đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Ông Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ về cách nhà vườn làm du lịch từ vườn cây ăn trái.

Cù Lao Dung có vùng trồng cây ăn trái lớn thứ 2 của tỉnh Sóc Trăng, huyện có khoảng 5.000ha cây ăn trái. Ngoài ra, địa phương này có gần 3.000ha trồng rau màu và khoảng 2.700ha trồng mía.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cù Lao Dung, cho biết, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực mà lãnh đạo địa phương quan tâm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhiều mô hình đã và đang được đưa vào vận hành, bước đầu mang lại hiệu quả cao, như: phần mềm quản lý vùng canh tác giúp ngành nông nghiệp có thể quản lý và truy xuất được khu vực, diện tích đất tại địa phương đã và đang sản xuất cây - con gì.

Ngoài ra, phần mềm còn cập nhật, tích hợp mọi thông tin các công trình thuỷ lợi, như hệ thống đê, cống, cầu..., tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, huyện cũng đang đẩy mạnh áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm thông qua điều khiển bằng điện thoại thông minh, hiện đang được người dân ứng dụng rất nhiều và đang cho hiệu quả cao. Các sản phẩm OCOP của huyện cũng được hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc…

Ông Đắc thông tin thêm: Năm nay, đơn vị dự định thực hiện phần mềm facefarm (nhật ký sản xuất), có nghĩa là thực hiện truy xuất nguồn gốc các vùng trồng. Mình giao người dân ghi chép bằng tay để phục vụ cho công tác xuất khẩu thì nhiều khi bà con quên. Sắp tới,  mình sẽ thực hiện sổ nhật ký điện tử  trên phần mềm luôn, mình sẽ thông qua các tổ hợp tác để quản lý các vùng trồng. Các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ giúp cho các vùng trồng có nhật ký cụ thể, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Do nằm cuối sông Hậu, tiếp giáp với 2 cửa biển Trần Đề và Định An, sản xuất nông nghiệp ở Cù Lao Dung cũng chịu áp lực lớn bởi mặn xâm nhập mùa hạn. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp các vùng trồng từng bước đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường và thời tiết, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.

 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
Top