Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 1 năm 2024 | 16:39

ĐBSCL: Nhà vườn chủ động nguồn trái cây, hoa phục vụ Tết

Còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các nhà vườn ở ĐBSCL đang hối hả chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để cho ra những sản phẩm bắt mắt, độc lạ, phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. Theo nhận định, năm nay, kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên sản phẩm có giá vừa phải sẽ dễ bán.

Hơn 500.000 chậu hoa phục vụ Tết

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, năm nay nông dân tại các quận, huyện gieo trồng hơn 502.000 chậu hoa kiểng các loại để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, tập trung vào các loại hoa, kiểng ở phân khúc cấp trung và bình dân, với chi phí sản xuất không quá lớn sẽ thuận lợi cho việc tiêu thụ.

Theo Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy, năm nay, làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ cho ra thị trường hơn 286.500 chậu hoa kiểng các loại. Nhiều nhà vườn tại đây cho hay, tình hình kinh tế khó khăn, dự báo sức mua giảm nên số lượng các chậu hoa cũng giảm so với năm rồi.

Ông Sê, làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, (TP. Cần Thơ), chăm sóc chậu cúc để bán trong dịp Tết.

Ông Trần Văn Sê, hộ có thâm niên trồng hoa hơn 20 năm tại làng hoa chia sẻ, kinh tế khó khăn nên tôi đã giảm khoảng 1.000 chậu so với năm trước. Ở làng hoa này, ai cũng giảm số lượng vì sợ đưa ra thị trường Tết nhiều sẽ dội chợ. Tôi đã xuống giống gần 2.500 chậu với hơn 10 loại hoa, chủ yếu là cúc Đài Loan, cúc mâm xôi và cát tường... Trong đó, có 150 chậu cúc “chân dài”, 250 chậu cúc mâm xôi tím - các loại hoa này được khách hàng ưa chuộng. Cây cúc thay vì chỉ cao 50-60 cm đã “kéo chân” của loại hoa này lên từ 1,1-1,4 m, bán với giá 300.000 đồng/chậu.

Trong khi đó, gia đình ông Đoàn Hữu Minh Quang, ở làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ  cho biết, năm nay tăng số lượng trồng loài cúc mâm xôi tím lên 400 chậu do năm rồi loại cúc này “cháy” hàng. Cùng với đó, còn trồng thêm cúc mâm xôi đỏ và đỏ hồng với 600 chậu. Giá bán các loại cúc mâm xôi này được giữ ổn định với giá 500.000 đồng/cặp. Tuy nhiên, các loại hoa kiểng khác đều giảm số lượng trồng.

Tại TP. Sa Đéc (Đồng Tháp), thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố cho thấy, năm 2023 diện tích hoa kiểng trên địa bàn là 946 ha, tăng 258 ha. Số hộ sản xuất hoa kiểng trên 4.000 hộ, tăng trên 2.100 hộ so với năm 2022. Hiện nay, làng hoa Sa Đéc có trên 2.000 chủng loại hoa kiểng gồm: kiểng công trình, trang trí nội thất (65%), kiểng cổ bonsai (15%), hoa các loại (20%). Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân làng hoa trồng khoảng 1 triệu giỏ hoa các loại như: cúc mâm xôi, hoa hồng, hoa giấy, vạn thọ, cát tường, hoa đồng tiền…

Một số loại hoa có giá ổn định như: cúc mâm xôi vàng truyền thống được xử lý ra hoa sớm có giá 120.000 đồng/chậu, hồng siêu nụ 45.000 đồng/chậu, hồng tiểu muội 35.000 đồng/chậu, cúc đồng tiền 60.000 đồng/chậu, vạn thọ 50.000 đồng/chậu, tiger 40.000 đồng/chậu…

Hơn 60% sản phẩm đã được đặt hàng

Trồng hoa kiểng Tết là nghề truyền thống (cách đây hơn một thế kỷ - PV) của người dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ở thời điểm này, người dân nơi đây đang hối hả, bám ruộng hoa để hy vọng có những sản phẩm hoa kiểng đẹp mắt hấp dẫn, làm đẹp cho mùa Xuân và có nguồn thu nhập cao khi Tết đến, Xuân về.

Vụ hoa kiểng Tết năm nay, Chợ Lách có đa dạng các chủng loại, nhiều nhất vẫn là các loại cúc, vạn thọ, hoa mào gà, hoa giấy, bon sai, các loại, mai vàng, kiểng lá, kiểng thú uốn, tỉa ra nhiều hình dáng mới lạ hơn…Hoa kiểng Chợ Lách đã có thương hiệu được đông đảo người dân biết đến. Trước Tết cổ truyền 2-3 tháng đã có nhiều thương lái đến xem hàng và hợp đồng thu mua sản phẩm. Đến thời điểm này, nhiều diện tích hoa kiểng của nông dân đã có thương lái đến thu mua.

Chợ Lách có tới hơn 6.000 hộ chuyên trồng hoa, trong đó cúc mâm xôi giữ vai trò chủ lực (Ảnh: VOV).

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, nông dân xã Long Thới, huyện Chợ Lách phấn khởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, hoa người dân trồng đạt từ 80-90%. Cúc mâm xôi gia đình bán được 220.000 đồng/cặp. Ở địa phương có gia đình đã bán hết.

Là thương lái từ tỉnh Đắk Lắk đến tìm hiểu để thu mua, bà Nguyễn Thị Vân cho biết, hoa kiểng phục vụ Tết ở đây tương đối đa dạng. Tôi đang kiếm mua hoa giấy với thêm một ít cây mai vàng. Nhưng mai vàng năm nay nói chung thời tiết lạnh nên chưa dám đưa về, thấy năm nay thị trường mai ở đây im lìm quá.

Xã Phú Sơn là một trong số các địa phương có mô hình trồng hoa kiểng chuyên canh lớn của huyện Chợ Lách. Xã đã thành lập Làng nghề truyền thống cây giống, hoa kiểng Lân Đông, có hơn 200 hộ trồng chuyên canh và trên 50 hộ bán chuyên canh về hoa giấy. Năm nay, người dân ở đây trồng hoa tương đương mọi năm.

Ông Đặng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, năm nay sản lượng hoa kiểng Tết năm xã giữ ổn định. Đến thời điểm hiện tại, người dân tập trung chăm sóc các loại hoa để chuẩn bị đưa ra thị trường Tết. Riêng hoa giấy thì đa số người dân bán cho các thương lái trước đây đến đặt hàng. Qua đó, người ta áp dụng các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook… để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Huyện Chợ Lách có tới hơn 6.000 hộ chuyên trồng hoa, với khoảng 700 nghệ nhân cấp tỉnh và 7 nghệ nhân cấp quốc gia. Thông qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, nhà vườn trực tiếp giới thiệu, bán sản phẩm cho người tiêu dùng và bán theo cách truyền thống thông qua thương lái. Hiện nay, hơn 60% sản phẩm đã được các thương lái, người tiêu dùng đặt hàng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, cùng với việc triển khai xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, tỉnh này vừa triển khai Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Đề án sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 - 500 ha trên diện tích 1.500 ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng. Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất giống cây giống, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đa dạng nguồn trái cây phục vụ Tết

Hiện nay, nhà vườn tỉnh Tiền Giang đang tất bật với công việc chăm sóc vườn cây ăn trái, tăng cường khâu tưới nước, phun xịt thuốc trừ sâu bệnh để cây trái tươi tốt cho thu hoạch dịp Tết cổ truyền. Vụ trái cây đầu năm nay, thời tiết thuận lợi, có xảy ra nhiều cơn mưa trái mùa; hơn nữa kênh mương nội đồng được cấp bổ nước ngọt liên tục nên cây rất tươi tốt, cho năng suất cao.

Nhà vườn huyện Cái Bè, Tiền Giang chăm sóc vườn xoài cát Hòa Lộc (Ảnh: VOV).

Trái cây thu hoạch bán dịp Tết cổ truyền rất hút hàng, nhất là các loại trái cây đặc sản như: thanh long, khóm (dứa), xoài, mãng cầu, bưởi, dưa hấu… giá cao hơn ngày thường từ 10-30%. Thanh long lúc này phải xông đèn, đợt tết mới có thu hoạch. Vườn của tôi dịp tết có thu hoạch, qua tết cũng có. Ngày Tết giá đắt, chủ yếu trái ruột trắng giá tăng nhiều. Vườn cây lúc này trở lên cây tốt lắm, không nhiễm bệnh, nước dồi dào, ông Đinh Văn Tảo, ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết.

Tỉnh Tiền Giang có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất cả nước với gần 83.000 ha, cho sản lượng mỗi năm khoảng 1,6 triệu tấn trái cây với 11 loại trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao; trong đó, cây sầu riêng chiếm diện tích nhiều nhất (23.000 hecta), tiếp theo là cây mít (hơn 15.000 hecta), cây xoài và thanh long hơn 20.000 hecta. Đến nay, toàn tỉnh có trên 20.300 hecta cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng, hơn 300 cơ sở đóng gói được cấp mã số cơ sở đóng gói phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Năm nay nhà vườn, hợp tác xã đưa ra thị trường các loại hoa, trái chưng Tết mới, độc lạ như lúa tím, vú sữa ăn cả vỏ.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (Đồng Tháp), cho biết, Tết năm ngoái là năm đầu tiên hội quán sáng tạo ra những chậu cúc mâm xôi màu tím nổi tiếng và các hội viên tiếp nối sản xuất mặt hàng này cho mùa Tết năm nay. Năm nay, nhiều nhà vườn còn trồng những loại hoa mới nổi như cúc mâm xôi Hàn Quốc.

Riêng gia đình quyết định làm lúa kiểng Tết để bắt “trend” thị trường, vì năm nay lúa gạo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có giá trị tinh thần và vật chất cao. Hơn nữa nhiều gia đình quan niệm hạt lúa tượng trưng cho hạt ngọc trời, dịp Tết chơi lúa trong nhà có ý nghĩa mang tới sự no ấm cho gia đình trong cả năm, ông Tiếp cho hay.

Được biết, Hội quán Tôi yêu màu tím đã thử nghiệm lúa kiểng tím. Đây là giống lúa tím của Hợp tác xã Định Yên (Đồng Tháp) và giống lúa Nhật. Tết năm nay, hội quán sản xuất khoảng 1.000 chậu, giá 50.000 đồng/chậu. Quy trình từ khi gieo hạt đến khi lúa trổ bông mất khoảng 90 ngày. Ngoài ra, hội quán còn sản xuất 1.000 chậu cúc mâm xôi Hàn Quốc mini với các màu đỏ, tím, hồng. Giá bán bình quân 50.000 đồng/chậu. Năm nay, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên những sản phẩm có giá vừa phải sẽ dễ bán.

Dự kiến sản phẩm lúa kiểng tím sẽ thu hút người tiêu dùng.

Ví dụ, cúc mâm xôi Hàn Quốc loại bình thường giá 200.000 đồng/chậu, công nhân sẽ không dám mua nhưng nếu giá 50.000 đồng/chậu nhiều người có thể dễ dàng mua hơn. Thêm vào đó, lúa kiểng và cúc mâm xôi có thể chưng cả tháng, kéo dài đến sau Tết. Sự sáng tạo của bà con nông dân trong sản xuất hoa kiểng Tết vừa mang lại giá trị kinh tế vừa thu hút du khách làm cho thị trường hoa Tết thêm sôi động.

(Nguồn tổng hợp từ: vov; Cann; Phapluattphcm)

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

Top