Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 9 năm 2023 | 14:25

DN nông nghiệp cần thay đổi nếu không muốn bị “bật” khỏi các thị trường chủ lực

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có những yêu cầu bắt buộc về môi trường, bền vững, giảm phát thải cacbon. Doanh nghiệp cần thay đổi nếu không muốn bị “bật” khỏi các thị trường chủ lực.

Xuất khẩu nông sản với nhiều "điểm sáng". (Ảnh: TL)

Top đầu các quốc gia xuất khẩu nông sản

Theo tổng hợp từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đang là nhà cung ứng đứng thứ nhất thế giới về hạt điều, hạt tiêu; nằm trong Top 3 thế giới về mặt hàng gạo, cà phê. Đặc biệt trong năm 2022, nhiều loại nông sản như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… đã được cấp phép xuất khẩu (XK) sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Trong số các sản phẩm nông sản, rau quả là một trong những “điểm sáng” trong các nhóm ngành hàng XK của Việt Nam trong năm nay. Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng XK rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD.

Về thị trường, 8 tháng năm 2023, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch XK 8 tháng qua lại chỉ tăng ở thị trường Trung Quốc, giảm ở 2 thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ sau COVID-19 cộng với lợi thế về vị trí địa lý gần khiến chi phí logistics và rủi ro về thời gian thấp hơn các thị trường khác.

Riêng với thị trường Liên minh Châu Âu (EU), ông Vincent Gothknecht - Trưởng đại diện Công ty I.Schroeder (Đức) cho biết, Việt Nam đang có lợi thế lớn về XK nông sản nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiện có khoảng 50 nhà cung ứng tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm nông sản như vải, dứa, chanh dây và hàng thủy sản cho I.Schroeder.

Cần chuyển đổi xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn

Ông Vincent Gothknecht đánh giá, chất lượng sản phẩm không còn là vấn đề với nông sản Việt Nam mà hiện doanh nghiệp (DN) Việt Nam đều đang lúng túng và gặp nhiều thách thức nhất là yêu cầu về môi trường, việc giảm phát thải, trung hòa carbon… “Nhiều nhà mua hàng muốn những nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ phải trung hòa carbon. Do đó, nếu DN Việt Nam không đạt được tiêu chuẩn này sẽ mất cơ hội” - ông Vincent lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mặc dù các số liệu trong thời gian qua đều cho thấy nông sản của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tích cực nhưng thách thức hiện vẫn còn rất lớn khi phát triển bền vững (PTBV) và bảo vệ môi trường (BVMT) là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường XK chủ lực của Việt Nam.

Kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. (Ảnh: Minh Hà)

Hiện các quốc gia này không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các luật, các quy định mới để cụ thể hóa 2 mục tiêu về PTBV và BVMT mà còn lan tỏa đến cả các quốc gia khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27.

Thực tế, EU là thị trường tiên phong trong vấn đề này với việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường. Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa và thực hiện thí điểm từ tháng 1/10/2023.

Cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.

Bà Hiền nhận định, các quy định về BVMT tại các thị trường XK chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.

Do đó, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giữ vững và tiếp tục phát triển thị trường, việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu. “Hiện ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những DN đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra; trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và PTBV” - bà Hiền nhấn mạnh.

Ông Vincent Gothknecht cũng khẳng định, muốn XK vào EU, sản phẩm nông sản phải có chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn môi trường, lao động… Để làm được điều này, DN bắt buộc phải đầu tư với nguồn lực khá lớn, nếu không chắc chắn DN sẽ sớm bị “bật” khỏi thị trường bởi đây là yêu cầu bắt buộc để ở lại thị trường EU…

Doanh nghiệp chủ động thích nghi

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Bình (Trảng Bom – Đồng Nai) Lý Minh Hùng, HTX không chỉ tập trung nhân rộng diện tích vùng trồng mà quan tâm đầu tư để tăng năng suất, chất lượng cho trái chuối xuất khẩu. Hiện HTX có 120ha chuối canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất bình quân thu hoạch chuối trên 1ha dao động. HTX đã đầu tư dây chuyền thu hoạch chuối, hệ thống kho lạnh đến các máy móc sơ chế, chế biến… và sẽ tiếp tục đầu tư cho khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị cây chuối xuất khẩu.

Chế biến ngô tươi phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng cho biết, doanh nghiệp đang đồng hành với nông dân, sẵn sàng cung cấp các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu và những yêu cầu khác từ các đối tác để nông dân chủ động điều chỉnh trong sản xuất để làm ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định. Việc xây dựng những vùng trồng bền vững hơn có ý nghĩa rất quan trọng vì trái cây của Việt Nam chỉ cần đạt yêu cầu về chất lượng thì thị trường xuất khẩu còn rất giàu tiềm năng, nhất là vào những thị trường mới như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Trong lĩnh vực cà phê, ông Thái Vĩnh Hiệp - Chủ tịch thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, hiện các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng chuyển đổi số và số hóa toàn bộ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp cho người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế biết được họ uống một ly cà phê của Việt Nam có nguồn gốc ở đâu, sản xuất, chế biến như thế nào. Theo ông Hiệp, đây là con đường tiến tới tương lai của doanh nghiệp, vì vậy bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện mình thì cần minh bạch để đi xa hơn.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Simexco Đắk Lắk, cho rằng, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước đó nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà EU đưa ra. EUDR sẽ giúp cà phê Việt Nam có thể tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới so với các nước cũng trồng cà phê nhưng chưa có sự chuẩn bị về vấn đề này.

Là nước có thế mạnh nông nghiệp, nông sản Việt Nam đã dần tạo được vị thế tại nhiều thị trường. Bản thân doanh nghiệp, người sản xuất cũng rất nhanh nhẹn thay đổi các phương thức sản xuất xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.

Giới chuyên gia đưa ra khuyến nghị để có thể gia tăng lợi thế xuất khẩu, doanh nghiệp nông sản cần nắm chắc về nguyên tắc xuất xứ, xem các thành phần và áp dụng quy tắc xuất xứ nào trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải nắm rõ các quy định mới thị trường nhập khẩu để sản xuất theo đúng yêu cầu, thị hiếu của thị trường.

Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận tỷ trọng sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn, bền vững còn thấp. Trong khi đó, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, đòi hỏi sản phẩm phải gắn với phát triển xanh, bền vững…

Theo ông Lê Thanh Hoà, để cải thiện khả năng thâm nhập vào các hệ thống phân phối quốc tế, ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp thực tiễn và hội nhập.

Bên cạnh đó, ngành cần thường xuyên cập nhật quy định, thông tin phân tích thị trường, thị hiếu tiêu dùng để phát triển sản phẩm phù hợp; đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược dài hạn./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top