Để nâng cao giá trị hạt càphê, bằng các phương pháp khác nhau, hiện nay, nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông đang chú trọng vào khâu sơ chế, vận hành quy trình chế biến.
Càphê sau khi hái được đem phơi bằng nhà kính, vừa tận dụng được lượng dinh dưỡng ở ngoài vỏ, vừa giúp hạt càphê trở nên đặc biệt hơn. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)
Đắk Nông hiện có hơn 130.000 ha càphê, diện tích lớn thứ 3 trong khu vực Tây Nguyên. Càphê là cây trồng chiếm diện tích lớn nhất tỉnh, chiếm trên 60% trong các loại cây công nghiệp dài ngày.
Để nâng cao giá trị hạt càphê, bằng các phương pháp khác nhau, hiện nay, nhiều nông dân, doanh nghiệp đang chú trọng vào khâu sơ chế, vận hành quy trình chế biến.
Còn yếu về khâu sơ chế
Đắk Nông là tỉnh có diện tích càphê lớn, nhưng, hiện nay giá trị cây càphê mang lại cho người dân vẫn chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do phần lớn người dân chưa chú trọng đến quá trình thu hái, sơ chế và chế biến sản phẩm.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Tráng, tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có 6 ha càphê. Ông Tráng cho biết, năm nay, việc thu hoạch và chế biến càphê của gia đình ông được thực hiện như những năm trước. càphê sau khi được thu hái, khâu sơ chế phụ thuộc vào thời tiết. Trời nắng thì mang ra phơi, còn trời âm u thì phải góp lại cho đủ số lượng rồi đem sấy, sau đó đến khâu xay xát là thành sản phẩm.
“Với chi phí như hiện nay, 1 ha càphê sau thu hoạch gia đình thu về khoảng 50 triệu đồng” - ông Tráng chia sẻ.
Ông Tráng cũng như phần lớn nhiều nông dân tại tỉnh Đắk Nông vẫn đang giữ phương thức sản xuất càphê theo lối truyền thống. Đó là, càphê sau thu hoạch được người dân bán quả tươi hoặc phơi, sấy bằng lò sấy rồi xay xát và bán sản phẩm cho tư thương, doanh nghiệp. Các hình thức này đều cho chất lượng sản phẩm chưa cao. Sản phẩm của người nông dân chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về tỷ lệ phần trăm cỡ hạt, tạp chất, đen, vỡ, mùi vị…
Theo thống kê, 90% sản lượng càphê của Đắk Nông phục vụ xuất khẩu, 10% phục vụ nhu cầu trong nước. Năm 2021, sản lượng càphê của Đắk Nông tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn, tăng hơn 70.000 tấn so với năm 2016. Năng suất, sản lượng càphê của tỉnh tăng, nhưng đời sống của người trồng càphê vẫn không được cải thiện nhiều. Để nâng cao thu nhập, ngoài các biện pháp nhằm trong khâu canh tác thì điểm yếu hiện vẫn là khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến.
Nâng cao giá trị hạt càphê
Nhận thấy nếu cứ canh tác theo “lối mòn” đối với cây càphê thì sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, anh Hoàng Châu Việt Vũ, tại thôn 4, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) bắt tay chuyển đối phương thức sản xuất với 5ha càphê. Chọn hướng đi theo phương pháp natural, anh Vũ ứng dụng công nghệ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, vườn cây luôn được phủ bóng và thu hoạch quả chín từ 80-100%.
Anh Vũ cho biết những quả càphê chín được anh thu hái theo phương pháp tự nhiên dựa trên 3 yếu tố là độ chín của quả, kiểm soát quá trình lên men và kiểm soát thời gian phơi. Với phương pháp này, ngay từ khâu thu hoạch, anh Vũ lựa chọn quả chín, để nguyên trái và đem phơi bằng nhà kính, vừa tận dụng được lượng dinh dưỡng ở ngoài vỏ, vừa giúp hạt càphê trở nên đặc biệt hơn.
Nhờ đó, ba năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay, sản phẩm càphê Robusta của gia đình anh Vũ đều đạt danh hiệu càphê đặc sản Việt Nam. Năm 2022, anh Vũ thu về 12 tấn càphê. Với 6 tạ càphê được chứng nhận danh hiệu càphê đặc sản Việt Nam, anh bán với giá 125.000 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 2-3 lần; 6 tấn càphê chất lượng cũng được bán với giá 67.000 đồng/kg (cao hơn rất nhiều so với giá thị trường).
“Cái khó khăn là cần phải thay đổi cách thức sản xuất, thu hoạch của người dân. Hiện, nhiều người vẫn canh tác theo lỗi cũ, thu hái quả chưa đạt độ chín khiến chất lượng hạt cũng vì thế mà giảm đi. Bản thân mình thấy, khâu quan trọng tạo nên chất lượng hạt càphê là quá trình canh tác và sơ chế sản phẩm. Khi hạt càphê được nâng cao, đạt chất lượng tốt, sẽ giúp tăng giá trị kinh tế” - anh Vũ chia sẻ.
Ông Trương Công Hiệp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên càphê Bốn Hiệp, tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, cơ sở của ông chọn hướng sơ chế theo phương pháp càphê ướt. Càphê được hái với tỷ lệ chín cao, rửa sạch, loại bỏ hết các tạp chất như lá, cành khô gãy, quả nhỏ, hư hỏng rồi cho vào máy bóc vỏ. Càphê sau khi xay xát còn được rửa, loại bỏ những hạt không đạt chất lượng rồi mới đưa đi phơi.
Theo ông Hiệp, nếu người dân trồng theo hướng càphê chất lượng cao cái lợi là mức thu nhập được tăng lên. Trên một kilogram càphê có giá cao hơn thị trường từ 6.000-10.000 đồng. Không những vậy, trồng càphê sạch đem lại giá trị cho người sản xuất, người tiêu dùng và người lao động là an toàn, không có chất độc hại...
“Để nâng tầm giá trị nông sản, người nông dân cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… có chỉ dẫn địa lý, đăng ký sử dụng, có mã số, mã vạch, thẻ, tem truy xuất nguồn gốc để đáp ứng thị trường thế giới. Để làm được điều đó, tỉnh định hướng người dân tập trung chế biến sâu. Xác định càphê là cây trồng chủ lực nhằm xây dựng chuỗi giá trị càphê để phát triển hợp tác xã, cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất, đảm bảo chế biến”, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhận định./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…