Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2023 | 16:17

“Đánh rơi thương hiệu”, truy xuất nguồn gốc nhìn từ hàng nông sản

Thời gian qua, không chỉ quả thanh trà mà nhiều loại hoa quả Việt bị thương lái nhập nhèm, gắn thương hiệu quả nhập khẩu hoặc nhập khẩu quả từ Trung Quốc, sau đó gắn mác hoa quả Việt, khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay trên chính “sân nhà”.

HTX thanh trà ngọt Năm Cập, một trong những HTX trồng loại quả thanh trà ở Vĩnh Long.

Từ chuyện thanh trà miền Tây bị "đội lốt"

Hiện nay, tình trạng quả thanh trà và một số loại quả trong nước bị các thương lái nhập nhèm dán mác hoa quả nhập khẩu bán tràn lan trên các chợ mạng, chợ đầu mối. Điều này không chỉ khiến người nông dân, HTX sản xuất “thiệt đơn, thiệt kép” mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu của nông sản Việt.

Gần đây ở Hà Nội và một số tỉnh, thành, nhiều người nội trợ tìm mua quả thanh trà gắn mác Thái Lan với giá rẻ, chỉ 70.000đồng/kg. Đáng nói, mức giá này rẻ chỉ bằng một nửa so với quả thanh trà Thái bán tại các cửa hàng hoa quả nhập khẩu.

Đem câu chuyện này trao đổi với ông Huỳnh Văn Cập - Chủ tịch HTX thanh trà ngọt Năm Cập, đơn vị chuyên trồng loại quả này ở Vĩnh Long, được biết, thực chất quả thanh trà được rao bán ngoài thị trường gắn mác Thái Lan được dân buôn mua là từ các vườn Thanh trà miền Tây.

ông Huỳnh Văn Cập cho biết, thanh trà được trồng từ lâu đời ở Vĩnh Long và có 2 loại ngọt và chua. Loại ngọt mới được phát triển vài năm gần đây, mức giá khoảng 120.000đồng/kg. Loại chua giá khoảng 30.000-40.000đồng/kg.

“Hiện nay HTX đang triển khai sản xuất và kinh doanh loại thanh trà ngọt vì giống này đạt hiệu quả cao và không bị rớt giá”, ông Cập nói.

Nhận định về việc quả thanh trà gắn mác Thái Lan bán với “giá rẻ như cho” ông cập chia sẻ: “Quả thanh trà này là loại thanh trà chua được trồng ở Vĩnh Long, giá chỉ vài chục nghìn/kg nhưng khi ăn sẽ khác hoàn toàn với thanh trà ngọt hoặc thanh trà nhập từ Thái Lan."

“Quả thanh trà ngọt chúng tôi bán tại vườn đã 120.000đồng/kg rồi. Họ đánh vào tâm lý thích hoa quả nhập của người tiêu dùng, rồi bán quả thanh trà chua, nhập nhèm gắn mác Thái Lan để bán. Nhiều người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc dễ bị “lừa”, ông Cập cho hay.

Được biết, quả thanh trà chua khi chín quả có màu vàng sẫm, hình dáng tròn và lá thường có màu xanh đậm hơn. Tuy nhiên khi phóng viên trong vai người đi mua thanh trà thì người bán hàng trên các chợ mạng và vỉa hè vẫn khẳng định 100% đây là thanh trà Thái Lan, do trúng mùa nên mới nhập về được giá rẻ như vậy.

“Đánh rơi” thương hiệu ngay trên chính “sân nhà”

Đáng nói, thời gian qua không chỉ quả thanh trà mà nhiều loại hoa quả Việt đã bị các thương lái nhập nhèm, gắn thương hiệu quả nhập khẩu hoặc nhập khẩu quả từ Trung Quốc sau đó gắn mác hoa quả Việt. Đơn cử, thời gian trước quả dâu tây Trung Quốc gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu… rồi rao bán giá rẻ tràn lan trên khắp các con phố ở Hà Nội và chợ mạng.

Dâu tây Mộc Châu có màu đỏ tươi, to nhỏ không đều, khi ăn rất thơm và chỉ để được từ 2-3 ngày ở nhiệt độ thường. 

Hay như quả dâu tây Sơn La chủ yếu trồng tại Mai Châu và Mộc Châu nhưng vì chất lượng tốt, ngon nên dù giá cao hơn quả dâu tây nhập từ Trung Quốc nhưng vẫn được người tiêu dùng săn đón.

Khi được hỏi về việc phân biệt các loại nông sản, người tiêu dùng đa phần khẳng định họ không thể phân biệt được nguồn gốc xuất xứ của các loại nông sản này và bày tỏ sự lo lắng khi các loại nông sản Trung Quốc ngày càng tràn lan ra thị trường Việt Nam.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay trên chính “sân nhà” là do quản lý còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của HTX vẫn ở quy mô nhỏ, một số nông sản chưa có nhãn mác xuất xứ, HTX sản xuất chưa tập trung xây dựng thương hiệu. Trong khi, đa số sản phẩm tiêu thụ ở các chợ truyền thống nên không thể kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá, sản phẩm... Việc HTX tiếp cận với người tiêu dùng cũng khó khăn khi nhà cung cấp muốn đưa sản phẩm vào siêu thị lại liên tục bị hét giá, chiếm dụng vốn…

Ông Huỳnh Văn Cập - Chủ tịch HTX thanh trà ngọt Năm Cập khẳng định, thanh trà mà HTX sản xuất trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải đạt đủ yêu cầu về chất lượng quả và dán tem mác đầy đủ. Tuy nhiên, có thể sau đó một số thương lái đã gắn mác quả nhập của Thái Lan.

“Điều này đang gây ảnh hưởng đến uy tín của HTX và cả sự tin tưởng của người dùng dành cho nông sản Việt. Tôi có lời khuyên, người tiêu dùng nên trực tiếp đến nhà vườn hoặc mua tại các địa chỉ kinh doanh uy tín để mua được các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Vừa giúp người tiêu dùng phân biệt được các loại nông sản vừa giúp các HTX quảng bá được chính sản phẩm của mình”, ông Cập nói.

Ông Cập cho biết thêm, thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích và tăng cường sản xuất để đưa trái thanh trà vào siêu thị và xa hơn nữa là xuất khẩu. Hiện nay, do lượng trái chín đến đâu có người đến đặt mua đến đó nên lượng hàng xuất ra không đủ. Nhân sự và diện tích chưa đạt yêu cầu nên để sản xuất ra lượng lớn vẫn là “bài toán” khó khăn của HTX.

“Để xây dựng thương hiệu trái tha\nh trà của HTX, HTX đã gửi mẫu trái thanh trà ngọt đến Viện Cây ăn quả miền Nam để phân tích và nhận được phản hồi đạt yêu cầu”, ông Cập nói.

Coi trọng bản quyền, thương hiệu để nông sản Việt vươn xa

Sự vụ bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở một số thị trường trên thế giới và gần đây là bản quyền giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) sau những tranh cãi nảy lửa đã tìm ra được hướng giải quyết hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Giám sát, kiểm tra chặt chẽ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Ảnh minh họa. 

Nhưng nhìn ở góc độ nông sản Việt đang ngày càng ra "biển lớn" thì vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ về giống hay thương hiệu tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cần được coi trọng, tránh trong tương lai, nông sản Việt bị các thị trường từ chối.

Quá trình từ nghiên cứu đến sản xuất thử, công nhận, chuyển giao bản quyền, giống cây trồng rất dễ bị người dân tự lấy sản xuất, nhân rộng trong quá trình sản xuất thử nghiệm. Bởi, thói quen của nông dân từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là đi xin hạt, xin cành, xin cây… về tự nhân giống hoặc mua trôi nổi trên thị trường còn khá phổ biến.

Thế nhưng điều này chỉ phù hợp với sản xuất nhỏ, sản phẩm thu được mua bán ở quy mô làng xã. Còn nếu sản xuất quy mô lớn hàng hóa, đặc biệt là có xuất khẩu thì vấn đề bản quyền giống cần được đặt ra để nâng cao trình độ hội nhập cho nông dân. Nông sản Việt có cơ hội vươn xa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 nóng lên khi một doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản không xuất được khi phía Nhật yêu cầu chứng minh bản quyền giống này. Thì ra trước đó, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đã đăng ký bảo hộ giống cây thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật Bản. Bởi, công ty này đã mua bản quyền giống cây thanh long trên của Viện Cây ăn quả Miền Nam.

Hiện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit - đơn vị đang giữ bản quyền giống đã cam kết chia sẻ quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống này với mức phí 0 đồng khi xuất khẩu thanh long như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia… và thị trường nội địa (ngoài thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản).

Đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, doanh nghiệp nào muốn tự xuất khẩu thì Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit sẽ thu phí từ 10-30 đồng/kg tùy số lượng.

Những doanh nghiệp được chia sẻ quyền đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1 phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình sản xuất, đóng gói xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh trường hợp vi phạm, gây mất thương hiệu, uy tín, làm tổn thất cho thị trường xuất khẩu quả thanh long nói chung và Hoàng Phát Fruit nói riêng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bản quyền thuộc phạm trù sở hữu trí tuệ. Hiện các nước phát triển rất chú trọng vấn đề này. Việt Nam muốn vào sân chơi quốc tế cần phải tuân theo cuộc chơi bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp bản quyền tác giả cho các cơ quan nghiên cứu giống là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, để tạo được một giống cây trồng chất lượng cao, từ khi lai tạo đến khi được công nhận lưu hành cần rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, như cây ăn quả cần ít nhất 15 năm liên tục với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Để có được một giống tốt, có khả năng thương mại hoá và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu tạo giống đủ dài, liên tục với lượng kinh phí đủ lớn và ổn định.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, việc cấp bản quyền nhằm khuyến kích các tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế.  Nếu không tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ thì sau này sẽ không ai dám đầu tư nghiên cứu, phát minh ra các sản phẩm mới.

"Một công trình nghiên cứu khoa học được thành công tốn rất nhiều công sức, thời gian và chi phí, nên khi thành công thì đương nhiên cần phải thu lại chi phí đó. Những người sau này thương mại hóa giống đó sẽ phải bù đắp vào chí phí đó. Đây là điều đương nhiên và là xu hướng quốc tế", ông Nguyên phân tích.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng, việc giao quyền đăng ký bảo hộ và thực thi quyền của chủ sở hữu bằng bảo hộ đối với các giống cây trồng được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa quan trọng để giúp các tổ chức nghiên cứu công lập phát triển các giống cây trồng có chất lượng tốt, tạo động lực để thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách vào lai tạo giống cây trồng theo đúng chủ trương xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư cho công tác nghiên cứu…

Việc mua bán bản quyền giống không chỉ bù đắp lại chi phí nghiên cứu mà theo ông Đăng Phúc Nguyên, người mua bản quyền giống họ có trách nhiệm bảo vệ bản quyền giống đó, đảm bảo giống được thuần chủng, không bị lai tạp. Nếu để giống đó tự do một thời gian sau, giống đó sẽ bị thoái hóa, lai tạp với các giống khác, dẫn đến mất giống. Nguy hiểm hơn nếu không đăng ký bản quyền, bảo hộ thì rất dễ bị mất giống vào các đối thủ cạnh tranh.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, các nước phát triển sẽ quan tâm về bản quyền giống. Với các vùng sản xuất lớn cho xuất khẩu cần lưu tâm về bản quyền giống, mua giống có nguồn gốc. Bản quyền giống cũng sẽ góp phần tạo nên thị trường giống cây trồng lành mạnh. Các doanh nghiệp có tầm nhìn xa, khi đầu tư sản xuất đều có quan tâm về giống bản quyền.

Cũng từ câu chuyện thanh long ĐL 1 được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, một doanh nghiệp (xin được giấu tên) cho rằng, khi các cơ quan chức năng đàm phán mở cửa thị trường cần lưu tâm về giống sản phẩm sẽ đàm phán, tránh việc đàm phán cho sản phẩm của một doanh nghiệp.

Doanh nghiệp này cũng kiến nghị cần tách bạch việc cấp mã số vùng trồng với bản quyền giống. Mã số vùng trồng là phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Mã số vùng trồng không thể để dùng chứng minh là sản phẩm đó thuộc bản quyền sở hữu của ai. Muốn được cấp mã số vùng trồng, doanh nghiệp phải có bản quyền giống là không nên.

Nông sản xuất khẩu hiện nay là gặp hàng rào kỹ thuật chủ yếu về kiểm dịch thực vật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực thi bản quyền tác giả, các quy định của nước xuất khẩu và nhập khẩu đối với giống cây trồng hiện chưa quá phổ biến nhưng cũng đang là một hàng rào kỹ thuật nằm trong quy định của nhiều nước nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, nông dân cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đối với các thông lệ quốc tế mà nhiều nước đã từng áp dụng, tránh bị động như đối với giống thanh long LĐ1. Trước khi trồng một loại cây trồng, nông dân luôn phải tìm đối tác để ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của giống cây trồng và quy định của các nước nhập khẩu mặt hàng đó.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

ông Nguyễn Hoài Nam - đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kiến nghị hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung tương tự như mô hình Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần cụ thể và chi tiết hơn để hoạt động xây dựng, ứng dụng được bài bản, thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

 Kiến nghị hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông.

Đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn kết nối, chia sẻ dữ liệu và sớm ban hành bộ tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng... phục vụ việc kết nối, tích hợp vào cổng truy xuất nguồn gốc của bộ.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì người ta cũng phải tiếp cận được.

Bên cạnh đó, bà Thực cũng khuyến khích những hộ nông dân nhỏ lẻ thành lập, tham gia vào các tổ hợp tác và các mô hình hợp tác xã để liên kết, hợp tác với nhau.

Theo bà Thực, việc số hóa và chuyển đổi số không nhất thiết hộ nào cũng phải có điện thoại. Một người có thể sử dụng điện thoại và cập nhật cho hàng nghìn hộ.

Còn ông Mai Quang Vinh, chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, bày tỏ mong muốn thời gian tới có thể phát triển mạnh một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm.

Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top