Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 11 năm 2023 | 9:20

Dấu ấn khuyến nông trong thành tựu phát triển ngành Chăn nuôi

Trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động khuyến nông chăn nuôi đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành chăn nuôi. Mỗi thành tựu của ngành này đều ghi dấu ấn sâu đậm của công tác khuyến nông.

Thông qua việc chuyển giao khoa học công nghệ cùng với việc xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi tiên tiến, hệ thống khuyến nông cả nước đã và đang tạo động lực thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững...

Nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò

Chăn nuôi trâu, bò là nghề truyền thống gắn chặt với nền sản xuất lúa nước và tạo  sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước, bò được nuôi ở nước ta chủ yếu là các giống bò nội có tầm vóc bé nhỏ, sinh trưởng phát triển chậm, năng suất, chất lượng thịt, sữa đều rất thấp, không phù hợp với phương thức sản xuất công nghiệp, hàng hóa lớn.

Chương trình khuyến nông đã góp phần tăng nhanh về quy mô đàn bò, đến nay, đã phát triển lên gần 6,4 triệu con.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Khuyến nông và Lâm nghiệp (nay là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) chủ trì triển khai dự án “Khuyến nông cải tạo đàn bò Việt Nam” từ năm 1995 - 1998. Từ kết quả của dự án, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai thành công chương trình Zebu hóa đàn bò tại 27 tỉnh, thành. Thông qua công tác đào tạo dẫn tinh viên, hỗ trợ vật tư và thụ tinh nhân tạo cho đàn bò, dự án đã tạo ra bước đột phá về cải tạo tầm vóc, chất lượng các giống bò nội, mở ra hướng chăn nuôi bò thịt, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chương trình đã góp phần tăng nhanh quy mô đàn bò, từ 3,2 triệu con (năm 1990) lên gần 6,4 triệu con hiện nay.

Chất lượng đàn bò được nâng lên đáng kể, tỷ lệ bò lai trên phạm vi toàn quốc từ 12% (năm 1995) tăng lên 30% (năm 2005) và 56,65% (năm 2015). Đến nay, tỷ lệ bò lai đạt trên 65%. Tiêu biểu như Trà Vinh đạt 95,78%, vùng đồng bằng sông Hồng  97,91%, TP. Hồ Chí Minh 100%...

Bên cạnh hệ thống khuyến nông là nòng cốt, chương trình cải tạo đàn bò Việt Nam cũng huy động sự vào cuộc tích cực của các đơn vị: Trung tâm giống vật nuôi, hệ thống thú y các tỉnh, thành phố; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…), tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân tham gia.

Nạc hoá đàn lợn - Thay đổi tư duy người chăn nuôi

Chương trình nạc hóa đàn lợn khởi động từ năm 1990 và phát triển mạnh, rộng khắp cả nước vào đầu những năm 2000. Mục tiêu ban đầu là nhập các giống lợn ngoại thuần có nguồn gốc châu Âu và Mỹ (Yorkshire, Landrace, Pietran, Duroc,…), có tầm vóc lớn, tỷ lệ thịt xẻ và tỷ lệ nạc cao để lai với các giống lợn địa phương có tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ thấp nhưng có khả năng sinh sản tốt để tạo ra con lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở trình độ thâm canh thấp nhưng năng suất và chất lượng thịt được cải thiện.

Sau năm 2000, chương trình nạc hóa đàn lợn đã chuyển sang giai đoạn mới cao hơn, đó là phát triển chăn nuôi lợn ngoại trang trại với quy mô vừa và lớn. Theo đó, chương trình khuyến nông đã hỗ trợ nhiều địa phương tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn, tiếp tục đưa các giống ngoại chất lượng cao để tạo các giống ngoại lai, đáp ứng nhu cầu chất lượng thịt ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hàng năm, các dự án khuyến nông hỗ trợ vật tư thụ tinh nhân tạo hoặc lợn đực giống ngoại để khai thác tinh, lợn nái ngoại. Lực lượng khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện chương trình này, triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao kỹ thuật lai tạo giống, chăn nuôi lợn lai đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và nhân rộng mô hình.

Tổng đàn lợn cả nước năm 1995 mới có 16,5 triệu con, năm 2022 đạt 29 triệu con, tăng 1,76 lần. Tỷ lệ đàn lợn lai tăng nhanh: từ 50% máu ngoại hiện đạt trên 90%, vùng đồng bằng, ven đô thị xấp xỉ 100%. Ưu thế của lợn lai đã tạo bước đột phá về chất lượng.

Từ năm 2009 đến nay, chăn nuôi lợn đã phát triển mạnh mẽ thông qua chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn phát triển và từng bước chuyển mình từ lượng sang chất thông qua các dự án khuyến nông về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi lợn chứng nhận VietGAHP, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình đã góp phần đưa ngành chăn nuôi lợn phát triển theo hướng công nghiệp, tập trung, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Công nghệ mới đưa chăn nuôi gia cầm là ngành hàng chính

Ngành chăn nuôi gia cầm chiếm vị trí thứ hai về giá trị sản xuất và tạo sinh kế cho nông dân, sau ngành chăn nuôi lợn, vì vậy, công tác khuyến nông không thể tách rời ngành hàng quan trọng này.

Những năm qua, thông qua các chương trình khuyến nông trong lĩnh vực gia cầm, hàng ngàn mô hình đã được khuyến nông Trung ương và địa phương triển khai rộng khắp cả nước;góp phần tạo ra sự đột phá về tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông không có kiểm soát sang loại hình chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, vừa và lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mô hình chăn nuôi gà đồi ở Bắc Giang.

Những đóng góp quan trọng của khuyến nông cho ngành gia cầm được thể hiện ở các lĩnh vực như: chuyển giao các giống gia cầm vào sản xuất như Ri lai, Mía lai, Chọi lai, MD… thích nghi với điều kiện chăn nuôi đa dạng, cho năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng; giống vịt siêu thịt V52, V57, VSM6… có năng suất chất lượng cao, vịt thương phẩm có thời gian nuôi ngắn, giống vịt biển  có khả năng phát triển trong điều kiện nước mặn, nước lợ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các mô hình khuyến nông chăn nuôi gia cầm áp dụng các giải pháp đồng bộ từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nông hộ và trang trại chăn nuôi trong cả nước, góp phần xây dựng nông thôn mới. Hiệu quả kinh tế mô hình tăng 11-17,5%, lợi nhuận tăng từ 3-7 triệu đồng/1.000 gà thịt so với chăn nuôi truyền thống.

Phát triển chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại, tập trung, có kiểm soát, an toàn dịch bệnh, tạo vùng nguyên liệu, chăn nuôi theo VietGAHP, theo hướng hữu cơ gắn liên kết, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và phát triển chăn nuôi bền vững đang ngày càng mở rộng.

Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 theo quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống khuyến nông cả nước đã và đang triển khai các chương trình, dự án nhằm tiếp tục góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm với mức độ tăng trưởng lớn nhất trong các loại vật nuôi.

Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng thịt gia cầm chiếm 26-28%, tỷ lệ giết mổ tập trung công nghiệp đạt 40%; sản lượng trứng 18 - 19 tỷ quả, bình quân/người/năm là 180 - 190 quả.

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top