Từ việc hơn 2.000 tấn quả đu đủ của HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu, Thái Hòa (Nghệ An) đã vào vụ thu hoạch, nhưng doanh nghiệp phải tạm dừng thu mua do biến động của thị trường xuất khẩu nói chung và tiêu thụ nói riêng, cho thấy, sự cần thiết cần phải đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch vào nông nghiệp, để người nông dân không bị thiệt hại.
Dừng thu mua sản phẩm nông sản “chuyện không phải hiếm”
Mới đây, tại xã Tây Hiếu, huyện Thái Hòa (Nghệ An) nhiều thành viên của HTX nông nghiệp Thái Hòa như ngồi trên “chảo lửa” khi 13,6ha cây đu đủ của HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu đã vào vụ thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn quả không được thu mua theo hợp đồng cam kết đã khiến người dân đứng ngồi không yên, nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng.
Người dân xã Tây Hiếu phải huỷ bỏ số lượng quả chín khi doanh nghiệp thông báo dừng thu mua. Ảnh: HT
Theo Hợp đồng cung cấp giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ giữa Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods và HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu được ký kết ngày 21/11/2022 công ty sẽ cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả đu đủ.
Tháng 7/2023 khi toàn bộ diện tích đu đủ vào vụ thu hoạch lứa đầu, đại diện HTX nông nghiệp Tây Hiếu đã liên lạc rất nhiều lần với phía công ty để về thu mua nhưng phía công ty chần chừ, không có động thái thu mua. Đến ngày 19/7/2023 thì phía công ty lại có thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế (về việc cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ), với lý do là thị trường xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực từ xung đột của Nga - Ukraine.
Không xuất khẩu được sản phẩm vì phải chịu sự tác động tiêu cực từ xung đột của các nước nhập khẩu chỉ là một lý do, trên thực tế còn nhiều lý do khác mà các sản phẩm nông sản, trái cây đến thời điểm thu hoạch không thể tiêu thụ được, do nhu cầu của thị trường đã bão hòa, cung vượt quá cầu. Do bà con nông dân thấy sản phẩm nông sản mùa này được mùa, được giá nên đã phá bỏ các cây trồng cho giá trị thấp để trồng và chạy theo nhu cầu của thị trường, làm phá vỡ quy hoạch vùng trồng.
Không ít loại trái cây khi được mùa được giá, bà con nông dân đua nhau trồng, không có kế hoạch để rồi đến mùa thu hoạch, sản lượng quá lớn, thị trường không tiêu thụ hết, buộc lòng người nông dân phải chặt bỏ, sản phẩm nông sản đó tự để cho rụng hoặc thu hoạch về chỉ mang làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn."Cây sầu riêng đang phát triển rất "nóng" tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, kể cả trên vùng đất không phù hợp. Thậm chí sầu riêng còn được trồng trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới".
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã cho sầu riêng Philippines xuất sang nước này. Điều này đang khiến nông dân Đông Nam Á bước vào cuộc chạy đua trồng sầu riêng để tranh giành một thị trường xuất khẩu gần như là duy nhất: Trung Quốc. Người nông dân trồng sầu riêng của Việt Nam chúng ta không nằm ngoài cuộc “chạy đua” giành giật thị trường này.
Chế biến sau thu hoạch là hướng đi lâu dài cho nông sản, trái cây
Có thể nói nhiều loại sản phẩm nông sản, trái cây của Việt Nam chúng ta, được chế biến thành những sản phẩm sấy khô nhờ vào công nghệ chế biến sau thu hoạch được các doanh nghiệp đầu tư.
Hiệu quả của nó là các sản phẩm nông sản, trái cây không những bị vứt bỏ làm thức ăn cho chăn nuôi, mà giá trị của các sản phẩm nông sản, trái cây được chế biến tạo ra giá trị rất lớn.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý II, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng cho thu hoạch. Nguồn cung trái cây rất dồi dào đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khiến có thời điểm giá nhiều loại giảm. Với sản lượng trái cây nhiều như thế, nếu không có công nghệ chế biến sau thu hoạch thì hậu quả sẽ là đổ bỏ, làm thức ăn cho gia súc là điều hiện hữu.
Lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta lâu nay vẫn chưa theo kịp trình độ và năng lực sản xuất của nông dân và các nước trong khu vực. “Công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam trước nay so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn thua kém nhiều. Việc này do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do sản xuất còn manh mún. Thứ hai, chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, nên có công nghệ nhưng chỉ phù hợp với doanh nghiệp chứ không phù hợp với bà con nông dân”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Toàn Phát ở Khoái Châu (Hưng Yên ) cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ chế biến chuối sau thu hoạch thành chuối sấy khô, HTX đã tiêu thụ hàng chục nghìn tấn chuối tiêu hồng được trồng trên địa bàn. Không những tiêu thụ được sản phẩm nông sản cho bà con nông dân, mà còn làm tăng được giá trị của quả chuối tiêu hồng ở đây lên gấp nhiều lần.
Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng nhận định. “Lâu nay chúng ta thường tiêu thụ sản phẩm quả dưới dạng tươi. Trong khi đó, để vận chuyển hoa quả tươi ra thị trường đối mặt với nhiều rủi ro về hao hụt, giảm thiểu giá trị kinh tế. Khi nhập khẩu hoa quả Việt Nam, các nước cũng phải thực hiện quá trình chế biến. Nếu như chúng ta chế biến sản phẩm ngay tại vùng nguyên liệu thì chắc chắn giá trị kinh tế sẽ tăng cao hơn nhiều”.
Đơn cử như thanh long, 11 kg thanh long tươi có giá 7.000-10.000 đồng/kg, nếu sấy khô sẽ cho 1 kg thành phẩm. Thanh long sấy đang có giá 15 USD/kg, tương đương 300.000 đồng. Có thể thấy rõ giá trị gia tăng đáng kể và thời gian bảo quản cũng được kéo dài. Mỗi container hàng từ Bình Thuận tới cửa khẩu và đóng thuế qua Trung Quốc chi phí khoảng 100 triệu đồng. Nếu tối ưu hóa số lượng hàng trên mỗi container bằng cách sấy khô thì chi phí sẽ giảm được 11 lần.
Vì thế ứng dụng công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch là một hướng đi bền vững, lâu dài cho các sản phẩm nông sản, trái cây của Việt Nam. Có như vậy chúng ta sẽ không còn thấy hiện tượng chặt bỏ khi điệp khúc “được mùa, mất giá” xuất hiện. Nông dân trồng trọt cũng không còn phải lo lắng như nông dân trồng đu đủ ở Thái Hòa vừa rồi.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.