Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 1 năm 2024 | 14:33

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để đất nông nghiệp không bị bỏ hoang

Trong khi nhiều hộ nông dân đang xoay xở tìm đất để mở rộng sản xuất, thì nhiều nông dân có đất nông nghiệp lại không sản xuất, để đất hoang hóa. Không những bỏ phí nguồn tài nguyên mà không tạo ra được sản phẩm cho xã hội, do đó việc chuyển đổi cây trồng để đất nông nghiệp bị bỏ hoang, phát huy hiệu quả đất nông nghiệp là hết sức quan trọng và cần thiết.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang

Không khó để tìm những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở các tỉnh thành trên cả nước, để thấy một thực trạng rất đáng buồn trong việc đất nông nghiệp ở các địa phương không được khai thác một cách hiệu quả.

Một trong những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại xã Tân Hóa (Quảng Bình)

Theo Báo cáo tổng hợp của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam về kết quả giám sát của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đối với công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa) bị bỏ hoang giai đoạn 2021 – 2023 mới đây,  diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang còn nhiều (trên địa bàn 10 huyện của tỉnh Quảng Nam, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang là 1.756,04ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 1.221,85ha).

Trong đó, phần lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang chưa xây dựng và thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để sử dụng hiệu quả quỹ đất. Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số địa phương chưa chú trọng kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất trồng lúa bị bỏ hoang.

Việc triển khai thực hiện Đề án tích tụ tập trung ruộng đất còn gặp nhiều khó khăn; quá trình tích tụ tập trung ruộng đất vẫn mang tính chất tự phát ở các địa phương; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thực hiện chưa quyết liệt, chỉ dừng lại ở công tác rà soát diện tích, xây dựng kế hoạch hàng năm, nhưng chưa gắn với bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện; việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất rau quả thực phẩm sạch tuy được quan tâm thực hiện nhưng còn chậm.

Hay tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vụ hè-thu năm 2023, toàn huyện gieo trồng mới hơn 1.200ha lúa, 8.109ha lúa tái sinh và trên 700ha bỏ hoang không sản xuất. Xã Hoa Thủy một trong những địa phương có diện tích bỏ hoang, không sản xuất lúa hè-thu lớn của huyện Lệ Thủy, xã này có đến trên 200ha bỏ hoang trong vụ hè – thu năm vừa qua. Mặc  dù địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục sản xuất vụ hè-thu nhưng vì làm không có lãi nên người dân không mặn mà sản xuất.

Lý giải nguyên nhân người dân không mặn mà với ruộng lúa, ông Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã cho biết, khó khăn lớn nhất của việc gieo trồng vụ hè-thu là bị chuột phá hại. Thường lúa tái sinh sẽ thu hoạch sớm hơn lúa gieo sạ một khoảng thời gian dài nên khi lúa tái sinh thu hoạch xong thì chuột sẽ tấn công lên vùng lúa gieo sạ để tìm kiếm thức ăn.

Bố Trạch cũng là địa phương có diện tích trồng lúa hè-thu bị bỏ hoang nhiều. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, vụ hè-thu năm 2023, toàn huyện có khoảng hơn 420ha ruộng lúa bị bỏ hoang, riêng xã Đại Trạch có hơn 160ha mặc dù nguồn nước tưới tiêu luôn được bảo đảm.

Nêu tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang không canh tác do rất nhiều lý do từ nông dân, để thấy đây là một lãng phí rất lớn tài nguyên Quốc gia. Do đó rất cần phải có cách làm mới để phát huy tối đa đối với đất nông nghiệp nói chung và các loại đất trồng khác nói chung.

Chuyển đổi cây trồng để không bỏ hoang đất nông nghiệp

Luật Đất đai năm 2013 không cho phép chuyển nhượng đât nông nghiệp là một trong những hạn chế, không phát huy được hiệu quả tối đa nguồn tài nguyên đất đai, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không thể mở rộng được sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

Đứng trước tình trạng này nhiều địa phương đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo ra giá trị cho các sản phẩm nông sản.

Lãnh đạo và nông dân xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) phấn khởi trước những sọt bí oa-qua đầu tiên được thu hoạch trên đất nông nghiệp bị bỏ hoang vừa được khôi phục sản xuất. Ảnh: H.HIỆP

Trong mùa mưa 2023, từ diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả và bị bỏ hoang nhiều năm tại cánh đồng 19 Tháng 8 (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), UBND xã Hòa Khương phối hợp với Hội Nông dân xã triển khai cải tạo 2ha đất, dồn điền đổi thửa để xuống giống bí oa-qua và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Hải đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), cánh đồng Cô Hôn ở thôn Nam Mỹ có diện tích 4,15ha bị bỏ hoang nhiều năm ảnh hưởng đến dự án đường La Sơn - Túy Loan. Từ đề xuất của huyện, UBND thành phố và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã hỗ trợ vụ mùa và hỗ trợ 1 lần chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang đất trồng cây lâu năm để các hộ dân khôi phục sản xuất. UBND thành phố đã trích kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai để khắc phục tình trạng bồi lấp đất sản xuất và kênh mương ở cánh đồng Cao Đài (thôn Nam Yên) và An Định (thôn An Định) do lũ lớn và tổ chức sản xuất trở lại từ vụ đông xuân năm 2023-2024.

Năm 2024, huyện tiếp tục rà soát các diện tích đất nông nghiệp bị người dân bỏ hoang, không sản xuất trên địa bàn huyện để vận động khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp. Bên cạnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và quỹ đất nông nghiệp 5% (đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, xây dựng các công trình công cộng của xã) do UBND 11 xã quản lý, UBND huyện cũng yêu cầu các xã rà soát, đề xuất phương án sử dụng quỹ đất 5% để đấu giá, cho thuê nhằm sử dụng quỹ đất này vào mục đích công ích.

Để giải quyết được vấn để bỏ hoang đất ruộng không sản xuất, theo Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hương Liên cho biết: Để giải quyết vấn đề này, chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT trong việc khuyến cáo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa diện tích bị bỏ hoang, nhất là những diện tích bảo đảm nước tưới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng cây ngắn ngày, tránh tình trạng bỏ hoang đồng ruộng.

Cùng với đó, sở cũng đã phối hợp với các công ty giống cung ứng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày cho người dân sản xuất vụ hè-thu để thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ, chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cũng như thực hiện các mô hình liên kết nhằm tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

Đặc biệt, huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để thực hiện hỗ trợ sản xuất, nhất là hỗ trợ sản xuất lúa vụ hè-thu, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hỗ trợ nông dân hướng dẫn sản xuất, hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

Chuyển đổi cây trồng hay cho thuê lại đất nông nghiệp để phát huy hiệu quả từ đất nông nghiệp là một cách làm và hướng đi rất đúng. Ngay cả trong Dự thảo Luật Đất đai lần này, Chính phủ cũng mở rộng đối tượng được chuyển nhượng đất nông nghiệp, với mục đích không để đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Làm được như vậy tài nguyên đất không những không bị lãng phí, mà còn phát huy quả gia tăng giá trị từ đất.

 

Theo báo Đại biểu nhân dân, Báo Đà Nẵng, Báo Quảng Bình

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top