Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 11 năm 2022 | 15:3

Để bứt phá, Tây Nguyên cần chủ động đề xuất cơ chế đặc thù

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương trong Vùng Tây Nguyên thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Nhiều tiềm năng khác biệt

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nhưng phát triển chưa tương xứng.

Một trong những vấn đề mà lãnh đạo các bộ ngành và địa phương trăn trở là hạ tầng giao thông của Tây Nguyên. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết: “Vùng chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nối vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km. Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải  dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dầu Giây - Liên Khương) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng”.

Tây Nguyên là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm từ nông nghiệp, nhất là cà phê, sầu riêng.

Nhất trí cho rằng yếu tố quan trọng cho phát triển Tây Nguyên là kết cấu hạ tầng, ông Andrew Jefffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết: “ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023-2026. ADB sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên phát triển năng lực kết nối vùng”.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các quy định về kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng mà Nghị quyết 23 đưa ra.

Tây Nguyên là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp bền vững nhưng thực tế là các địa phương chỉ mới tận dụng được một phần nhỏ. Chính vậy vậy, chiến lược phát triển nông nghiệp theo định hướng bền vững lâu dài cần phải được chú trọng. Cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để tạo ra các chuỗi liên kết sản phẩm. Hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều rào cản dẫn đến việc liên kết vùng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp mỗi nơi một cơ chế khác nhau.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Chính phủ tạo điều kiện để Tây Nguyên phát triển theo cơ chế đặc thù là điều kiện thuận lợi. Các địa phương cần phải có hành động và việc làm cụ thể để đưa kinh tế phát triển, trong đó kêu gọi, thu hút đầu tư cần được đẩy mạnh. Thực tế, dù nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo nhưng hiệu quả lại chưa cao, cả vùng Tây Nguyên chỉ mới có số ít doanh nghiệp nông nghiệp lớn, liên kết vùng trong nông nghiệp cần sự thay đổi theo hướng đa chiều, đa sản phẩm.

Cần tạo ra những cơ chế thuận lợi để vận động, kêu gọi các nhà đầu tư đến với  Tây Nguyên. Điều đó rất quan trọng vì với sự chung tay của các nhà đầu tư sẽ tạo nên chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội để nông sản Tây Nguyên vươn xa. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của vùng như: Cà phê, tiêu, điều, sầu riêng, cao su, bơ, mắc ca… vẫn còn nhiều tiềm năng để khẳng định chất lượng cũng như mở rộng phát triển, xuất khẩu.

Để phát triển vùng kinh tế đặc thù, lấy phát triển nông nghiệp làm chủ đạo, ngoài việc thu hút đầu tư, các địa phương cần định hướng về nhiệm vụ, giải pháp. Phải tập trung hoàn thiện xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. Khi Chính phủ đã tạo cơ chế cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thì các tỉnh Tây Nguyên phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể, lấy thực tiễn làm thước đo. Cần hoạch định những chính sách cụ thể để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư.

Để Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh mẽ cũng như thay đổi tư duy.  Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau hoa, cá nước lạnh... Bộ sẽ rà soát, bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam; chính sách chi trả dịch vụ hấp thụ các-bon rừng”.

Khi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng, tin tưởng, chấp nhận đầu tư cần định hướng lâu dài lấy người dân làm chủ thể. Phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Tây Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế xanh. Đó là tiền đề để thu hút đầu tư. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nhiều chuỗi giá trị nông sản để phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Xu hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương cũng như người dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Đó là việc tạo ra các sản phẩm an toàn nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang đề xuất: “Kon Tum mong muốn các bộ, ngành quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp chế biến lớn, có uy tín đến Tây Nguyên tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu. Nếu được đầu tư, Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho rằng: “Tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có sức lan tỏa, tạo đột phá chiến lược trong phát triển Vùng Tây Nguyên mà Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, tuần hoàn, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành công nghiệp đóng vai trò chủ đạo của khu vực công nghiệp, dựa triển khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh Tây Nguyên nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực”.

Tạo cơ chế, thủ tục và môi trường thông thoáng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư yên tâm, từ đó làm bước đệm để các nhà đầu tư dồn toàn tâm toàn ý vào những kế hoạch đầu tư. Từ các nhà đầu tư sẽ tạo ra các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra. Hiện nay, trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, việc tạo ra các sản phẩm chất lượng là vấn đề các nhà đầu tư rất quan tâm, bởi có sản phẩm chất lượng, an toàn thì đầu ra cho sản phẩm mới được đảm bảo thường xuyên và lâu dài.

Phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch đang là xu hướng của thị trường hiện nay nên từng bước thay đổi tư duy của người dân, góp phần tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định, phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Cơ chế đặc thù gắn với văn hóa

Tây Nguyên là vùng gắn nhiều bản sắc văn hóa các dân tộc. Việc thay đổi tư duy cho người dân cần kiên trì, tuyên truyền về việc thay đổi tư duy phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Người dân Tây Nguyên từ xưa đến nay vẫn thường hay canh tác theo mô hình hộ gia đình. Vì vậy, tuyên truyền để người dân nhận thức được làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao để cởi bỏ nút thắt giúp người dân tham gia vào các chuỗi sản xuất sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao phải là việc làm đi trước, thường xuyên.

Với lối canh tác manh mún theo truyền thống đã gắn với nhiều người dân qua nhiều thế hệ, việc vận động để người dân áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất đòi hỏi phải có nhiều mô hình thực tế để người dân được mục sở thị về hiệu quả. Từ đó, để người dân thay đổi tư duy sản xuất, góp phần vào xu hướng phát triển hiện nay. Với số đông đồng bào đang định cư ở vùng Tây Nguyên, thay đổi tư duy trong sản xuất không phải làm được trong một sớm một chiều. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Vẫn còn nhiều hộ dân canh tác, sản xuất theo kiểu “ưa trồng nấy”. Do đó, việc quy hoạch, định hướng cho người dân trong sản xuất là việc các địa phương cần đẩy mạnh.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 47%.

Phát triển vùng Tây Nguyên theo cơ chế đặc thù cần tận dụng, lồng ghép phát triển du lịch, bởi khu vực này rất đa dạng các nền văn hóa. Từ đó, quảng cáo thêm hình ảnh và sản phẩm của vùng. Với rất nhiều lễ hội hàng năm của đồng bào các dân tộc bản địa, sẽ là điểm nhấn để thu hút du lịch. Thông qua phát triển du lịch, sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm du lịch và nông nghiệp đến với du khách. Phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23, xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên, nhưng tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển Vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững””.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nhưng, theo Thủ tướng, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng do 4 nguyên nhân chính. Đó là: kết cấu hạ tầng còn bất cập; nguồn lực còn thiếu; kết nối vùng còn chưa tốt; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực Vùng Tây Nguyên tại Triển lãm Tây Nguyên xanh – Hài hòa – Bền vững tại tỉnh Lâm Đồng ngày 20/11/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh, làm tốt phát triển kinh tế-xã hội thì góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là 2 mặt song song của quá trình nhưng tuỳ tình hình mà thay đổi thứ tự ưu tiên. Phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Phải có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân. Lấy con người là chủ thể, là trung tâm để đối phó với các thách thức. Các chính sách phải hướng về người dân và người dân phải tham gia xây dựng chính sách.

Phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Là địa bàn có vị trí chiến lược, vùng Tây Nguyên bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, việc phát triển kinh tế vùng theo cơ chế đặc thù là việc rất cần thiết để Tây Nguyên phát huy hết tiềm năng, phát triển bền vững. Chính phủ đã mở ra nhiều cơ chế cho vùng Tây Nguyên, có tận dụng được hay không còn phụ thuộc vào hành động của các địa phương. Muốn tạo ra đột phá trong phát triển vùng Tây Nguyên, cần có định hướng cụ thể và đúng đắn. Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự đầu tư của các doanh nghiệp cùng với sự đoàn kết của người dân sẽ là động lực để Tây Nguyên vùng lên trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng.

 

 

Khắc Niên
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top