Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 6 năm 2022 | 20:37

Để cây trái Tây Nam Bộ "cất cánh"

Chúng tôi có chuyến rong ruổi một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đang vào vụ thu hoạch nông sản, nhìn thấy cảnh nhà nông bày bán đủ loại trái cây bên đường và nghe những xót xa trái cây đổ bỏ hoặc phải bán không thể rẻ hơn.

Qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi ghé lại quán nhỏ ven đường trú mưa. Vừa vào quán chúng tôi đã nghe thơm nức mùi mít chín.

 

mit.jpg

Giá mít Thái tại ĐBSCL có lúc giảm mạnh nhưng ít người mua - Ảnh: B.ĐẤU

 

Mít mang đi đắp đập không hết!

Sau khi mang nước ra cho chúng tôi, chị chủ quán ra khoảng sân đầy mít, chị lấy một trái xẻ ra một miếng tươm tất mang đến mời chúng tôi "ăn cho vui". Sợ khách ngại, chị bảo "hai em ăn lấy thảo, cây nhà lá vườn chị không lấy tiền đâu. Cả huyện này mít mang đi đắp đập không hết".

Bạn đồng hành của tôi hỏi chị về đống mít chất đầy sân, chị thiệt tình kể vì thương lái "chê", chồng chị chở từ vườn sau nhà vô cho người bà con mang về cho cá ăn. Chị kể thêm, hôm trước đứa em của chị ở TP.HCM kêu chị gửi mít lên ăn.

Chị chở trái mít xuống thị trấn cách đó khoảng 20km để gửi. Dịch vụ chuyển hàng cân trái mít tính tiền cước vận chuyển cao gấp 3 lần tiền bán trái mít nên chị chở về, gọi điện bảo em mình "thôi, mua trên đó ăn rẻ hơn".

Chia tay chị, bạn tôi mua 5 trái mít mang về TP.HCM tặng bạn bè. Chị tính tiền 3 trái, 2 trái tặng, bạn tôi kiên quyết trả chị 200.000 đồng mỗi trái để cảm ơn sự nhiệt tình và dễ thương của chị.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với tâm trạng buồn vui xen lẫn. Vui vì sự chân chất, dễ mến của chị chủ quán. Buồn vì nghĩ về nỗi vất vả của chị cũng là của đa số bà con nông dân.

"Chốt đơn" trên đồng, chuyện còn xa quá!

Tôi chợt nhớ trong số các cuộc bàn thảo nhằm tìm giải pháp tiêu thụ nông sản ở miền Tây có ý kiến cho rằng cần ưu tiên "nâng cấp" và bổ sung tri thức "kinh tế 4.0"; xây dựng cơ sở dữ liệu nông sản và mạng lưới bán hàng online nhằm giúp người dân "chốt đơn" ngay trên cánh đồng của mình; hay ngồi nhà "quẹt" điện thoại để xem giá rau củ quả trong ngày ra sao.

Phước, bạn đồng hành của tôi, cho rằng đó là một gợi mở thú vị, cần thiết nhưng không phải là vấn đề bức thiết nhất với miền Tây hiện nay. 

Là một chuyên gia về công nghệ, Phước nói việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nông sản và mạng lưới bán hàng online cho người dân là chuyện không khó. Vấn đề là việc vận chuyển con cá, nải chuối, bó rau rất khác với vận chuyển một quyển sách, lọ nước hoa.

Càng khó hơn nữa là làm sao để vận chuyển nông sản với khối lượng rất lớn từ ruộng, vườn ra trung tâm các tỉnh thành để giao cho khách hàng với hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế hiện nay ở miền Tây Nam Bộ?

Từng "ra Bắc, vào Nam", Phước nói chỉ khi nào đường sá ở miền Tây thông thoáng, hiện đại hơn hiện tại thì vấn đề "liên kết vùng" mà các chuyên gia bàn lâu nay mới thật sự mang lại hiệu quả.

Tri thức công nghệ được cho là cần thiết cho đầu ra nông sản. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần một cái nhìn thực tế hơn và chuyện gì quan trọng và bức thiết thì ưu tiên làm trước.

Giải ế, cách nào?

Nếu phải lựa chọn thứ tự ưu tiên để đầu tư xây dựng và phát triển ĐBSCL, tôi cho rằng việc xây dựng và kiện toàn mạng lưới giao thông đa dạng cả đường thủy lẫn đường bộ, cả cao tốc lẫn đường sắt là khâu then chốt nhất để tạo đà cho BĐSCL "cất cánh".

Với lĩnh vực nông nghiệp - thế mạnh của ĐBSCL, nhất định phải có những quyết sách cụ thể để từng bước thay đổi nhận thức liên quan đến quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. 

Cần thiết phải luật hóa vấn đề này để việc sản xuất nông sản của chúng ta vừa đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc gia, quốc tế, vừa nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, không lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Chỉ như vậy, nông sản Việt đỡ bị làm khó tại các cửa khẩu, trái chín đỡ ế ẩm sau mỗi kỳ thu hoạch.

Song song đó vẫn là đầu tư và hiện đại hóa công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Bởi đây cũng là khâu yếu nhất của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Có thể nói, nông sản chúng ta làm ra rất nhiều nhưng hiện tại chủ yếu xuất thô lại không được bảo quản đúng cách nên dễ hư hỏng, gây lãng phí rất lớn.

Theo tinh thần chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ của Chính phủ, ngày 21-6 tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư cho cả vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030. Vấn đề còn lại là phải làm sao hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể và đồng bộ hơn nữa.

Điều này, theo tôi, phụ thuộc rất lớn ở cách tư duy, tầm nhìn, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương cùng các vị tư lệnh ngành để cùng thay đổi thực trạng buồn ở vùng cây trái này.

 

Cần thêm nhiều "đường đi" cho cây trái

Trong khi người trồng mít không bán được trái, nhiều nơi khác muốn mua miếng mít bé tẹo mất 30.000 - 40.000 đồng. Giữa những ngày dưa hấu đổ bỏ ở biên giới, nhiều nơi vẫn phải mua dưa giá cao, các tỉnh xa cũng ít thấy bán dưa...

Không ai chờ đợi vào những cuộc "giải cứu" nhưng nếu thêm kênh thu mua, thêm cách vận chuyển và bán trái cây Việt cho người Việt, tôi tin mọi chuyện sẽ khác.

Như cách đã làm trong mùa dịch, có tỉnh tổ chức kết nối thu mua lúa cho dân, nhiều sáng kiến "chở" nông sản về thành phố với giá hợp lý nhất. Bây giờ đường sá thông thương, tại sao trái cây phải đổ bỏ trong khi người nơi khác muốn ăn phải trả giá đắt?

 
tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top