Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 1 năm 2024 | 8:0

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây na

Với diện tích trên 1.220ha, cây na là một trong 3 loại cây ăn quả chủ lực, chiếm diện tích lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, và đưa Quảng Ninh trở thành 1 trong 5 tỉnh sản xuất trọng điểm na trong cả nước.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, do phần lớn cây na có tuổi đời cao nên thay vì tập trung vào vụ chính thì người dân nên chuyển sang vụ na Đông Xuân. Hình thức sản xuất này giúp quả na cho chất lượng tốt hơn, giá trị tăng lên, giảm thiểu câu chuyện bị tư thương ép giá.

Sau nhiều năm phát triển loại cây này, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất na tập trung như: Xã Việt Dân, An Sinh, Bình Khê, Tân Việt (TX Đông Triều) và xã Tiền An (TX Quảng Yên). Trong những năm qua, nông dân trồng na tại các địa phương đã tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng như tăng cường đầu tư cơ sở vậy chất, hạ tầng để phát triển sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tại TX Đông Triều đã có trên 355ha na (chiếm khoảng 40% diện tích trồng na của thị xã) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ được quan tâm đầu tư, năng suất quả thu hoạch bình quân đạt 12 tấn/ha/năm, giá bán bình quân thời kỳ chính vụ đạt 20.000 đồng/kg, mỗi năm 1ha na dai cho doanh thu 240-300 triệu đồng; na bở năng suất thấp hơn, đạt từ 8-10 tấn/ha/năm, tuy nhiên giá thành cao trung bình đạt 30-40.000 đồng/kg nên doanh thu có thể đạt trên 300 triệu/ha/năm

Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch cũng như thị trường tiêu thụ, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp kỹ thuật cắt tỉa để rải vụ thu hoạch, tạo quả trái vụ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Ước tính TX Đông triều có khoảng trên 600ha (chiếm 70-80%) diện tích na các hộ đã áp dụng biện pháp tạo quả trái vụ với năng suất đạt 4-5 tấn/ha, cho thu hoạch khoảng 2.500-3000 tấn na trái vụ, với giá bình quân 30.000 đồng/kg.

Ông Trần Đức Hương (xã An Sinh, TX Đông Triều) cho biết: Theo cách trồng truyền thống thì na chỉ cho thu hoạch một vụ/năm. Thế nhưng, từ khi chúng tôi tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là phương pháp thụ phấn chủ động thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12. Với khoảng 2ha sản xuất na trái vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình vì giá bán thường cao hơn na chính vụ 20-30% và thị trường tiêu thụ cũng ổn định hơn.

Người dân xã Bình Khê (TX Đông Triều) thu hoạch na trái vụ.

Tuy nhiên, nhiều người dân trên địa bàn TX Đông Triều cho biết, hiện nay, việc trồng và tiêu thụ na đang gặp phải một số khó khăn như thời điểm thu hoạch na chính vụ cũng là thời điểm thu hoạch của nhiều loại hoa quả nhiệt đới khác nên bị cạnh tranh về thị trường tiêu thụ, giá thành thường thấp; kích cỡ thương phẩm giảm dần do quy trình chăm sóc và nhiều diên tích đã được canh tác nhiều năm; thời gian bảo quản ngắn, chưa có các cơ sở sơ chế, chế biến nên áp lực về thời vụ thu hoạch và thị trường… Riêng đối với sản xuất na trái vụ cũng đang có hiện tượng rụng lá sinh lý sớm khi gặp nhiệt độ thấp, do đó thường bố trí thu hoạch trước tháng 12. Việc đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất na trái vụ nên quả thường nhỏ và mẫu mã không đẹp. Một số hộ tổ chức quản lý sản xuất không tốt (kỹ thuật chăm sóc, để quả vụ chính quá nhiều,…) làm cho cây bị yếu, gây ảnh hưởng đến chu kỳ khai thác và hiệu quả kinh tế năm sau.

Bên cạnh đó, nhiều vườn cây có chiều hướng suy thoái khi có độ tuổi khoảng 20 năm, thậm chí 25-30 năm. Qua rà soát của TX Đông Triều, trong 872ha ở các vùng sản xuất na tập trung của thị xã, diện tích na có độ tuổi 10 năm trở xuống chỉ chiếm 33%; còn lại có đến 36% diện tích từ 11-15 năm tuổi; 31% diện tích có độ tuổi trên 16 năm trở lên, trong đó 22% diện tích từ 16-20 năm tuổi, 9% diện tích cây trên 20 năm tuổi. Những cây già cỗi mặc dù cho năng suất, chất lượng quả kém, nhưng nhiều hộ dân vẫn để tận thu. Việc thay thế không thực hiện bằng cách chặt bỏ, mà trồng dặm, trồng xen cây mới dưới tán cây. Do vậy, cây mới trồng sinh trưởng kém, tốc độ thay thế cây già khá chậm.

Trước thực trạng này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) đã nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống na có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, quả to, chất lượng tốt, phù hợp để quả trái vụ để ứng dụng vào sản xuất. Đồng thời cũng tăng cường tập huấn kỹ thuật, chia sẻ các giải pháp để trồng na trái vụ đạt hiệu quả cho người dân.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Để nâng cao giá trị, thu nhập của người trồng na, các địa phương có vùng quy hoạch sản xuất cần được đánh giá, phân tích độ phì của đất cũng như thành phần nông hóa thổ nhưỡng để xác định sự phù hợp với đặc tính phát triển của cây na. Trên cơ sở đó để xác định vùng sinh thái thích nghi của cây trồng cũng như có khuyến cáo về kỹ thuật phù hợp trong sản xuất. Đặc biệt, cây na cần phải phục tráng giống, thay thế khi bị suy thoái bằng các giống na có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật canh tác tại địa phương, nhu cầu tiêu dùng của thị trường vào sản xuất; lựa chọn các giống na có khả năng rải vụ thu hoạch cao, như: Na QN-D1 (na dứa), na Hoàng Hậu, na bở Đài Loan, các giống na dai có khả năng chịu lạnh… Việc tăng cường trồng na rải vụ thu hoạch chắc chắn sẽ giảm thiểu áp lực thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả đối với sản xuất cây na.

 

Hoàng Nga/Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Ý kiến bạn đọc
Top