Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu.
Với thuận lợi về tự nhiên, đất đai, đây còn là một trong hai vùng phát triển cây ăn quả lớn nhất nước ta và là khu vực chăn nuôi trọng điểm.
Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các tỉnh, thành vùng Đông Bắc Bộ đặt vấn đề khai thác lợi thế để phát triển nông nghiệp nói chung, kinh tế vườn nói riêng ở vị trí quan trọng.
Lợi thế về kinh tế - xã hội
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 6 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là khu vực trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất của cả nước.
Theo phân tích của các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, mỗi tỉnh, thành trong vùng đều đang nắm giữ những tiềm năng, thế mạnh riêng có rất lớn và đang có những định hướng phát triển riêng.
Thủ tướng cùng các đại biểu tại gian hàng giới thiệu sản phẩm có thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bà Rịa - Vũng Tàu đang phát triển và được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. TP. Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng đẳng cấp quốc tế.
Tiểu vùng trung tâm được xác định gồm: TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương, Tây Nam tỉnh Đồng Nai sẽ là trung tâm phát triển của toàn vùng, nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục - đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế.
Trong đó, TP.Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân sẽ tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế. Thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.
Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển như cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Theo đó, sẽ hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Tiểu vùng phía Bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng...
Để đưa Đông Nam Bộ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng “chính quyền số”, “kinh tế số”, “xã hội số”.
Nghị quyết chỉ rõ: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Lợi thế về điều kiện tự nhiên
Đông Nam Bộ nằm trên vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long; có nhiều loại đất như đất bazan, đất xám; khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao, hầu như không thay đổi trong năm, ít xảy ra thiên tai; lượng mưa dồi dào; trung bình hàng năm khoảng 1.500-2.000mm; rất thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều, hồ tiêu), cây công nghiệp hằng năm (lạc, đậu tương, mía, thuốc lá), cây ăn quả nhiệt đới (chôm chôm, nhãn, bưởi, măng cụt, chuối tiêu, sầu riêng, mít, mãng cầu ta…) với mùa vụ muộn hơn vùng ĐBSCL.
Vùng có nguồn lợi hải sản phong phú với ngư trường rộng lớn (như ở Bà Rịa – Vũng Tàu), có các bãi tôm bãi cá, các vùng nước mặn nước lợ và rừng ngập mặn ven biển… thuận lợi cho phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Một vườn chôm chôm Thái ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Ảnh Danviet
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, với 14 loại cây chủ lực gồm: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh leo, bơ, na.
Đây cũng là những loại trái cây có nhiều thế mạnh phát triển tại vùng Đông Nam Bộ, như: xoài (định hướng phát triển Đồng Nai, Tây Ninh); chôm chôm, chuối (Đồng Nai); nhãn (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu); mít (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh); sầu riêng (Đồng Nai, Bình Phước).
Đồng Nai hiện có gần 52.000ha cây ăn trái. Không chỉ diện tích trồng các loại cây ăn trái tăng mạnh như chuối, thanh long, cam, bưởi,… mà sản lượng cũng tăng cao; ví dụ sản lượng chuối đạt hơn 50 nghìn tấn (tăng 4,5%), sản lượng xoài đạt trên 48,5 nghìn tấn (tăng 2,5%), bưởi đạt hơn 15 nghìn tấn (tăng gần 4%), sầu riêng đạt 7 nghìn tấn (tăng gần 1,4%), chôm chôm đạt trên 98,8 nghìn tấn (tăng 2,2%),…
Đồng Nai đã hình thành được các vùng chuyên canh với diện tích lớn như 1.700ha sầu riêng, 7.700 ha xoài, 700ha bưởi,… và hàng năm tỉnh cung cấp ra thị trường trên 400 nghìn tấn sản phẩm trái cây.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết, tỉnh hiện có hơn 73.000ha cây ăn trái, chủ yếu là chôm chôm, sầu riêng, chuối, măng cụt, mít…
“Đồng Nai có trên 244 cơ sở chế biến về cây ăn trái. Tuy nhiên, vẫn chưa đảm bảo được điều kiện về nguồn nguyên liệu. Để cung cấp vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến này, chúng tôi quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gắn kết với xây dựng mã số vùng trồng, cũng như mã số vùng đóng gói”, ông Thắng nói.
Với hơn 8.600ha cây ăn trái, Bà Rịa - Vũng Tàu nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản thơm ngon như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh…
Thời gian qua, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều loại trái cây đặc sản như thanh long ruột đỏ Bông Trang, bưởi da xanh Sông Xoài đã “bén rễ” và được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi vị ngon ngọt không thua kém trái thanh long, bưởi da xanh được trồng tại Bình Thuận hay Vĩnh Long. Để từng bước xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn trái này, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều chương trình, đề án như hình thành các vùng chuyên canh, triển khai các mô hình theo quy trình VietGAP... Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch trồng tập trung 4.500ha, gồm 5 loại cây ăn quả chủ lực: nhãn xuồng cơm vàng, bưởi, chôm chôm, mãng cầu và quýt.
Mới đây, Sở Khoa học - Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiệm thu đề tài khoa học nhằm xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho trái nhãn xuồng cơm vàng. Mục tiêu của đề tài nhằm xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý “nhãn xuồng cơm vàng BR-VT” được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm nhãn xuống cơm vàng của tỉnh, xây dựng các điều kiện, phương tiện và cơ chế phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn “Bà Rịa - Vũng Tàu” cho sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng như tem, bao bì, nhãn.
Đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Để phát triển nhanh, bền vững tạo, bước đột phá, lan toả trong phát triển kinh tế, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 xác định, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Chăn nuôi của vùng phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng, phương thức tổ chức sản xuất, nhiều nơi khép kín từ chế biến thức ăn, sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ và trở thành ngành sản xuất hàng hóa. Đông Nam Bộ đang đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ thị trường trong nước. Đây cũng là điều kiện bắt buộc đầu tiên để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cả nước có 2.210 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh. Phần lớn cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hiện tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ, vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, tỉnh, thành phố nào ở Đông Nam Bộ cũng có vùng an toàn dịch bệnh với gia cầm.
Bà Trần Thị Thu Phương,Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Thú y), cho biết, Cục Thú y đang nỗ lực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất lớn đáp ứng các yêu cầu về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam, từng bước tiến tới tiêu chuẩn quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu.
Kinh nghiệm của các địa phương là tổ chức xây dựng cơ sở (hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi) đạt an toàn dịch bệnh (giai đoạn 1), sau đó xây dựng cơ sở cấp xã rồi xây dựng cả huyện đạt an toàn dịch bệnh.Tất cả các huyện đều có kế hoạch được Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo tổ chức xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.
Tập trung thu hút ngành công nghiệp chế biến
Đồng Nai có vùng nguyên liệu trù phú, dồi dào các loại nông sản, đặc biệt là các loại đặc sản trái cây, rau củ nên là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư vào chế biến. Nhưng thực tế, ngành chế biến các mặt hàng nông sản trên của Đồng Nai còn thiếu và yếu.
Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận xét, Đồng Nai có trên 2,7 ngàn cơ sở chế biến nhưng chủ yếu là các cơ sở chế biến đồ gỗ, giày da, cao su, cà phê... Đồng Nai còn có nhiều lợi thế phát triển chế biến sâu với nhiều mặt hàng nông sản khác, đặc biệt là các loại rau củ, trái cây tươi.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư. Đồng Nai cũng thuộc tốp đầu cả nước về lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi với khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)... Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi nội tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tỉnh cũng thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chế biến thịt tươi cũng như các sản phẩm khác từ thịt gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 ngàn tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu tươi.
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Các sản phẩm chế biến rất đa dạng như: giò chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói... Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu đi các nước, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản.
Về trồng trọt, các mặt hàng cây công nghiệp chủ lực như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu có diện tích lớn, hình thành được các vùng chuyên canh nên đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu. Chỉ tính riêng ngành cà phê, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với sự góp mặt của nhiều nhà máy chế biến lớn như: Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa...
Góp ý cho định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam gợi ý, phát triển sản xuất gắn liền với nhà máy chế biến là lợi thế rất lớn trong phát triển nông nghiệp. Đồng Nai có nhiều lợi thế hơn những địa phương khác trong sản xuất phục vụ chế biến vì Đồng Nai có khu công nghiệp phát triển, gần các cửa sông lớn, cảng biển. Trong khi đó, những tỉnh, thành phát triển mạnh về công nghiệp như TP. HCM có diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Tỉnh phải tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản; gắn kết giữa các vùng trồng với các nhà máy chế biến trên cơ sở tính toán kỹ từng bước đi để tránh tình trạng “trồng rồi lại chặt”.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
“Từ những lợi thế hiện có, cần phát triển vùng Đông Nam Bộ phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới liên kết vùng dựa trên cơ sở xây dựng cơ chế và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả; giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN và thế giới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Chương trình hành động phát triển vùng Đông Nam Bộ xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội và môi trường, phấn đấu đến năm 2030 đạt một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm. Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%). Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40-45% |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.