Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 9 năm 2024 | 11:3

Điện Biên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC gắn với công nghiệp chế biến

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp với thực tiễn của tỉnh, từng bước hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, ổn định thu nhập và đời sống của người nông dân.

Chính vì vậy, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, từ đó thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, bền vững.

Đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật đến gần người dân

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, các đơn vị, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung hướng dẫn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho người dân và hội viên. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) kiểm tra sự phát triển của cây dưa lưới trong nhà màng.

Với sự tư vấn và hỗ trợ của Phòng Kinh tế (TP. Điện Biên Phủ), 3 năm về trước, gia đình anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Him Lam đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, nhà màng, kết hợp với áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, anh Đức đã áp dụng phương pháp trồng dưa thủy canh kết hợp với nhà màng. Việc ứng dụng các phương pháp này dù tốn kém chi phí đầu tư hơn cách trồng dưa thông thường khác, song quá trình áp dụng kỹ thuật công nghệ cao đã góp phần kiểm soát đáng kể sâu bệnh hại và tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại gia đình, anh Đức chia sẻ: “Mô hình nhà kính như thế này nếu mà thực hiện tốt sẽ hạn chế được rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc diệt trừ sâu bệnh rất ít sử dụng, trừ khi nấm bệnh quá nặng mình mới phải sử dụng thôi. Còn hầu như không có côn trùng xâm nhập vào được vì nhà màng rất kín… Việc canh tác bằng các phương pháp công nghệ cao sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn hơn với người tiêu dùng”.

Nhằm giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; từ đầu năm đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức 07 hội nghị tập huấn về kiến thức nông nghiệp cho 560 hội viên nông dân tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ. Qua đó, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất mới; từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại cơ sở. Cùng với việc giúp người dân tiếp cận gần hơn với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân còn triển khai một số mô hình kinh tế mới, góp phần tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển nông nghiệp của địa phương.

Các ứng dụng khoa học - kỹ thuật được triển khai vào mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tập trung tại Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh.

Ông Trịnh Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Hội Nông dân tỉnh về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, Trung tâm đã khảo sát, xây dựng mô hình trồng cây táo Đài Loan theo hướng an toàn trên diện tích 8.000m2 tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học phát triển cây nho hạ đen tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Việc thực hiện các mô hình đó giúp nông dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.

Với diện tích đất canh tác rộng và những ưu thế về chuồng trại, kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sinh sản, chăn nuôi và trồng, chế biến thức ăn nhằm phát triển bền vững đàn trâu hàng hóa tại tỉnh Điện Biên”. Trong quá trình thực hiện dự án, các kỹ thuật mới sẽ được các cán bộ của trung tâm áp dụng vào thực tế, như: Quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trâu đực Murrah với trâu cái Việt Nam, kỹ thuật trồng cỏ VA-06, kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu... Sau đó, trung tâm tiến hành đánh giá mô hình và chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

Ông Đức Minh Nhuệ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: Các dự án này có tầm quan trọng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi vì sau quá trình thử nghiệm, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ lưỡng và nhận định tính hiệu quả khi triển khai cho người dân. Nếu các mô hình mới, cây, con mới phát huy hiệu quả, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân nhằm nâng cao giá trị thu nhập. Hơn thế là bà con có điều kiện được tiếp cận với các mô hình áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, từng bước làm quen với cách thức sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại những sản phẩm có chất lượng cung cấp cho thị trường.

Dự án nuôi gà thả vườn của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh phát huy hiệu quả, có thể chuyển giao cho người dân.

Trong thời gian qua, nhiều mô hình nông lâm nghiệp đã được triển khai và được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng dứa ở xã Na Sang, bí xanh tại 2 xã: Na Sang và Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà); mô hình chăn nuôi cá lồng trên các hồ thủy lợi như: Pá Khoang, Hồng Khếnh, Nọong Luông; mô hình nuôi ong của HTX ong mật xã Sam Mứn (huyện Điện Biên); nuôi ong rừng, trồng bí xanh xã Chà Nưa; mô hình trồng rau sạch của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pha Phìn (huyện Nậm Pồ)... Bước đầu, việc triển khai các mô hình kinh tế mới có sự hỗ trợ không nhỏ của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Thế nhưng, đó cũng là cơ hội để người dân được tiếp cận gần hơn với các ứng dụng khoa học, kỹ thuật; từ đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao hơn.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc ứng dụng các mô hình kinh tế mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua là bước đánh giá sự phù hợp để ứng dụng các đối tượng cây trồng, vật nuôi vào địa bàn. Có thể khẳng định việc áp dụng, thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế mới, các khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp là bước quan trọng để đánh giá hiệu quả thực tế. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các mô hình kinh tế mới, các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi theo đúng tiến bộ khoa học-kỹ thuật; góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình…

Với tiềm năng, thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tỉnh Điện Biên đã và đang tận dụng tối đa ưu thế về điều kiện tự nhiên kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Từ kết quả các mô hình thử nghiệm thành công sẽ thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, tự tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp; từng bước khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến

Nhân viên Công ty Cổ phần cà phê Quốc tế Hồng Kỳ chế biến cà phê.

Sắn là loại cây trồng truyền thống ở nhiều vùng của tỉnh được người dân tích cực mở rộng diện tích trong những năm gần đây. Năm 2023, sản lượng sắn toàn tỉnh đạt gần 124.000 tấn, xếp thứ 2 về sản lượng cây lương thực của tỉnh (sau lúa nước). Năm 2024, tổng diện tích cây sắn toàn tỉnh đạt gần 17.000ha. Lý do mở rộng diện tích trồng sắn được xác định là do trồng sắn chi phí đầu tư ít, thị trường rộng lớn, giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng truyền thống khác như: Ngô, lúa nương.

Từ trước đến nay, sản phẩm sắn tươi, sắn khô trên địa bàn tỉnh đều được bán cho các thương lái thu mua gom rồi bán lại cho nhà máy chế biến ở tỉnh Sơn La và một phần nhỏ cho nhà máy chế tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên). Do đó, giá trị kinh tế của củ sắn chưa cao, dễ bị thương lái ép giá.

Ngày 15/3, Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL Ðiện Biên được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Chế biến nông sản BHL Ðiện Biên, dự án được xây dựng tại thôn Tân Ngam (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên). Nhà máy có quy mô công suất sản xuất 200 tấn tinh bột/ngày; 50 tấn bã sắn/ngày đêm. Ðây là bước đệm thúc đẩy sản xuất cây sắn theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sắn lòng vàng tại xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) cho năng suất, sản lượng cao.

Theo nghiên cứu của nhà đầu tư, thổ nhưỡng và biên độ nhiệt giữa ngày và đêm, giữa mùa đông với mùa hè lớn đã giúp củ sắn ở Ðiện Biên có hàm lượng tinh bột cao hơn các tỉnh khác. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tỉnh Ðiện Biên đã phát triển cây sắn theo hướng thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn các giống mới có năng suất và chất lượng cao như: KM94, KM95, KM98... Người dân trồng và chăm sóc cây sắn đúng thời vụ, kỹ thuật đã đem lại năng suất, chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản BHL Ðiện Biên, trên cơ sở tiềm năng lợi thế về phát triển và kết quả nghiên cứu thị trường chế biến sản phẩm sắn trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, Công ty đã quyết định đăng ký, xin chủ trương của UBND tỉnh đầu tư dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh. Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện các bước chuẩn bị để triển khai thực hiện dự án. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đầu ra ổn định cho vùng nguyên liệu sắn, giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp tăng lợi nhuận của cây sắn. Bên cạnh đó, nhà máy cũng tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.

Trên địa bàn xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) hiện có gần 10 đơn vị thu mua sắn bán cho nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Sơn La. Ðến mùa thu hoạch sắn, trên tuyến quốc lộ 12 đoạn qua xã Núa Ngam, mỗi ngày đều có 3 - 4 xe đầu kéo nối đuôi nhau bốc sắn chở về tỉnh Sơn La.

Chị Nguyễn Thị Hồng, người dân xã Núa Ngam cho biết: Giá thu mua sắn cao thấp tùy từng năm tuy nhiên củ sắn ở xã Núa Ngam nói riêng, các xã huyện Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông nói chung đều có giá bán thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Bởi vì, củ sắn từ nương người dân phải qua 2 - 3 khâu trung gian mới về đến nhà máy chế biến. Nếu Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL Ðiện Biên ở xã Núa Ngam đi vào hoạt động, người dân bán sắn trực tiếp cho Nhà máy thì giá bán sẽ cao hơn.

Năm 2023, huyện Mường Nhé có tổng diện tích trồng sắn khoảng 4.000ha. Trên địa bàn huyện có 2 cơ sở thu mua, sơ chế củ sắn với tổng công suất 300 tấn sắn tươi/ngày song chỉ tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng sắn toàn huyện. Số lượng còn lại, người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu sắn. Trong ảnh: Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên).

Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé đánh giá: Có nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh sẽ thúc đẩy các địa phương, trong đó có huyện Mường Nhé tập trung sản xuất cây sắn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị. Chi phí trung gian đều giảm, giá củ sắn sẽ cao hơn, giúp người trồng sắn gia tăng thu nhập.

Tương tự, Nhà máy chế biến mủ cao su đang được Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên triển khai thực hiện. Nhà máy có công suất thiết kế 5.000 tấn/năm (lò sấy 2 tấn/giờ); đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác từ các vườn cây cao su đại điền và tiểu điền trong tỉnh.

Ông Trần Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé cho biết: Tổng diện tích đất Công ty quản lý 1.420,55ha. Cơ bản 100% diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng và chất lượng mủ tốt. Hiện nay, toàn bộ mủ cao su của Công ty đều phải bán thô và vận chuyển về nhà máy chế biến tại các tỉnh khác để tiêu thụ. Khi Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) hoàn thành và đi vào hoạt động, toàn bộ chi phí vận chuyển sản phẩm trước đây gần như được cắt giảm, từ đó lợi nhuận sản phẩm cao hơn, doanh thu của Công ty và thu nhập người dân góp đất, người lao động đều tăng lên. Theo tính toán, nếu được sơ chế tại địa bàn, giá trị sản phẩm tăng 1,5 - 2 lần so với bán sản phẩm thô.

Ngoài sắn và cao su, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sản phẩm gạo chất lượng cao, với công suất 135 tấn/ngày; 4 doanh nghiệp chế biến chè, công suất ước đạt 3 tấn chè tươi/tháng; 5 doanh nghiệp chế biến cà phê, công suất đạt 5 tấn cà phê bột/tháng; 5 doanh nghiệp, cơ sở chế biến mắc ca, công suất 400kg nhân/ngày; 5 cơ sở chế biến miến dong; 3 cơ sở chế biến dứa. Ðây là cơ sở thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng.

Ðơn cử như sản phẩm cà phê, với sự phát triển của công nghiệp chế biến trên địa bàn, diện tích, năng suất và sản lượng cây cà phê liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2023, diện tích cà phê toàn tỉnh ước đạt 2.758,56ha (trong đó: Diện tích trồng mới đạt 119,26ha tại các huyện Mường Ảng 31,5ha, Tuần Giáo 74,5ha, Ðiện Biên Ðông 13,26ha); sản lượng cà phê nhân ước đạt 4.393 tấn. 6 tháng đầu năm 2024, riêng diện tích trồng mới cây cà phê tại huyện Tuần Giáo đã tăng 780ha, cao gấp 6,5 lần so với năm 2023.

Ông Phạm Hữu Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Với đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm cà phê ngày càng tăng, người dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi từ cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng cà phê. Năm nay, 100% diện tích cà phê trồng mới của huyện Tuần Giáo đều do người dân tự bỏ kinh phí đầu tư, tự trồng và chăm sóc, đặc biệt là xã Tỏa Tình trồng mới 274,5ha; xã Pú Nhung 211,25ha; xã Quài Tở 102,38ha.

Hiện nay, thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Ðiện Biên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp vào lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là sản phẩm lúa gạo, mắc ca và sản phẩm lâm nghiệp như chế biến gỗ, dược liệu dưới tán rừng. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức song đó là hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo baodienbienphu.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Từ nguồn vốn vay tín chấp của Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Quảng Nam, thông qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã có điều kiện đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Top