Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, mở ra hướng đi mới giúp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm do Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai tại xã Thanh Chăn.
Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm do Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai thực hiện tại xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Mỹ và phân bón Sumagrow. Về biện pháp canh tác, 100% diện tích được xử lý rơm rạ đầu vụ bằng chế phẩm sinh học, giúp rơm rạ phân hủy nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa phát triển tốt, hạn chế tình trạng nghẹt rễ, góp phần cải tạo đất. Qua đánh giá, mô hình giúp giảm lượng phân bón vô cơ xuống 20%, tăng tỷ lệ áp dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn từ 60 - 80% trong khi không phát sinh chi phí lớn, đồng thời vẫn đảm bảo năng suất so với canh tác truyền thống. Năng suất mô hình ước đạt khoảng 70 tạ/ha, tương đương so với lúa ngoài mô hình nhưng canh tác theo hướng sử dụng chế phẩm sinh học góp phần nâng cao sức đề kháng cây lúa, hạn chế sâu bệnh hại, đồng thời bảo vệ môi trường, góp phần sản xuất bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ như: Vùng nguyên liệu chè Tủa Chùa của Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên được CERES (tổ chức chứng nhận quốc tế) chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ năm 2019 với tổng diện tích 70ha, sản lượng 24 tấn chè khô/năm; mô hình nông nghiệp hữu cơ chè Phan Nhất ở Mường Ảng với các sản phẩm: trà shan tuyết PH.14 hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ; Nhất đinh Bạch trà PH.14 hữu cơ...
Với tiềm năng của ngành Nông nghiệp tỉnh thì số lượng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ như vậy là rất hạn chế. Thực tế hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún nên khó quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ; tập quán canh tác của người dân chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất truyền thống; năng lực kỹ thuật, chuyên môn về nông nghiệp hữu cơ còn nhiều hạn chế... Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình khắt khe, ràng buộc bởi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy trình sản xuất khác. Mặt khác, do chi phí sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn sản xuất truyền thống nên giá thành cũng cao hơn, dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống.
Quy trình sản xuất đã khắt khe, việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ càng khó hơn. Đơn cử, để công nhận sản phẩm gạo hữu cơ, người dân, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình từ khâu trồng, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản vận chuyển, kế hoạch sản xuất hữu cơ và ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc. Ví dụ, tại khâu trồng trọt thì thời gian chuyển đổi đối với lúa hữu cơ ít nhất 12 tháng từ thời điểm áp dụng sản xuất hữu cơ; khâu thu hoạch phải có biện pháp loại bỏ nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; thu hoạch lúa hữu cơ không được trùng với thời gian thu hoạch lúa thông thường…
Để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, trước hết cần nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình thuê đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí cho các đơn vị trong quá trình sản xuất. Khuyến khích thành lập và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ làm cầu nối giữa nông hộ, nông trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường. Quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Cùng với đó tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn đã được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường. Nhiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù địa phương về: đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ... phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi
Thời gian qua, ngoài sự chủ động của người chăn nuôi, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo hướng phát triển bền vững.
Người dân xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông chăn nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tú (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) cho biết: Năm 2021, Công ty được Sở Khoa học Công nghệ Điện Biên lựa chọn để triển khai thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ngoại. Quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học với số lượng 1.700 con lợn thương phẩm và hơn 90 con lợn sinh sản. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, công ty thường xuyên được Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Sở Khoa học công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn việc áp dụng khoa học công nghệ. Đây là mô hình chăn nuôi lựa chọn giống lợn ngoại có khả năng thích nghi chống chịu bệnh tốt, sinh sản cao, tạo ra đàn lợn thương phẩm có năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn.
Còn với mô hình nuôi gà LV bố mẹ triển khai (từ tháng 11/2022 - 6/2024) tại Công ty TNHH Hương Phú (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) cũng đã cho thấy hiệu quả khi áp dụng theo hướng an toàn sinh học. Với gần 2.000 con gà thương phẩm, ước tính mỗi ngày Công ty thu hoạch khoảng 1.000 quả trứng. Tham gia mô hình, người chăn nuôi được hỗ trợ con giống có sức kháng bệnh tốt, năng suất, chất lượng cao; từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian qua, các ngành chuyên môn tỉnh quan tâm hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích ưu tiên các dự án có sự liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và lấy người dân làm nòng cốt. Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện thường xuyên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt thông tin dịch bệnh động vật từ cơ sở; thực hiện lấy mẫu gửi xét nghiệm chẩn đoán bệnh để tham mưu và tổ chức triển khai các biện pháp khống chế các ổ dịch phát sinh. Riêng quý I/2023 đã tiếp nhận, gửi 14 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Công tác báo cáo cập nhật ổ dịch, báo cáo 10 ngày, hàng tháng và đột xuất được thực hiện nghiêm túc.
Nhờ đó, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Đến nay tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) toàn tỉnh đạt 546.433 con (tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, đàn trâu 136.508 con (tăng 1,63%); đàn bò 98.270 con (tăng 3,69%); đàn lợn 311.655 con (tăng 3,16%). Đàn gia cầm đạt 4.720,15 nghìn con (tăng 1,97%). Các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là áp dụng Khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Do đó, sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng từ đầu năm đến nay có biến động tăng so với cùng kỳ năm 2022 (756,9 tấn trâu; 197,42 tấn bò; 1.130,57 tấn lợn và 1.256,29 tấn gia cầm).
Thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao Khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi; hướng dẫn người dân áp dụng mở rộng các mô hình có năng suất, sản lượng cao. Đồng thời tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào mô hình chăn nuôi hiệu quả nhằm xây dựng chuỗi liên kết theo giá trị. Cùng với việc tăng cường hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tỉnh cũng ban hành, thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng.
Liên kết sản xuất nông nghiệp ở Mường Chà
Xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà đã đồng hành cùng người dân, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương; từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Mô hình trồng bí xanh của Hợp tác xã Nam Dương liên kết với một số hộ dân tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà được trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch.
Bản Thèn Pả, xã Sa Lông nằm ở thung lũng khá rộng, sở hữu gần 20ha đất nông nghiệp tương đối bằng phẳng. Đây là nơi định cư của khoảng 60 hộ dân người dân tộc Xạ Phang - một nhóm nhỏ của dân tộc Hoa ở Việt Nam. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đồng bào Xạ Phang đã về định cư quanh chân núi đá vôi cằn cỗi. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của từng thành viên trong bản, giờ đây, đời sống của người dân Thèn Pả đã đổi thay nhiều; trình độ sản xuất cũng được nâng lên đáng kể. Anh Sần Seo Ngấn, Trưởng bản Thèn Pả cho biết: Trước đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của bản bà con trồng ngô, lúa nhưng kém hiệu quả do không biết cách cải tạo đất. Mấy năm gần đây, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ đã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, đưa giống cây trồng mới vào canh tác.
Theo anh Sần Seo Ngấn, năm 2022, với sự định hướng của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND xã Sa Lông, người dân bản Thèn Pả liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, Hợp tác xã 7/5 triển khai mô hình trồng 12ha khoai tây xuất khẩu, 2ha cây dược liệu tại bản Thèn Pả. Dù mới thực hiện, song vụ khoai tây, cà chua và một số loại rau màu đầu tiên đã cho năng suất cao.
Từ năm 2021 về trước, tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà có khoảng 1,6ha đất trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất cũng hạn chế. Cuối năm 2022, Hợp tác xã Nam Dương đã phối hợp với một số hộ dân nơi đây chuyển đổi sang trồng bí xanh. Quá trình thực hiện mô hình, Hợp tác xã Nam Dương cũng liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh triển khai trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch, đem lại sản phẩm chất lượng an toàn. Đặc biệt, để hạn chế sâu bệnh, hạn chế thoát hơi nước, Hợp tác xã dùng nilon phủ luống bí; không sử dụng cây tre hay các loại cây khác làm cọc chống cho bí xanh leo mà trồng bí xanh treo giàn lưới. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm thời gian chăm sóc. Đến nay, diện tích bí xanh theo mô hình liên kết đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất và thu nhập cao trong thời gian tới.
Chưa dừng lại ở các mô hình liên kết sản xuất khoai tây, bí xanh, cây dược liệu và các loại rau màu tại xã Sa Lông và thị trấn Mường Chà, hiện nay, huyện Mường Chà đã và đang vận động người dân một số xã như: Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng... căn cứ vào điều kiện thực tiễn, thổ nhưỡng từng vùng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các loại cây phù hợp để mời gọi liên kết với các hợp tác xã để tăng năng suất, giá trị sản phẩm.
Ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Mới bước đầu thử nghiệm, song các loại cây trồng ngắn ngày, cây dược liệu đều rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại những nơi được liên kết. Đặc biệt, việc địa phương đã và đang hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp đã giúp người dân nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời bà con còn được cung cấp thông tin thị trường, cung cấp vốn để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện tốt chuỗi giá trị trong sản xuất đã giúp các hợp tác xã từng bước xây dựng được thương hiệu nông sản của mình, tăng khả năng chủ động ký hợp đồng với khách hàng nhờ quy mô sản phẩm đủ lớn và đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất, khả năng cung cấp thường xuyên phục vụ yêu cầu thị trường.
Với những hiệu quả ban đầu, nhất là để triển khai có hiệu quả liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, hiện cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà đang tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ tư vấn liên kết, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh một số cây trồng có giá trị kinh tế cao… từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân giảm nghèo bền vững.
V.N (tổng hợp)/baodienbienphu.com.vn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.