Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 6 năm 2024 | 21:48

Doanh nghiệp Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh

Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với Tạp chí Việt Đức, NatureWord vừa tổ chức chương trình Hội thảo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net – Zero vào năm 2050.

Ngày nay, biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện. Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới sự phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.

Ban chủ trì hội thảo.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này sẽ được thực hiện thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Việt Nam đã lựa chọn cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Để có cái nhìn toàn cảnh về kinh tế xanh, tại buổi hội thảo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net – Zero vào năm 2050, khách mời là đại diện các cơ quan Nhà nước, nhà hoạch định chính sách, đại diện tổ chức tín dụng, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… đã đưa ra nhiều ý kiến, mô hình để có giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên đoàn chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu  mở đầu tại hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên đoàn chủ tịch VUSTA – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường cho hay: “Việc tiến tới mục tiêu phát thải bằng không giai đoạn 2050 là vấn đề vô cùng quan trọng. Trong đó câu chuyện chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là vấn đề về cần được quan tâm nhất. Đây là cam kết mang tầm quốc gia, chúng ta đã đưa vào luật để hướng tới mục tiêu quan trọng này”.

"Theo Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 06 đã có quy định hơn 1.900 doanh nghiệp phải có báo cáo phát thải và hoàn thành trước tháng 3.2025. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10% doanh nghiệp sẵn sàng cho việc thực hiện báo cáo phát thải. Báo cáo phát thải này đã trở thành bắt buộc đối với các công ty niêm yết và đối với các công ty giao dịch thương mại và đầu tư với các công ty niêm yết, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa sẵn sàng thực hiện điều này" - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ để thế giới hướng tới việc không có rác thải, do vậy việc chuyển đổi xanh và lối sống xanh là quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới. Tại các quốc gia phát triển việc này được đưa vào luật và có những điều khoản rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh và các quy định về bảo vệ môi trường.

Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với nội dung: Mục tiêu chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, PGS.TS Lưu Đức Hải đã chia sẻ về các dự án, đề tài mà Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đang thực hiện và mục tiêu hướng tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như các thành viên, hội viên của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. 

NatureWord ký kết đồng hành.

Tại phần thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông Phạm Hoài Trung, Trưởng Ban vận động Netzero 2025 Ứng phó biến đổi khí hậu, Azitch cũng có bài tham luận về Thực hiện ESG hướng đến phát triển bền vững; Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Ứng phó biến đổi khí hậu trao đổi tham luận về Phương pháp truyền thông về khí hậu, môi trường và xã hội của Al Gore; Bài tham luận Xu hướng chuyển đổi công nghệ xanh (Sử dụng biến tần trung thế, chuyển đổi nhiên liệu xanh Hydrogen, thu hồi nhiệt cho phát điện, sản xuất lạnh bằng máy lạnh hấp thụ) do PGS. TS Lê Nguyên Minh, Hội khoa học kỹ thuật lạnh và điều hoà không khí Việt Nam trình bày; Và, ý kiến tham luận của Ths. KTS Trần Thanh Vũ- Chuyên gia về giải pháp năng lượng...

Phát biểu kết luận, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Trưởng Ban tổ chức đánh giá cao các bài tham luận và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định, biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện. Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới sự phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top