Đổi mới sáng tạo là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống người dân. Đây cũng được xem là giải pháp tích cực, hữu hiệu giúp hạn chế những tổn thương kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong thời gian tới.
Sáng nay (19/5), Tạp chí Chất lượng Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Cơ hội và thách thức”.
Các vị khách mời tham gia chương trình tọa đàm
Xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đang đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế. Cụ thể, thời gian qua, nền kinh tế nước ta chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ... nhưng đây lại là thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi, việc dựa vào những lợi thế này không giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, thậm chí còn khiến chúng ta có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. Ngay tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ: “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc)...”.
Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của yếu tố đổi mới sáng tạo, là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống người dân. Đây cũng được xem là giải pháp tích cực, hữu hiệu giúp hạn chế những tổn thương kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội phát triển mới, đổi mới sáng tạo cũng đặt ra không ít thách thức cho các nền kinh tế. Vậy làm sao để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội một cách tốt nhất?
Đổi mới để thành công
Theo TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện tình hình thế giới có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ tới các quốc gia trên thế giới. Khoảng thời điểm 60 năm về trước, vòng đời của một tổ chức, doanh nghiệp vào khoảng hơn 60 năm. Tuy nhiên, cách đây 10 năm thì chỉ số vòng đời giảm chỉ còn 12-13 năm, hiện nay, chỉ số vòng đời của một tổ chức, doanh nghiệp chỉ còn khoảng dưới 10 năm. Điều này đặt ra yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, trong các tổ chức để tồn tại và phát triển bền vững.
Có thể thấy, đổi mới sáng tạo không chỉ là nhu cầu mà còn là công cụ thực tiễn để doanh nghiệp phát triển, nó cũng giống như câu chuyện 30 năm về trước chúng ta đặt ra yêu cầu về quản lý chất lượng. Để đón nhận làn sóng đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực thực sự cho tăng trường, thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL đã trình Bộ trưởng KH&CN xem xét một số chủ trương, chính sách, đề án quan trọng như:
Đầu tiên là sửa đổi hai luật: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá theo hướng gia cố và bổ sung thêm các biện pháp quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là bối cảnh chúng ta đang tăng cường công tác hậu kiểm, thực hiện các hiệp định FTA.
Chúng tôi cũng báo cáo Bộ KH&CN để xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, trong đó lấy công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 làm nền tảng. Sắp tới chúng ta sẽ có tiêu chuẩn về AI, dữ liệu lớn, IoT để đảm bảo hài hoà với quốc tế và phù hợp năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
TS. Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL.
Chúng tôi cũng trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia để kiện toàn năng lực theo hướng chuyển đổi số, có nghĩa là dữ liệu hoạt động này sẽ được chia sẻ, đồng bộ. Đây là đề án quan trọng để nâng cao năng lực, hạ tầng chất lượng quốc gia.
TS. Hà Minh Hiệp cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách để đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp thành công.
Số liệu thống kê cho thấy chỉ 6% CEO hài lòng về kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Do đó, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) - Ban kỹ thuật ISO/TC 279 đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo. Bộ tiêu chuẩn này gồm gần 10 tiêu chuẩn chia thành 4 nhóm kỹ thuật để quản lý một cách bài bản về đổi mới sáng tạo.
Bộ tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp suy nghĩ nghiêm túc và toàn diện hơn về hoạt động quản lý đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, khi doanh nghiệp chủ động quản lý các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ đảm bảo hơn về mối liên kết giữa hoạt động đổi mới sáng tạo và định hướng chiến lược của doanh nghiệp (bao gồm phân bổ nguồn lực, các chỉ số và theo dõi), tính linh hoạt, thích ứng của chiến lược và mục tiêu đổi mới sáng tạo gắn với các cơ hội, triển vọng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Văn hóa hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo được thúc đẩy thực hiện để tạo ra điều kiện thích hợp giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả, thúc đẩy các sáng kiến và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
“Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới và ISO 56000 là công cụ, giải pháp quản lý quá trình đổi mới sáng tạo có hiệu quả.
ISO 56000 là giải pháp mới khác nhiều so với các giải pháp chúng ta đang cải tiến hiện nay. Bộ tiêu chuẩn này xác định rõ sản phẩm đổi mới sáng tạo là gì, phân biệt sản phẩm đổi mới sáng tạo với sản phẩm sáng chế hay những sản phẩm từ nghiên cứu phát triển (R&D).
Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai thực hiện theo ISO 56000. Vấn đề quan trọng đầu tiên phải kể đến là con người, xây dựng văn hoá cải tiến trong doanh nghiệp, văn hoá tối ưu hoá nguồn lực, hệ thống, giải pháp... Tiếp đó là việc thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, giúp chúng ta tối ưu quá trình.
Các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác chỉ dừng ở mức cam kết nhưng riêng ISO 56000 có 3 mức cao hơn cam kết, đó là phải đưa đổi mới sáng tạo vào tầm nhìn, chủ trương, chính sách", ông Hiệp chia sẻ.
Cần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo
Phó giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Trần Văn Nghĩa cho biết, thực trạng ĐMST của nền kinh tế Việt Nam, theo tôi đã thể hiện khá rõ thông qua chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cho thấy Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Mặc dù giảm 4 bậc so với 2021 (xếp thứ 44), Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Thái Lan (thứ 43).
Báo cáo của WIPO năm 2022 cũng khẳng định chỉ số ĐMST của Việt Nam cao hơn so với phát triển kinh tế của đất nước và chỉ số sáng tạo GII của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước có mức thu nhập cùng với nước ta. Như vậy có thể thấy WIPO đánh giá rất cao đối với ĐMST của Việt Nam.
Về vấn đề liên quan đến thực trạng ĐMST của Việt Nam, theo tôi chúng ta có thể tham khảo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về khoa học công nghệ. Họ đã đánh giá khách quan vấn đề ĐMST của Việt Nam ít hơn so với kì vọng của phát triển kinh tế quốc gia cũng như so với các quốc gia có nền kinh tế tương đương trong khu vực.
Doanh nghiệp Việt Nam đang đổi mới sáng tạo nhiều hơn so với Malaysia, Indonesia, Thái Lan…, ít hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.
Theo ông Nghĩa, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của học viện để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo gồm:
Thứ nhất: Học viện thực hiện đổi mới chương trình và đa dạng hóa phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN (chức danh nghiên cứu, chức danh công nghệ).
Thứ hai: Đổi mới nội dung đào tạo, đưa ĐMST vào chương trình của các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp cho các tổ chức sự nghiệp KH&CN.
Thứ ba: Tăng cường xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo về KHCN&ĐMST cho doanh nghiệp.
Thứ tư: Tăng cường tương tác và tổ chức các khóa đào tạo về KHCN&ĐMST cho các địa phương theo đặt hàng.
Đổi mới sáng tạo cần rất nhiều yếu tố để thành công Ông Vũ Trọng Trung, Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển - Công ty CP Tập đoàn Austdoor cho rằng, việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ công nghệ tại các doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố để thành công, nhưng theo tôi có những yếu tố quan trọng như: Sự đầu tư và cam kết lâu dài: Đổi mới sáng tạo nói chung, ứng dụng công nghệ, chuyển đối số nói riêng là hoạt động dài hơi cần sự đầu tư và quyết tâm rất cao của Lãnh đạo doanh nghiệp cũng như toàn bộ tổ chức. Văn hoá đổi mới: Việc cải tiến, thay đổi cao hơn là sáng tạo, nếu chỉ hô hào sẽ rất khó mang lại hiệu quả, nó cần được xây dựng, duy trì, nhân rộng trong tổ chức như một nét văn hoá. Ở Austdoor chúng tôi may mắn có được điều này, là nền tảng quan trọng cho tư duy đổi mới và thực thi sáng tạo. Năng lực cốt lõi và khả năng triển khai: Việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cần dựa trên cơ sở có sản phẩm tốt, nguồn nhân lực tốt, mô hình kinh doanh phù hợp, đây cũng là thách thức mà các doanh nghiệp phải xác định rõ ngay từ đầu để có thể phát huy được đúng giá trị của công nghệ. |
Nhấn mạnh phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 định hướng lớn thời gian tới để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là “điểm sáng”, “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, giúp những người khó khăn phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.