Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 3 năm 2023 | 16:17

Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể gắn với vùng nguyên liệu sạch

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, các địa phương đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên trồng rau sạch theo phương pháp hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Thế Hùng)

Vĩnh Phúc: Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Xác định rõ kinh tế tập thể (KTTT) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều cơ chế, chính sách phát triển khu vực kinh tế này. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thị trường và phù hợp với xu thế hội nhập, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ V, BCH Trung ương Ðảng khóa XIII đã ra Nghị quyết số về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Đây là căn cứ và điều kiện để KTTT phát huy được tính năng động, phát triển hiệu quả, bền vững.

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 720 hợp tác xã (HTX), trong đó có 371 HTX đang hoạt động và 349 HTX có đăng ký thuế nhưng đã ngừng hoạt động; 15 HTX thành lập mới và 47 HTX giải thể.

Các HTX mới thành lập cơ bản tuân thủ quy định, nguyên tắc của Luật HTX năm 2012, phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, địa bàn, đáp ứng nhu cầu của thành viên và phù hợp với xu thế phát triển chung.

Toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX, trong đó có 1 liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động và thành lập mới, 1 liên hiệp HTX hoạt động với 38 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Doanh thu bình quân của một HTX năm 2022 đạt khoảng hơn 1,6 tỷ đồng/năm; lãi bình quân của một HTX khoảng hơn 230 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng hơn 51 triệu đồng/năm.

Một số HTX và THT phát huy được thế mạnh và sự năng động, mang lại hiệu quả cao như: Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, doanh thu bình quân mỗi HTX năm 2022 đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/năm.

Lĩnh vực tín dụng với 31 Quỹ tín dụng nhân dân, doanh thu bình quân đạt 12,6 tỷ đồng/quỹ/năm, lợi nhuận bình quân đạt hơn 1,2 tỷ đồng/quỹ/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng.

Lĩnh vực giao thông vận tải với 19 HTX giao thông vận tải đạt doanh thu bình quân mỗi HTX 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân mỗi HTX đạt 500 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 78 triệu đồng/năm…

Một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (huyện Bình Xuyên); HTX Rau an toàn Vân Hội xanh (huyện Tam Dương); HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (huyện Tam Đảo); HTX Rau an toàn Visa, xã Đại Tự (huyện Yên Lạc) với mô hình công nghệ cao, quy trình nông nghiệp an toàn…

Nhiều HTX đã áp dụng khoa học công nghệ hiện đại sản xuất, gắn hoạt động với các sản phẩm chủ lực của địa phương; liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ….

Tuy nhiên, việc phát triển KTTT, cụ thể là hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tỉ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh còn thấp. Việc chuyển đổi các HTX còn nhiều vướng mắc, chưa dứt điểm trong tổ chức lại hoạt động và giải thể các HTX yếu kém, ngừng hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Cơ chế, chính sách về hỗ trợ HTX của Trung ương được xây dựng, ban hành nhưng không có hướng dẫn cụ thể; công tác quản lý Nhà nước về HTX còn nhiều khó khăn, nhất là cấp huyện, xã…

Đa số các HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém; tài sản cố định xuống cấp; thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh; đội ngũ cán bộ quản lý không qua đào tạo, năng lực quản lý kinh doanh hạn chế…

Để đổi mới hoạt động các HTX, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển KTTT, tỉnh đã ban hành Đề án Đổi mới và phát triển KTTT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, Vĩnh Phúc dành gần 95 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện đề án bao gồm nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về phát triển KTTT, HTX, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng; củng cố hoặc giải thể những HTX hoạt động không hiệu quả; hướng dẫn các HTX xây dựng kế hoạch, phương án SXKD phù hợp.

Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm…

Đặc biệt, trước tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, bên cạnh triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh khuyến khích các HTX chủ động, nhanh chóng thích ứng, tìm ra những giải pháp, hướng đi phù hợp để hấp thụ tốt các nguồn hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết số 20, Chính phủ vừa ra Nghị quyết 09, ban hành Chương trình hành động. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội và Liên minh Hợp tác xã đối với KTTT.

Hoàn thiện khung pháp lý về KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng để nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT; xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.

Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu sạch

Nhằm bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng vùng nguyên liệu sạch gắn với mã số vùng trồng. Hiện nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản.

Vùng trồng chuối cấy mô ở xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) cho giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, huyện Ba Vì đang xây dựng vùng chuyên canh chuối 300ha ven sông Hồng, sông Đà tại các xã: Minh Châu, Chu Minh, Thuần Mỹ… cho giá trị từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Nụ, hợp tác xã trồng chuối sạch với quy trình khép kín, sử dụng phân bón là chất thải hữu cơ trong sản xuất. Cùng với xuất khẩu quả chuối tươi, hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối...

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Hà Như Huệ thông tin, Sơn La là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn của miền Bắc, với 82.805ha. Đến nay, toàn tỉnh có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường: Australia, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu và nhiều thị trường khác. Tổng diện tích cây ăn quả được gắn mã số vùng trồng xuất khẩu lên tới hơn 4.600ha, gồm các loại cây: Xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc ca; có 34 cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu. Việc được cấp mã số vùng trồng rất quan trọng đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp khi muốn mở rộng thị trường thông qua xuất khẩu.

Tại diễn đàn thúc đẩy số trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức gần đây, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa thông tin, các địa phương đang áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ và số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, cả nước có khoảng 4.600 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 300.000ha, gồm trái cây, lúa, cà phê, tiêu, điều, gỗ... và 2.000 cơ sở đóng gói ở 50 tỉnh, thành phố. Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với mã số vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị khi xuất khẩu.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch gắn với mã số vùng trồng có vai trò rất lớn nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn, do vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất sạch, chưa có thói quen ghi chép sổ sách, nhật ký đồng ruộng, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Để tháo gỡ khó khăn và mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy cho rằng, xây dựng mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu nên các địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng mã số vùng trồng là điểm trọng yếu để có thể bán được sản phẩm. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Ngô Thu Hồng, các địa phương cần hỗ trợ nông dân trong quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn sạch; phát triển vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn, như: Chuối, rau, cây ăn quả, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã làm chứng nhận sản phẩm VietGAP, hữu cơ, đạt chứng nhận OCOP… Với những vùng sản xuất này, sẽ góp phần tăng thêm nguồn nông sản chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2022-2023, cả nước hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung, với tổng diện tích khoảng 166.800ha, các tỉnh, thành phố cần phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh, thành phố cũng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu...

Thanh Hóa: Xây dựng vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp chủ lực

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thành đã ban hành kế hoạch, giải pháp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thị trấn Vân Du ưu tiên phát triển cây ăn quả chủ lực.

Huyện đã tích cực rà soát kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp chủ lực nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với đó, huyện đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030. Địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Các xã, thị trấn cũng rà soát và chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, mía, sắn... kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thành đã lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để đầu tư mới và hoàn thiện các công trình về thủy lợi, điện, giao thông nội đồng... phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung. Lấy khoa học - kỹ thuật là khâu then chốt, huyện đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và lâm sản chủ lực, nhất là liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Thạch Thành đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, như: Mô hình sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại các xã Thạch Quảng, Thành Vinh, Thạch Cẩm... cho năng suất bình quân hơn 80 tấn/ha; liên kết trồng bí xanh, ớt, dưa chuột xuất khẩu; trồng cam, bưởi ứng dụng hệ thống tưới và thâm canh (quy mô hơn 20 ha/mô hình) tại xã Thành Công và thị trấn Vân Du cho doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng/ha; trồng thanh long với quy mô 5 ha/mô hình tại các xã Thành Tiến, Thành Tâm; trồng mít Thái, ổi lê Đài Loan tại xã Thành Tâm cho doanh thu từ 150 - 200 triệu đồng/ha...

Cùng với phát triển trồng trọt, huyện Thạch Thành đẩy mạnh tái cơ cấu đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lợn tập trung, quy mô công nghiệp tại các xã Thạch Lâm, Thạch Tượng. Trong lâm nghiệp, huyện xây dựng phương án và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC đối với sản phẩm lợi thế là cây gỗ rừng trồng.

Huyện Thạch Thành phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 8%, sản lượng lương thực ổn định 53.000 tấn, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 136,5 triệu đồng/ha. Huyện cũng phấn đấu diện tích gieo cấy lúa đạt 8.700 ha, sản lượng lúa 48.698 tấn; rau, quả 2.300 ha, sản lượng 28.143 tấn; cây ăn quả 2.854 ha, sản lượng 57.080 tấn; mía 4.500 ha, sản lượng 317.190 tấn; đàn gia cầm 1 triệu con, thịt hơi 2.300 tấn, trứng 6,5 triệu quả; đàn lợn 350.000 con, thịt hơi 50.500 tấn; trâu 13.650 con, sản lượng 1.700 tấn; bò 9.407 con, sản lượng thịt 1.167 tấn; gỗ rừng trồng 12.487 ha, sản lượng 105.890m3... Để đạt được mục tiêu đó, ông Hoàng Minh Sơn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, cho biết: Ngành nông nghiệp của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cụ thể đến từng sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, xác định rõ vị trí, quy mô, sản lượng, giá trị, thương hiệu, định hướng thị trường tiêu thụ cho từng sản phẩm và định hướng phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Địa phương tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt.../.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top