Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 1 tháng 1 năm 2024 | 13:39

Đồng Tháp kỳ vọng từ Festival hoa - kiểng Sa Đéc

Giờ đây, làng hoa Sa Đéc (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã trở thành điểm đến thân quen để hàng triệu lượt du khách mỗi năm lựa chọn, chiêm ngưỡng, trải nghiệm không gian xanh mát, đầy màu sắc của cây, lá và hoa. Việc tỉnh này tổ chức Festival hoa - kiểng Sa Đéc sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, nét đẹp độc đáo ở đây, đặc biệt để kích cầu du lịch phát triển.

Làng hoa giá trị hơn 6.000 tỷ đồng

Tại lễ khai mạc Festival hoa - kiểng Sa Đéc, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, trong đời sống người dân Sa Đéc, hoa, kiểng là người bạn đồng hành trong hành trình vượt khó, thoát nghèo, làm giàu. Hoa, kiểng Sa Đéc giờ đây không chỉ là thương hiệu của một ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng, mà đã trở thành những tên gọi có tính biểu tượng cao, khẳng định giá trị, truyền thống, chất lượng, nét đặc sắc riêng của tỉnh.

Hoa, kiểng Sa Đéc mang lại giá trị kinh tế hơn 6.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phong, từ một làng hoa khiêm tốn, nay Sa Đéc đã mang hình hài, dáng vóc của một thành phố hoa; từ số lượng giống hạn chế và cung ứng sản phẩm trong phạm vi một tỉnh, một vùng, giờ đã có diện tích trồng hơn 3.000ha với hơn 2.000 giống hoa, kiểng, cung ứng hơn 12 triệu sản phẩm hàng năm. Hoa, kiểng Sa Đéc hiện diện ở tất cả các tỉnh thành Việt nam và đã bắt đầu hành trình vươn xa ra thị trường quốc tế. Sa Đéc cũng đã trở thành điểm đến thân quen để hàng triệu lượt du khách mỗi năm lựa chọn đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm, hoà mình vào không gian xanh mát, đầy màu sắc của cây, lá và hoa. Người nông dân trồng hoa kiểng Sa Đéc đang nỗ lực từng ngày, nhạy bén, năng động, sáng tạo để giữ lửa cho nghề, truyền nghề và phát triển, lan xa.

Festival lần này không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mà còn là cơ hội để kết nối, phát huy giá trị kinh tế ngành hàng hoa, kiểng, đưa sản phẩm hoa - kiểng Sa Đéc vươn xa và lên một tầm cao mới, ông Phong cho hay.

Với hơn 2.000 giống hoa, kiểng, mỗi năm Đồng Tháp cung ứng hơn 12 triệu sản phẩm ra thị trường.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá, Đồng Tháp đã trở thành điểm sáng của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư khi xây dựng chính quyền thân thiện, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp với nhiều mô hình mới, hiệu quả cao. Ngành du lịch của tỉnh Đồng Tháp đã tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách về một vùng đất với những con người nghĩa tình, năng động, sáng tạo, hiền hòa, thanh lịch và mến khách, góp phần tô đậm rõ nét hình ảnh đẹp của quê hương Đất Sen hồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Festival hoa - kiểng Sa Đéc nhằm tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp miệt mài của bao người gắn bó với cây hoa, từ người nông dân, hợp tác xã, các chuyên gia, nhà khoa học, đến cộng đồng doanh nghiệp; có cơ hội quảng bá những giá trị về các mặt hàng nông sản đặc sắc của địa phương. Đây cũng là dịp để tỉnh quảng bá thương hiệu du lịch và thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm và liên kết hợp tác, đưa thương hiệu hoa - kiểng, nông sản và du lịch Đồng Tháp tự tin cung cấp, đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra khu vực và thế giới.

Ông Trần Văn Tiếp, một người trồng hoa cho biết, làng hoa Sa Đéc có truyền thống hơn 100 năm tuổi, hiện nay có nhiều loài hoa được người dân trồng để bắt kịp xu thế thời đại. Bản thân gia đình luôn tự hào khi tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước và khát khao tìm những cái mới để làng hoa phát triển hơn nữa. Muốn phát triển nên làng hoa luôn tìm tòi, học hỏi. Mỗi một thế hệ phát triển một cách mạnh mẽ, sưu tầm liên tục để đổi mới phong cách cây hoa ở làng hoa Sa Đéc, do đó không bao giờ bị lỗi thời hay bị tẩy chay.

Kích cầu du lịch làng hoa kiểng Sa Đéc

Đến với thành phố Sa Đéc những ngày nay, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc cho từng chậu hoa, cây kiểng của mình để phục vụ vào dịp Tết Nguyên đán. Những loại được khách hàng đặt nhiều là sao nhái, xác pháo, dừa cạn, các loại hoa hồng cùng các loại hoa cúc đặc trưng của Sa Đéc như: cúc mâm xôi, cúc kim cương, cúc tiger... Đặc biệt, trong đó có nhiều giống hoa mới như cúc mâm xôi Hàn Quốc. Thay vì màu vàng như cúc mâm xôi truyền thống thì cúc mâm xôi Hàn Quốc sẽ có nhiều màu sắc tươi tắn, rực rỡ như đỏ, hồng, tím, thu hút khác du lịch năm nay đến làng hoa Sa Đéc.

Mỗi năm làng hoa đón hàng triệu lượt du khách đế chiêm ngưỡng.

Anh Nguyễn Phước Lộc, ở xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc cho biết, cơ sở của anh có số lượng hàng chục ngàn chậu hoa hồng, với trên 130 giống hoa hồng các loại; trong đó, hồng bản địa 30 giống, còn lại là các giống hồng nhập ngoại, đa số là hồng leo và hồng bụi được mua giống trực tiếp từ Pháp, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… Ngoài việc bán cây con, cơ sở của anh còn phục vụ tham quan du lịch.

Chị Thái Thuỳ Dương, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ, hay tin thủ phủ hoa kiểng lớn nhất miền Tây tổ chức lễ hội Festival Hoa - Kiểng nên gia đình tôi đã ghé thăm Sa Đéc từ rất sớm. Thật sự bất ngờ khi Đồng Tháp tổ chức lễ hội hoa hoành tráng như thế này. Tôi cũng từng tham quan nhiều nơi trồng hoa kiểng nhưng về Sa Đéc thấy mọi thứ khác hẳn bởi trong từng giỏ hoa như có tình người nên nhìn rất thấy có hồn và yêu thích hơn.

Theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp mong muốn, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng kết hợp với phát triển du lịch, tạo điều kiện để người dân đều được thụ hưởng lợi ích từ làng hoa, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh làng hoa Sa Đéc, tạo thêm điểm nhấn, sức hút với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm trong dịp Tết đến, xuân về.

Những người nông dân chung tay phát triển du lịch thì chúng tôi thấy rất hiệu quả. Người nông dân bỏ công ra trồng những cây hoa trên đất của mình tạo sắc màu, đem đến mùa xuân cho mọi người, cho du khách. Khi thấy những sắc xuân đang tràn ngập đến TP. Sa Đéc thì cũng thấy mùa xuân đã gần kề và chính đó mở ra một không khí mới, một sinh khí mới, bà Thu cho biết.

Để khai thác thế mạnh của đị phương gắn với du lịch, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Quyết định ban hành Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nhằm định vị hình ảnh địa phương gắn với 6 trụ cột trọng tâm phát triển của tỉnh, gồm: chính quyền, du lịch, nông nghiệp, cơ hội đầu tư, cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp.

Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống nhận diện thương hiệu, có biểu tượng, thông điệp, biểu ngữ hình ảnh đại diện cho toàn hệ thống chính trị, biểu ngữ cổ động tuyên truyền trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Đến năm 2027, hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: “Sen Tháp Mười”, “Xoài Cao Lãnh”, “Cá tra Hồng Ngự”, “Hoa Sa Đéc”, “Quýt hồng Lai Vung”, “Nhãn Châu Thành”. Đến năm 2030, Đồng Tháp trở thành điểm đến có thương hiệu mạnh của cả 6 trụ cột trọng tâm, có sức cạnh tranh lớn trong vùng ĐBSCL.

Quyết định nêu rõ định hướng xây dựng 4 không gian du lịch gồm: không gian du lịch Đất Sen hồng tại trung tâm TP Cao Lãnh; không gian du lịch sắc màu vùng biên tại TP Hồng Ngự; không gian du lịch thủ phủ hoa lấy TP Sa Đéc làm trọng tâm kết nối với 3 huyện: Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành; không gian du lịch Sen Tháp Mười tại các huyện: Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười.

Đồng thời, định hướng 13 loại hình du lịch; 7 bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp; 4 sản phẩm du lịch sinh thái; 4 sản phẩm du lịch văn hóa; 4 sản phẩm du lịch tâm linh; du lịch chính quyền; du lịch chăm sóc sức khỏe; sản phẩm công viên chuyên đề lúa, hoa và Sen; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề; du lịch “trải nghiệm cuộc sống vượt thời gian”...

Hiện, làng hoa Sa Đéc đã trồng hơn 100 ha hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán 2024, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông (324ha) và phường Tân Quy Đông (320ha). Toàn thành phố có khoảng 4.000 hộ sản xuất hoa, kiểng, chiếm khoảng 50% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; hơn 200 cơ sở kinh doanh hoa, kiểng. Sa Đéc có 4 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng, 10 tổ hợp tác và 3 hội quán hoạt động có liên quan đến ngành hàng hoa, kiểng.

Thủ phủ hoa kiểng lớn nhất miền Tây hiện có khoảng 2.000 chủng loại hoa, kiểng các loại. Trong đó, kiểng công trình, trang trí nội thất chiếm 65%, hoa các loại là 20%, kiểng cổ bonsai 15%. Các loại hoa phổ biến là cúc mâm xôi, hoa lưu ly, hướng dương, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, cát tường, dừa cạn, mẫu đơn, lan các loại… Cùng với các loại hoa, nhiều nhà vườn ở Sa Đéc có thu nhập cao từ nghề trồng kiểng như mai vàng, các loại kiểng lá, các loại kiểng cổ bonsai…

 

(Nguồn tổng hợp từ: Saigongiaiphong; vov; nhandan; baogiaothong)

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top