Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 8 năm 2023 | 9:22

Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023 giảm 15%

Dự báo tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ giảm 15%, ở mức xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD.

Hộ nông dân Nguyễn Văn Côn ở xã Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thạnh - Sóc Trăng) có 2,8ha nuôi cá tra thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản lượng hơn 400 tấn cá/ha/vụ. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy nhiên, một kịch bản xấu hơn là có thể giảm từ 20 đến 25% kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023. Đó là thông tin được bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại hội nghị An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức vào ngày 5/8.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường châu Âu đạt khoảng 88,4 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, thị trường Hà Lan là thị trường lớn nhất của Việt Nam giảm 29%.

Theo Phó Tổng thư ký VASEP - Tô Tường Lan, dựa vào tình hình 7 tháng của năm 2023, chưa có dấu hiệu phục hồi nào rõ ràng cho thị trường xuất khẩu cá tra những tháng tiếp theo. Một điểm bất thường không phải là sức mua mà là đơn đặt hàng từ các đối tác rất chậm tại tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Đề cập về giá cá tra xuất khẩu, bà Tô Tường Lan cho biết, mặc dù quý II/2023, cá tra xuất khẩu đã có sự cải thiện về giá so với quý I/2023 nhưng giá xuất khẩu vẫn đi theo chiều hướng ngang. Theo đó, trong tháng 6, giá cá tra trung bình xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 3,5 USD/kg, giảm 21% so với tháng 6 và tiếp tục giảm 4% so với tháng 5. Riêng giá cá tra vào Trung Quốc cũng đang giảm ở mức 2,2 USD/kg, giảm 13% so với tháng 6 và giảm 5% so với tháng 5/2023.

Mặc dù, đánh giá ngành hàng cá tra, đặc biệt là thị trường xuất khẩu không khả quan nhưng Phó Tổng thư ký VASEP cũng đưa ra "điểm sáng" khi thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam giảm thì riêng ở thị trường Đức đang tăng trưởng 39%, thị trường Anh tăng tương đối ổn định ở mức từ 2 đến 3%.

"Trong bối cảnh toàn bộ thị trường châu Âu rất trầm lắng thì thị trường Đức và Anh tăng trưởng là điều chúng ta cần suy nghĩ. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu sản phẩm nào từ cá tra đi vào được hai thị trường Đức và Anh; cách phân phối như thế nào để có sự tăng trưởng trong toàn bộ bức tranh của Châu Âu", bà Tô Tường Lan khuyến nghị.

Đại diện VASEP cũng dự báo trong nửa năm tới sẽ có sự phục hồi nhẹ tại thị trường Mỹ vì mức lạm phát đang hạ nhiệt, tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhiều hơn vào thời điểm cuối quý II và quý III, cũng là thời điểm tích trữ cho các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho các mùa lễ hội cuối năm; lượng tồn kho cá tra tại các nước đang giảm dần; giá thức ăn cá tra đang giảm giúp cho nông dân đẩy mạnh thả cá nuôi vào những tháng cuối năm chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.

Bên cạnh tình hình xuất khẩu cá tra còn nhiều khó khăn, tại hội nghị đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu lên một số vấn đề lo ngại về an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến cá tra. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng phát hiện một số cơ sở nuôi chưa đảm bảo điều kiện nuôi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Ngoài ra, quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi, cơ sở ương giống còn nhiều hạn chế.

Nhận định tình hình khó khăn của thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm ngành hàng cá tra nên tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng; xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

"Hiện nay tình hình ở châu Âu có nhiều suy thoái, lạm phát cho nên người châu Âu cũng hạn chế tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào những thị trường có tiềm năng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc", ông Nam gợi ý.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh rà soát, khắc phục lỗi trong đảm bảo an toàn thực phẩm cần được tập trung thực hiện để chuẩn bị cho Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sang kiểm tra vào ngày 7/8; các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy thị trường cá tra phát triển trong thời gian tới.

Các địa phương củng cố lại chuỗi cá tra và các doanh nghiệp hỗ trợ chuỗi cung ứng phải gắn với vùng nuôi ao nuôi và theo tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp để kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung.

Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường cần xây dựng kế hoạch triển khai điểm các chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm từ con giống, vùng nuôi sản xuất đến sơ chế, chế biến ở một số địa phương trọng điểm về nuôi cá tra như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ để thực hiện một số mô hình về chuỗi sản xuất.

Thu Hiền (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/du-bao-kim-ngach-xuat-khau-ca-tra-nam-2023-giam-15-20230805152304785.htm
Ý kiến bạn đọc
Top