Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 4 năm 2023 | 9:54

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: “Mũi tên” trúng nhiều đích

Theo Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili, du lịch đã được chứng minh là chiếc phao cứu sinh cho nhiều cộng đồng nông thôn, qua việc tạo công ăn việc làm cho người dân và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ.

Du lịch giúp các cộng đồng nông thôn gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo, khôi phục các phong tục hoặc bản sắc đã mai một. Tiềm năng to lớn của ngành Du lịch, bao gồm thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng nông thôn, nếu được phát huy toàn diện sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đã định hướng: Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo. Nhiều sản phẩm từ loại hình du lịch này đã được định danh, thu hút một lượng lớn du khách, nhất là khách quốc tế.

Các loại hình du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn (Rural Tourism) được định nghĩa là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã...; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn. 

Du lịch nông thôn có nhiều loại hình, ở Việt Nam thì có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái.

Trang trại Đồng quê Ba Vì chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 49 km.

Trong đó, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng là mô hình du lịch khai thác các nét nguyên bản chưa được khám phá hết trong cộng đồng; trong đó, cộng đồng địa phương là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho du khách, cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra (có thêm công ăn việc làm, thêm thu nhập), góp phần xóa đói giảm nghèo của địa phương (Du lịch cộng đồng ở Tây Bắc, Du lịch cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long).

Du lịch canh nông hay du lịch trang trại nông nghiệp là du lịch ở vùng nông nghiệp được canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao; là hoạt động trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi, bao gồm canh tác nông nghiệp, thưởng thức sản phẩm nông trại và lưu trú (du lịch trang trại trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch vườn chè ở Thái Nguyên, 1 ngày làm nông dân Hội An, Du lịch canh nông ở Lâm Đồng, du lịch trang trại cà phê ở Đắk Lắk...). Đặc biệt, du lịch canh nông là loại hình du lịch đặc sắc ở tỉnh Lâm Đồng, với các trang trại nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, trà... rất hấp dẫn. 

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch sinh thái là thưởng ngoạn thiên nhiên và có giá trị văn hóa kèm theo của quá khứ và hiện tại một cách có trách nhiệm, thúc đẩy công tác bảo tồn, ít tác động tiêu cực đến môi trường và tạo các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương ở các khu vực thiên nhiên còn tương đối hoang sơ. Hầu như địa phương nào cũng có loại hình du lịch sinh thái.

Trong những năm qua, khu vực nông thôn được ví như “mỏ vàng” để ngành du lịch đa dạng sản phẩm, thu hút du khách. Tuy nhiên, việc khai thác phân khúc này đang gặp vô vàn khó khăn khi chưa có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể.

Lợi ích kép

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Là Thủ đô, nhưng Hà Nội có diện tích canh tác nông nghiệp khá lớn và rất có tiềm năng để phát triển du lịch. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của bộ phận dân cư đô thị muốn được du lịch sinh thái, trải nghiệm. Chính từ nhu cầu này, tại nhiều quận, huyện ven đô, hàng loạt mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái đã ra đời phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân với cách thức hoạt động phong phú.

Một trong những mô hình được coi là thành công nhất chính là các trang trại kết hợp nông nghiệp - du lịch - giáo dục học đường với 11 đơn vị đang hoạt động. Các khu du lịch như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì)… đã là điểm đến của nhiều nhà trường khi tổ chức hoạt động ngoại khóa, du lịch sinh thái…

Trong khi đó, các đơn vị khác chủ yếu hoạt động theo phương thức: Nông nghiệp kết hợp tham quan và dịch vụ. Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, hiện cũng chuyển mình với nhiều trang trại du lịch sinh thái. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân - Nguyễn Hải Đăng cho biết, khi phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, tạo ra các không gian, vườn hoa, vườn cây và dịch vụ đi kèm thì nguồn thu chính không phải từ năng suất nông sản mà là từ dịch vụ du lịch.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Ngay tại bên kia bờ sông Hồng, trang trại sinh thái Chimi Farm 4 (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) là địa điểm vui chơi, nghỉ dưỡng ưa thích của người dân quanh vùng cũng như nhiều du khách từ nội đô tới trong dịp cuối tuần. Tại đây, khách tham quan được tham gia nhiều trải nghiệm như: Hái nho, hái dâu tây… tùy theo mùa. Trang trại còn có vườn rau xanh và bí ngô, vườn hoa hướng dương, khu nuôi thỏ, cừu, dê… để các gia đình đưa trẻ em đi khám phá. Khách muốn lưu trú cả ngày còn có thể thuê lều cắm trại. Các dịch vụ đi kèm cũng được chủ trang trại đáp ứng để làm hài lòng khách tham quan.

Anh Vũ Văn Lực, chủ trang trại Chimi Farm 4, cho biết, riêng khu vực trồng nho đã có diện tích 2,5ha với 1.000 gốc, gồm nhiều giống nho khác nhau, trong đó có loại nho đen không hạt của Nhật Bản. Khách du lịch đến thăm trang trại thường mua các loại hoa quả, rau xanh về, khiến trang trại có thể bán tại chỗ một lượng sản phẩm không nhỏ. 

Trong ký ức tuổi thơ của chị Dạ Ngân, chủ một homestay tại xã Gia Vân (Gia Viễn - Ninh Bình), đầm Vân Long nhiều năm về trước chỉ là vùng đầm lầy um tùm lau sậy, ít người qua lại, điện đóm, đường sá khó khăn. Người dân quê chị quanh năm phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và nghề mò cua, bắt ốc. 

Thế rồi, du lịch phát triển như thổi tới làng quê ven vùng Vân Long luồng gió mới. Chị chia sẻ: “Từ khoảng năm 2005, khi quê tôi có những vị khách du lịch nước ngoài đến tham quan và có nhu cầu ở lại nhà dân, tìm hiểu văn hóa vùng nông thôn Việt Nam thì du lịch mới thực sự bắt đầu. Khi đó, nhiều người nông dân vốn chỉ quen với việc chèo đò, chân lấm tay bùn đã học hỏi để làm du lịch, xây dựng các homestay… phục vụ khách nước ngoài. Bản thân tôi cũng đang làm chủ một homestay với quy mô 5 phòng nhỏ, ấm cúng và lúc nào cũng có khách đến lưu trú”. 

Vân Long là một trong những nơi hình thành và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đến nay, sau nhiều năm đi vào khai thác, mô hình này càng phát huy hiệu quả. Hơn ai hết, chính những người nông dân nơi đây cảm thấy thấm thía về những giá trị bền vững mà du lịch nông thôn mang lại. 

Ông Trần Văn Quang, Giám đốc HTX Du lịch sinh thái Vân Long (xã Gia Vân) cho biết: “Du lịch nông thôn phát triển đã mang đến nhiều lợi ích, không chỉ giúp người nông dân công việc ổn định với mức thu nhập gấp nhiều lần so với hoạt động nông nghiệp mà điều quan trọng đã giúp cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, gìn giữ, trở nên trong lành, tươi đẹp” và qua hoạt động này, tư duy kinh tế của người dân dần thay đổi, nâng cao. 

Để đẩy mạnh loại hình du lịch này phát triển, thời gian qua, HTX Du lịch sinh thái Vân Long đã tuyên truyền cộng đồng dân cư có diện tích đất, có nhu cầu làm du lịch tập hợp lại để tạo thành chuỗi liên kết du lịch. Theo đó, du khách đến đây sẽ được tìm hiểu các nét văn hóa của người dân bản địa, trải nghiệm các hoạt động với người nông dân như bắt cua, bắt ốc, trồng rau, gặt hái… Mô hình này đã phát huy tính cộng đồng của người dân, các thành viên trong HTX cùng nhau san sẻ trách nhiệm, cùng làm, cùng hưởng, tránh tình trạng tranh chấp khách và xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, nghĩa tình.

Ninh Bình hội tụ nhiều yếu tố về lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, ẩm thực, văn hóa đa dạng... Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với những tiềm năng đó, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương trong tỉnh. Xu hướng này không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt mà còn như một phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của quá trình phát triển kinh tế và mức độ đô thị hóa đang diễn ra ở các địa phương. 

Đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn thành một hướng đi mới 

Tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế hồi cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú mà không cần phải đầu tư nhiều.

Với diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. 

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất giàu bản sắc… người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên, nguồn tài nguyên lại chưa được khai thác hết và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau đại dịch Covid-19, không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng định hình lại các lĩnh vực trong đó có cả du lịch, giải trí. Chúng ta khó có thể quay lại như xưa và phải thích ứng với xu thế mới sau đại dịch với nhiều dịch bệnh khác còn diễn biến bất thường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan băn khoăn, trước và sau dịch Covid-19, vì sao chúng ta thích đi du lịch Thái Lan hơn và Thái Lan thu hút khách du lịch đông hơn? Phải chăng du lịch Thái Lan rẻ hơn và tạo được sự liên kết các điểm đến, hình thành các điểm du lịch vệ tinh kéo dài được hành trình trải nghiệm của du khách?

Trong bối cảnh lạm phát tăng, chi tiêu cá nhân hạn chế, khách du lịch sẽ tìm đến những nơi giá rẻ. Đây không còn là câu chuyện của riêng ngành du lịch, của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hay của các công ty du lịch mà của toàn bộ nền kinh tế phải san sẻ cho nhau. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một ngành kinh tế, một hướng đi mới sau đại dịch, không chỉ tập trung vào các đô thị lớn và khu du lịch lớn.

Hiện, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhờ phát triển du lịch, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách; giúp làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản của địa phương, nhất là sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông, suối, ao, hồ, làng chài... đều được kết nối thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm; tri thức, văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức.

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương cần chú ý tới quy hoạch. Quy hoạch cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả và phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, canh tác, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng, gắn với chuyển đổi số...

Trong đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đặc biệt, cần thay đổi cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở cả tầm quốc gia và địa phương; mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc nhằm thu hút du khách.

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top