Những năm qua, Lai Châu tập trung thực hiện các nghị quyết, đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng quy mô vùng. Qua đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Hiệu quả từ một mô hình
Những năm gần đây, xã Mường Kim (huyện Than Uyên) vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột - loại cây có năng suất, giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt đứng chân trên địa bàn, giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đi đầu trong thực hiện mô hình trồng dưa chuột ở xã Mường Kim là gia đình anh Lò Văn Nhơi ở bản Nà Dân. Với hơn 1ha ruộng nước, trước đây gia đình anh cấy 2 vụ lúa, song hiệu quả kinh tế thấp. Khi được lãnh đạo xã tuyên truyền, vận động chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích, mùa nào trồng cây đó, vụ trồng bí xanh, vụ trồng dưa chuột, khoai tây. Vụ này gia đình anh chuyển sang trồng dưa chuột theo quy trình VietGAP.
Anh Nhơi tâm sự: “Gia đình tôi trồng dưa chuột được 3 năm nay, mỗi năm trồng 2 vụ, mỗi vụ thu về khoảng 30 tấn, với giá bán trung bình từ 8 - 10 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí và thuê nhân công thu hái, thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập của cây dưa chuột đã giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Sau một thời gian trồng, tôi thấy trồng cây dưa chuột cho thu nhập cao gấp 7 - 8 lần so với cấy lúa, trồng ngô. Vụ sau gia đình tôi tiếp tục trồng dưa và nhân rộng diện tích”.
Nông dân bản Nà Dân (xã Mường Kim) thu hoạch dưa chuột.
Vụ dưa chuột năm nay, gia đình chị Lò Thị Thắm ở bản Nà Dân trồng 5.000m2 theo quy trình VietGAP. Hiện, gia đình chị đã thu hoạch được hơn 2 tấn quả, với giá bán trung bình 12 nghìn đồng/kg. Theo chị Thắm chia sẻ, trồng dưa chuột theo VietGAP đòi hỏi trồng phải cẩn trọng trong khâu bón phân, phun thuốc, thăm ruộng và phát hiện sâu bệnh. Vẫn từng ấy thời gian chăm sóc, nhưng trồng theo VietGAP còn làm tăng hiệu quả kiểm soát sâu bệnh hại, giảm chi phí sử dùng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người trồng và người tiêu dùng, nên giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, khi dưa thu hoạch đến đâu được Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt bao tiêu sản phẩm đến đó theo giá thị trường nên không lo về đầu ra, gia đình chị rất yên tâm khi trồng.
Dưa chuột là loại cây dễ trồng, thời vụ ngắn. Việc chăm sóc đơn giản, trước khi trồng bón lót bằng phân chuồng, sau khi xuống giống từ 10 - 15 ngày thì bón thêm lân, đạm. Trong quá trình chăm sóc chỉ cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, đảm bảo năng suất. Đặc biệt, chi phí đầu tư trồng dưa thấp, chủ yếu là phải bỏ công chăm sóc, cây leo đến đâu cần buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó và thường xuyên cắt tỉa các loại lá vàng, đốm héo nhằm tránh lây lan bệnh cho ruộng. Dưa chuột lớn rất nhanh, chỉ 1 - 2 ngày có thể đạt kích cỡ tiêu chuẩn nên cần thu hái thường xuyên.
Anh Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết: Lúc đầu khi xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột, chỉ có 1- 2 hộ ở bản Nà Dân trồng. Nhưng nhận thấy cây dưa chuột cho thu nhập cao, vụ này toàn xã có hơn 10 hộ tập trung ở các bản: Nà Dân, Nà Khương, tham gia trồng hơn 4ha, trong đó hơn 3ha được trồng theo quy trình VietGAP. Do phù hợp với chất đất nên cây dưa chuột được trồng trên địa bàn năng suất cao, ước đạt trên 120 tấn/ha. Toàn bộ diện tích được xã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt bao tiêu sản phẩm, với giá niêm yết trên thị trường.
Vì vậy, khi sản phẩm được làm ra không lo mất giá. Cây dưa chuột đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và dần trở thành loại cây trồng thế mạnh, thích hợp với đồng đất, tập quán canh tác của người dân địa phương. Bởi, chi phí đầu tư thấp và nguồn thu nhập cao. Để nâng cao giá trị cho cây dưa chuột, hiện tại xã vận động bà con trồng dưa theo hướng luân canh (một vụ trồng dưa chuột, một vụ trồng cây khác), vừa để tái tạo đất, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Nếu vụ sau bà con mở rộng diện tích, đơn vị bao tiêu sản phẩm cam kết tiếp tục mua toàn bộ dưa chuột cho bà con. Ngược lại, nông dân cũng phải cam kết đồng hành với doanh nghiệp để hướng tới hiệu quả cao nhất.
Mô hình trồng dưa chuột tại xã Mường Kim đang phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó, giúp nông dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Sử dụng đất hiệu quả
Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu) những năm qua đã góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất và giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Nhờ đó, tạo hướng phát triển kinh tế bền vững cho nông dân.
Mỗi dịp xuống bản Xéo Xin Chải, chúng tôi đều cảm nhận sự trù phú ở đồng đất nơi đây. Mùa nào cây trồng nấy, từ cánh đồng đến ruộng vườn đều phủ kín màu xanh của ngô, lúa, rau màu. Trưởng bản Vũ Văn Nhíp cho biết: Hiện, bà con trong bản đang tập trung trồng ngô vụ hè thu và chăm sóc ngô vụ xuân hè. Trước đây, các hộ chủ yếu canh tác vụ lúa mùa, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bản tuyên truyền, vận động thâm canh, xen canh cây ngô, rau màu. Nhờ vậy, hơn 50ha đất nông nghiệp, các hộ thi đua sản xuất với phương châm “không cho đất nghỉ”; thu nhập ngày càng cải thiện với bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.
Hay như bản Thành Công, với 40ha chè đang trở thành một trong những cây trồng thế mạnh, tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Chị Nguyễn Thị Nhàn chia sẻ: Gia đình tôi canh tác gần 1ha chè, mỗi lứa thu hoạch khoảng 40 - 50 tạ chè búp tươi. Gần 10 năm nay, từ cây chè đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, bình quân lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Gia đình tôi còn trồng 3 vụ ngô phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường.
Trên địa bàn xã San Thàng những năm gần đây có nhiều hộ dân chuyển đổi cây trồng, tạo sản phẩm nông nghiệp mới gắn với cải tạo vườn tạp và phát triển hàng hóa từ nghề nông. Đi dọc các tuyến đường, ngõ bản của xã, chúng tôi nhận thấy ngay cả những vị trí khó canh tác trên cánh đồng, nương đồi, vườn nhà, bà con đều tận dụng trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi.
Nhân dân bản Thành Công (xã San Thàng) trồng ngô vụ xuân hè.
Theo ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xã tập trung tuyên truyền, vận động, định hướng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng thâm canh tăng vụ. Ví dụ như 1ha đất chỉ trồng lúa một vụ, mỗi năm thu hoạch 50 triệu đồng nhưng thâm canh thêm vụ ngô hoặc hoa màu sẽ cho thu nhập gấp đôi hoặc hơn nữa. Một hộ rồi vài hộ thực hiện hiệu quả sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa. Đó là lý do hiện nay đất canh tác trên địa bàn xã đều được bà con tập trung sản xuất đảm bảo mùa vụ với đa dạng cây trồng. Xã cũng khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất theo nhu cầu và khả năng. Quá trình sản xuất, cán bộ nông nghiệp của xã bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con gieo trồng đúng khung, lịch thời vụ; áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch; chú trọng biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại. Hiện nay, nắng nóng kéo dài đúng thời điểm triển khai xuống giống vụ ngô hè thu, xã cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn cho cây trồng.
Xã San Thàng tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt 553,5ha, sản lượng đạt 2.797 tấn (riêng lúa 799,1 tấn, ngô 1.997,8 tấn); cây màu đạt 87ha với sản lượng 869,4 tấn. Đảm bảo có những mùa vụ thắng lợi, UBND xã chỉ đạo các bản tổ chức cho các hộ đăng ký giống cây trồng; nạo vét, tu sửa mương thủy lợi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh. Nhờ đó, hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,69%.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Lai Châu. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp có những bước phát triển vượt bậc khi nhiều mặt hàng nông sản chất lượng ngày càng khẳng định thương hiệu như: gạo, trà, miến dong, mật ong, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy… Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đặc biệt là áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng bệnh, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao.
Điển hình như gia đình anh Trần Đình Vượng ở bản Tân Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), sau nhiều năm nghiên cứu, đã chế tạo ra quạt oxi đặt dưới ao cá; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, có sử dụng phần mềm tưới nước của Công ty Rạng Đông Việt Nam để kiểm soát lượng nước tưới và độ ẩm cho đất trồng rau. Vì vậy, dù ở nhà hay ở ruộng rau, chỉ với một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, anh Vượng tưới được nước cho 0,7ha rau. Anh Vượng phấn khởi nói: Nhờ sử dụng hệ thống tưới nước tự động này, mỗi năm gia đình tiết kiệm được 10 triệu đồng thuê nhân công tưới nước cho rau, năng suất rau ngày một tăng lên. Mỗi năm, thu nhập bình quân của gia đình tôi từ bán rau, cá hơn 130 triệu đồng.
Nho hạ đen được trồng theo hướng sản xuất công nghệ cao trong nhà màng của Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu (huyện Phong Thổ) đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Hiện nay, chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp được ví là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu giúp nông dân sản xuất nhiều nông sản chất lượng với chi phí đầu tư thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Qua đó, tạo ra giá trị thặng dư của nền nông nghiệp số hướng đến phát triển kinh tế số. Điều này thể hiện rõ, không chỉ sử dụng các thiết bị thông minh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất mà nông dân Lai Châu tận dụng nền tảng số là các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, tìm thị trường cho sản phẩm, hình thành nên chuỗi liên kết giá trị bền vững.
Anh Đỗ Văn Tuấn, chủ vườn dâu tây A Đăng Farm (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) cho biết: Gia đình tôi trồng dâu tây nhiều năm nay; sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhằm giới thiệu sản phẩm dâu tây chất lượng, đảm bảo sạch và an toàn tới người tiêu dùng cả nước, chúng tôi tăng cường quảng bá trên facebook, zalo; kết nối với những đầu mối bán lẻ tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, dâu tây được khách hàng tin dùng; giá thành từ 100.000-200.000 đồng/kg tuỳ loại. Nhờ sử dụng công nghệ số, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng dâu tây mang lại khá cao; tiết kiệm chi phí, thời gian mang bán trực tiếp.
Được biết, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể là chú trọng tuyên truyền, đầu tư các trang thiết bị; triển khai ứng dụng phần mềm mã nguồn mở; tích cực tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực của ngành trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thuận lợi giao dịch. Cùng với đó, quan tâm công tác cấp mã số vùng trồng để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp 27 mã vùng trồng chuối ở các huyện: Phong Thổ, Tân Uyên, Sìn Hồ… với diện tích 4.219ha.
Trong năm 2023, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 2 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh kỹ năng bán hàng trên Tiktok shop, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet; tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Hỗ trợ cho 70 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thiết lập gian hàng để quảng bá, giới thiệu và bán 190 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử.
Ông Lê Xuân Tiến, Phó Giám đốc sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, sở tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 3096/KH-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lai Châu. Đến nay, đã hỗ trợ 208 cơ sở sản xuất nông nghiệp đưa 64 sản phẩm nông sản lên sàn posttmart.vn. Hướng dẫn doanh nghiệp, HTX xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác website thương mại điện tử, tham gia vào môi trường kinh doanh trực tuyến, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng khả năng giao dịch. Duy trì Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: gạo, trà… trên không gian số nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, HTX và góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Lai Châu.
Có thể thấy rằng, áp dụng chuyển đổi số đã thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp phát triển. Từ đó, tạo động lực, niềm tin cho nông dân Lai Châu tích cực đổi mới, sáng tạo với những mô hình kinh tế mới; sản xuất nhiều nông sản chất lượng, mang thương hiệu đặc sản riêng có của Lai Châu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, sử dụng.
Theo baolaichau.vn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.