Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 1 năm 2024 | 12:43

Đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất và chế biến gỗ

Tuyên Quang là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển ngành Lâm nghiệp; bán tín chỉ carbon; tạo đa giá trị từ rừng; đặc biệt, tỉnh đang triển khai lập Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”…

Để hiểu rõ hơn về các vấn đề trên, phóng viên KTNT có cuộc trao đổi với bà Mai Thị Hoàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang.

Với độ che phủ rừng trên 65%, Tuyên Quang đứng thứ 3 cả nước về độ che phủ rừng.

Tuyên Quang được biết đến là điểm sáng trong phát triển ngành Lâm nghiệp về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm lâm sản. Xin bà cho biết thêm về kết quả này?

Tuyên Quang có trên 448.000 ha đất lâm nghiệp, trên 426.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, (đứng thứ 3 cả nước). Đây là thế mạnh, là tiềm lực to lớn để tỉnh phát triển KT-XH. Những năm gần đây, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy tối đa tiềm lực theo hướng bền vững, hiệu quả. Đến nay, Tuyên Quang đã tạo lập được những thành tựu đáng được ghi nhận, tạo đà cho lâm nghiệp địa phương bứt phá trong thời gian tới.

Hàng năm, tỉnh trồng mới trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 1 triệu m3 gỗ (được đánh giá là đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng). Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay đạt trên 48.786,37 ha (đứng thứ hai cả nước).

Để huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ lâm sản, xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản cho xuất khẩu. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 8 nhà máy chế biến gỗ công nghệ hiện đại, với công suất lớn ước tính trên 1,2 triệu tấn/năm. GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt trên trên 1.842 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Tuyên Quang có những chính sách được cho là “cú hích” để phát triển kinh tế rừng, xin bà cho biết thêm về những chính sách mà tỉnh thực hiện thời gian qua?

Để có những kết quả trên, nhiều năm qua Tuyên Quang đặc biệt quan tâm đến các chính sách bảo đảm cho công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng hiệu quả, thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 1991 (trước 25 năm so với toàn quốc dừng khai thác rừng tự nhiên từ năm 2016). Gắn với đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ trồng rừng của Trung ương, tỉnh ban hành chính sách riêng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng rừng trồng như: chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, hỗ trợ lãi suất tín dụng để trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, cùng với nhiều chính sách tổng hợp để thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay đạt trên 48.786,37 ha (đứng thứ hai cả nước).

Ngoài ra, để góp phần tạo sinh kế bền vững và ổn định cho người làm nghề rừng, người dân sống gần rừng, tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân địa phương tham gia cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách của địa phương; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Qua thực hiện, có thể nhận thấy, đây là một trong những chính sách rất hiệu quả, có tính quyết định, căn bản giải quyết được cái gốc của vấn đề do yếu tố đặc thù gây khó khăn, cản trở lớn nhất đối với sản xuất lâm nghiệp.

Được biết, Tuyên Quang có trữ lượng carbon rất lớn lưu giữ từ rừng. Nếu bán được sẽ giúp người trồng có thêm nguồn thu và gắn bó với rừng hơn. Xin bà cho biết rõ hơn về tiềm năng, lộ trình của tỉnh trong việc bán tín chỉ carbon?

Với trên 426.000 ha rừng, Tuyên Quang có tiềm năng rất lớn về REDD+ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Từng bước khai thác tiềm năng và chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường bán tín chỉ các-bon rừng, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo công tác phát triển lâm nghiệp bền vững của địa phương (Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 26/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035). Mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết là: Bảo vệ đi đôi với phát triển, sử dụng rừng; nâng cao năng suất, chất lượng của từng loại rừng; khai thác bền vững các giá trị của rừng để phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ…

Để sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon rừng, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt tỉnh Tuyên Quang đã xác định là xây dựng và sẵn sàng triển khai thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, năm 2021, tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) để phát triển các dự án tín chỉ các-bon trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Giảm phát thải trong lâm nghiệp vùng trung du, miền núi phía Bắc, Việt Nam.

Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc do chưa có quy định cụ thể nên các dự án trên đến nay vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu.

Giai đoạn tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế; tranh thủ tối đa các nguồn lực của các nhà tài trợ quốc tế, tập trung thực hiện xã hội hóa và các nguồn lực khác trong hợp tác phát triển các dự án tín chỉ các-bon rừng để tham gia thị trường các-bon trong nước và quốc tế, bảo đảm khai thác và phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng của tỉnh, tuân thủ theo đúng quy định, hướng dẫn về tham gia thị trường các-bon của cấp có thẩm quyền.

Tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan có nói tới “phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng”. Xin bà cho biết, tiềm năng phát huy đa giá trị từ rừng ở Tuyên Quang, cũng như việc làm cụ thể của tỉnh thời gian tới để phát huy tiềm năng này?

Là tỉnh có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao; có khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trên địa bàn tỉnh rất phong phú, phân bố và biến động không đều theo không gian và thời gian… đây là lợi thế rất lớn để phát triển giá trị đa dụng của rừng như: nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; dịch vụ môi trường rừng; lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, …

Để phát huy tiềm năng và lợi thế trên, tỉnh Tuyên Quang đã từng bước triển khai một số nhiệm vụ.

Về phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp cho ngành chế biến gỗ: Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt 48.500 ha, bình quân trồng trên 9.700 ha/năm, trong đó phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha, năng suất rừng trồng đạt bình quân 22m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5.500.000 m3; bình quân khai thác trên 1.100.000 m3/năm.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 8 nhà máy chế biến gỗ công nghệ hiện đại, với công suất lớn ước tính trên 1,2 triệu tấn/năm

Về phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dược liệu dược liệu dưới tán rừng: Điều tra, đánh giá, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng; chú trọng phát triển các loài có giá trị kinh tế cao, mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 2.000 ha cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng, bình quân trồng trên 400 ha/năm.

Về chi trả dịch vụ môi trường: Tiếp tục thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng; đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng người dân địa phương.

Về dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí: Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong khu rừng đặc dụng, phòng hộ có nhiều tiềm năng để khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch; mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng ít nhất 05 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng.

Về dịch vụ lưu giữ các-bon: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) đề xuất Dự án thực hiện thí điểm phát triển dự án tín chỉ các-bon đối với rừng trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Giai đoạn tới tỉnh Tuyên Quang tranh thủ tối đa các nguồn đầu tư, tài trợ trong nước và quốc tế để tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon từ rừng. Từ đó từng bước góp phần hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 về chống biến đổi khí hậu, đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tỉnh đang triển khai lập Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” (gọi tắt là Đề án). Xin bà cho biết thêm về mục tiêu của đề án, cũng như những khó khăn, kiến nghị đề xuất với Trung ương khi triển khai thực hiện?

Hiện nay, dự thảo Đề án đã được hoàn thành và trình các cấp có thẩm quyền tại địa phương thông qua. Theo đó, “Xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ đạt được trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về CNC của Việt Nam và từng bước đạt chuẩn quốc tế; tạo được liên kết vùng trong sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển quốc gia và vùng Trung du và miền núi phía Bắc; bảo đảm đúng định hướng phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển lâm nghiệp của địa phương, quốc gia; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững dựa trên ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản; đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tuyên Quang và vùng Trung du và miền núi phía Bắc” là mục tiêu tổng quát và xuyên suốt của Đề án này.

Bà Hoàn trao đổi tại Hội thảo tham vấn dự thảo Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”.

Trong quá trình triển khai tỉnh còn gặp những khó khăn như: địa hình núi cao, độ dốc lớn, thung lũng đan xen phức tạp, diện tích đất bằng bị chia cắt; lượng mưa trong năm lớn lại phân bố không đều là nguyên nhân thường xuyên gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở khiến đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lâm nghiệp; nhận thức và kiến thức về lâm nghiệp còn hạn chế ở một số người dân ở vùng sâu, vùng xa…

Qua đây, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Đề án để Tỉnh có căn cứ tổ chức thực hiện. Đề án đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, ngoài thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án trọng điểm, đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm từ nguồn thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư về lĩnh vực lâm nghiệp của Trung ương.

Xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trao đổi!

 

Hoàng Văn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Top