Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 9 năm 2022 | 11:43

Đưa cây ăn quả lên sườn dốc, cách làm đột phá của Sơn La

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 240 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Toàn tỉnh đã được cấp 241 mã số vùng trồng, diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Hệ thống tưới tiết kiệm nước đạt 927 ha. Nhà lưới, nhà kính đạt 53 ha. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương đạt 5.041 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ đạt 16.542,9 ha cho 14.148 hộ gia đình. Sản lượng cá sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác đạt 1.598 tấn/năm. Sản lượng mật ong sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác đạt 364 lít/năm.

 

Hiện, diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt 84.000 ha.

 

Tại Hội thảo khoa học phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới diễn ra mới đây, Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 113.000 ha cây lâu năm, trong đó có 84.000 ha cây ăn quả; sản lượng quả năm 2022 đạt 436.956 tấn; đã tiêu thụ 291.072 tấn, giá trị đạt 3.572 tỷ đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 8,7 triệu con gia súc, gia cầm; sản lượng thịt hơi đạt trên 58,3 nghìn tấn; sản lượng sữa tươi đạt trên 75,7 nghìn tấn. Tỉnh có 2.960 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và trên 7.288 lồng nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản đạt trên 6.800 tấn.

Ngoài ra, đến nay, toàn tỉnh có 240 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm nông sản của Sơn La đã được đưa lên 35 sàn thương mại điện tử, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước, vùng lãnh thổ; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm OCOP. Tỉnh hiện có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản; 744 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Sơn La đã thu hút được các doanh nghiệp lớn quan đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả…

Cách làm đột phá

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương; đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế và điều kiện đặc thù của địa phương trong phát triển nông nghiệp.

Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, khí hậu và con người để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đa ngành, đa canh với nhiều loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực, khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp tỉnh.

 

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sơn La đã tiêu thụ 291.072 tấn hoa quả, giá trị đạt 3.572 tỷ đồng.

 

Sơn La đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng công nghệ mới, giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển các loại cây công nghiệp với quy mô diện tích lớn ở những vùng có điều kiện. Tỉnh đã xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu; cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 

Bên cạnh đó, là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản; thực hiện chuyên môn hóa mạnh mẽ; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn.

Đặc biệt, những mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La, giúp cơ cấu lại cây trồng, mở rộng quy mô trồng trọt, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, ông Thắng cho biết.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top