Ớt chuông là 1 trong 5 mặt hàng bi EU đưa vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này. (Ảnh minh họa: KT)
Trong đó, tại Phụ lục 1 là những mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: sản phẩm ớt chuông bị tần suất kiểm tra là 50%; mì ăn liền có gói gia vị, bột nêm hoặc nước sốt bị tần suất kiểm tra là 20%. Với tần suất trên thì 2 mặt hàng này vẫn giữ nguyên so với năm 2023.
Nhưng trong phụ lục 1 có bổ sung thêm mặt hàng sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.
Đối với phụ lục 2 là những mặt hàng nông sản, thực phẩm ngoài việc phải chịu tần suất kiểm tra biên giới còn phải bổ sung thêm giấy chứng nhận kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu. Việt Nam có hai mặt hàng là đậu bắp và thanh long với tỷ lệ tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Hai mặt hàng này cũng đã nằm trong thông báo của EU sáu tháng cuối năm 2023.
Như vậy, so với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, chúng ta có 4 mặt hàng gồm đậu bắp, mỳ ăn liền, ớt chuông, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra như giai đoạn trước. Chỉ riêng có mặt hàng sầu riêng thì bổ sung tần suất kiểm tra là 10%.Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam chỉ có ba lô hàng sầu riêng bị vi phạm quy định của EU. Vì vậy, phía EU đã đưa vào diện kiểm soát mặt hàng này.
Ông Ngô Xuân Nam cho biết, việc sầu riêng sẽ phải chịu tần suất kiểm tra 10% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Bởi trong thương mại nông sản, việc bị kiểm soát ở biên giới đối với các mặt hàng nông sản là chuyện bình thường. Các mặt hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng chịu sự kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ 2022. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào EU tăng mạnh nhất.
Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Cộng hòa Czech tăng hơn 28.000%, đứng thứ 4 trong số những nước nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Pháp tăng 32%.
Theo quy định của EU, định kỳ 6 tháng/lần, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu sẽ họp để xem xét đưa ra các quy tắc liên quan đến việc tăng/giảm tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu đối với một số thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc phi động vật từ một số nước thứ ba.