Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 7 năm 2024 | 15:5

Gai xanh, kỳ vọng là loại cây xóa đói, giảm nghèo

Trong những năm gần đây, với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nhiều địa phương ở Hòa Bình đã trồng cây gai xanh, một trong những cây trồng đang được nhân rộng, kỳ vọng là loại cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Triển vọng trồng cây gai xanh ở xã vùng cao Yên Hoà

Sau hơn 3 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây gai xanh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp người dân ở xã Yên Hòa (Đà Bắc) nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Cây gai xanh phát triển tốt, mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả thiết thực ở xã Yên Hoà (Đà Bắc).

Yên Hoà là xã vùng cao của huyện Đà Bắc. Xã có địa hình tương đối bằng phẳng, với các bãi đất rộng màu mỡ. Những năm trở lại đây, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có mô hình trồng cây dược liệu và gần đây là trồng cây gai xanh. Năm 2021, cây gai xanh được đưa vào trồng thử nghiệm tại xóm Lang. Đến nay, loại cây trồng này cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với những loại cây khác.

Gia đình anh Hà Văn Luân, xóm Lang trồng khoảng 5.000 m2 cây gai xanh. Trước đây, trên diện tích này gia đình chỉ trồng ngô, trồng sắn, hiệu quả kinh tế đem lại chưa được như kỳ vọng. Từ khi cây gai xanh được đưa vào trồng thử nghiệm, gia đình anh Luân đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây mới này. Với thổ nhưỡng phù hợp, kỹ thuật chăm sóc tốt, diện tích trồng gai xanh cho năng suất và thu nhập ổn định. Anh Luân phấn khởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp. Từ khi chuyển sang trồng cây gai xanh, thu nhập của gia đình nâng cao. So với cây ngô, cây sắn, trồng gai xanh cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần”.

Hiện nay, xóm Lang có 14 hộ trồng cây gai xanh, tổng diện tích trên 10ha. Theo Trưởng xóm Nguyễn Viết Hùng, qua hơn 3 năm trồng cho thấy, cây gai xanh dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Cây gai xanh trồng vụ đầu tiên sẽ cho thu hoạch sau 75 ngày. Khi thu hoạch chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau đó chỉ cần bón phân, làm cỏ. Các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 47 - 50 ngày. Cây gai xanh cho thu 4 lứa chính trong năm, nếu chăm sóc tốt có thể được 5 lứa và cho thu hoạch liên tục trong 10 năm.

Về đầu ra, hiện hợp tác xã ở thành phố Hòa Bình bao tiêu, thu mua gai xanh của người dân. Với giá thu mua 40.000 đồng/kg vỏ khô, tính ra mỗi 1 ha người dân có thể thu được từ 80 – 100 triệu đồng/năm, cao gấp khoảng 3 lần so với trồng ngô, sắn. "Gia đình tôi hiện trồng 9.000 m2 cây gai xanh. Nhờ vậy mà gia đình cải thiện được thu nhập, mỗi năm thu khoảng 50 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế đem lại, đây thực sự là cây thoát nghèo cho người dân”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Bùi Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Đà Bắc đạt 40,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,8%. Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, Yên Hoà đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có mô hình trồng cây gai xanh. Qua hơn 3 năm đưa vào trồng, cây gai xanh cho thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Do đó, trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích cây gai xanh để thay thế cây trồng kém hiệu quả.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, ngoài xã Yên Hoà, cây gai xanh đã được đưa vào trồng tại các xã: Tú Lý, Cao Sơn, Mường Chiềng, Đồng Chum, Đoàn Kết, Trung Thành với diện tích trên 95 ha. Để phát triển và nhân rộng diện tích, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì và phát triển ổn định, có hiệu quả diện tích đã cho thu hoạch. Cùng với đó nhân rộng mô hình ra các xã nhằm thay thế dần cây trồng kém hiệu quả, góp phần thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Đà Bắc giai đoạn 2021-2025.

Kỳ vọng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo

Trong những năm gần đây, với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nhiều loại cây trồng mới xuất hiện trên đồng đất xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, gai xanh là một trong những cây trồng đang được nhân rộng, kỳ vọng là loại cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Tháng 6/2021, ông Bàn Văn Tường, xóm Thung Dao Bắc là người đầu tiên đưa cây gai xanh về trồng với diện tích trên 2.000m2. Ông Tường cho biết: "Cây gai xanh dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Đối với cây trồng mới thường cho thu hoạch sau 4 tháng, các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 40 - 50 ngày. Trung bình 1 ha gai xanh cho thu khoảng 2 tấn vỏ khô, giá trị đạt từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Trong quá trình trồng, gia đình nhận được sự hỗ trợ về giống, máy tuốt, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình - đơn vị nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con”.

Nhận thấy trồng gai xanh có hiệu quả, hiện trên địa bàn xã Tú Sơn có gần 50 hộ trồng với tổng diện tích trên 30 ha. Gai xanh là cây đa tác dụng, vỏ dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp, lá dùng làm bánh gai, thức ăn cho gia súc, gia cầm. Lõi cây gai có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Mặt khác, cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng 8 - 10 năm. Điều quan trọng là toàn bộ vỏ gai khô được HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình thu mua với giá 39 nghìn đồng/kg. "Trước đây, với diện tích trên 2.800m2, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp, vận chuyển khó khăn. Hơn 2 năm nay, trên diện tích đất ấy gia đình tham gia mô hình chuỗi liên kết trồng cây gai xanh. Nhờ được chăm sóc chu đáo, đúng quy trình kỹ thuật, toàn bộ diện tích cây gai xanh đã trồng đều sinh trưởng, phát triển xanh tốt, đồng đều, cho năng suất, thu nhập ổn định, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô” - chị Bùi Thị Dụng, xóm Kim Bắc cho biết.

Để mở rộng vùng sản xuất trồng gai xanh, với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tú Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; chủ động phối hợp cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước và HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật và hỗ trợ gần 10 máy tuốt vỏ gai luân chuyển cho các hộ sử dụng.

Đồng chí Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: "Hiện, xã chủ yếu phát triển rộng diện tích trồng gai xanh tại Thung Rếch, bởi nơi đây có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Để bà con đồng thuận, tham gia nhân rộng mô hình, xã khuyến khích đảng viên làm trước, người thật, việc thật và hiệu quả thật. Lên Thung Rếch giờ đây bao trùm màu xanh bạt ngàn của gai xanh. Từ trồng gai xanh đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 lên 43,9 triệu đồng, vượt 2,1% kế hoạch, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 15,28%, giảm 4% so với cùng kỳ”.

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán… !

Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó, đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Nông dân xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc sơ chế cây gai xanh.

Nhắc đến cây gai xanh, nông dân vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi) thở dài ngao ngán bởi trong năm 2023, hàng hóa ứ đọng chờ đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm thu mua. Do điều kiện thời tiết nồm ẩm, người dân thường xuyên phải phơi nắng để tránh tình trạng ẩm mốc… Ông Triệu Kim Lập, hộ trồng gai xanh tại xóm Kim Bắc, xã Tú Sơn trăn trở: "Gần 2 năm trở lại đây, gai xanh trở thành cây trồng giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải trong cuộc sống. Tuy nhiên từ giữa năm 2023 đến nay, việc thu mua và thanh toán chậm kéo dài đến cả nửa năm. Trong khi đó trước đây chỉ sau 15 – 20 ngày kể từ thời gian thu mua là các hộ đã nhận được tiền lãi. Thực tế đó khiến tâm lý của các hộ lo lắng khi hàng hóa làm ra tiêu thụ chậm dẫn đến nguồn thu nhập bấp bênh”.

Theo rà soát, cây gai xanh được trồng tập trung ở vùng Thung Rếch tại các xóm: Kim Bắc, Thung Mường, Thung Dao Bắc từ năm 2021. Do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, từ năm 2023 đến nay, việc thu mua và thanh toán tiền đối với các hộ trồng gai xanh diễn ra chậm hơn so với cam kết. Theo đó, diện tích gai xanh trên địa bàn hiện còn khoảng 15 ha với 10 hộ trồng, giảm 5 hộ so với thời điểm ban đầu.

Mô hình trồng cây gai xanh được thí điểm từ năm 2021 do Công ty CP An Phước liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình triển khai tại các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Sơn, Kim Bôi với tổng diện tích trên 70 ha. Qua đó đã giải quyết việc làm cho nhiều gia đình, đồng thời cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Quá trình triển khai mô hình, Công ty CP An Phước đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình hỗ trợ nguồn giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm. Gai xanh là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương với địa hình thũng lũng, nhiều núi đá. Nền nhiệt trung bình dưới 300C sẽ giúp cây sinh trưởng tốt. Sau khi xuống giống khoảng 50 ngày là có thể thu hoạch. Thời tiết thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các hộ phát triển từ 4 – 5 lứa/năm.

Ông Lê Minh Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình cho biết: "Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đơn vị thu mua cây gai xanh là Công ty CP An Phước cũng gặp rất nhiều khó khăn, các chuỗi cung ứng hàng hóa đều bị đứt gãy. Do đó đã dẫn đến tình trạng chậm thu mua và thanh toán cho các hộ trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh. Tình hình xuất khẩu hàng hóa năm 2024 có những tín hiệu khả quan khi doanh nghiệp đã mở rộng thị trường sang Trung Quốc và các nước trong khu vực. Phía doanh nghiệp cũng cam kết với chúng tôi tiếp tục thu mua cây gai xanh theo đúng giá thành đã ký kết, đồng thời đảm bảo bao tiêu sản phẩm lâu dài, thanh toán theo đúng thời gian quy định. Từ đầu tháng 4 đến nay, HTX đã tiến hành thu mua hết sản phẩm còn tồn đọng và thanh toán toàn bộ tiền lãi cho các hộ trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hộ trồng và nhân rộng diện tích trên địa bàn”.

Cùng với việc Công ty CP An Phước và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo đầu ra ổn định, các hộ trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh cũng cần nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng. Thực tế cho thấy, sản lượng thu hoạch của các hộ hiện nay chỉ đạt từ 1 – 1,5 tấn cây khô/ha. Trong khi đó nếu thực hiện theo đúng quy trình và cây tăng trưởng tốt, sản lượng có thể thu về từ 4 - 5 tấn cây khô/ha, tổng thu ước đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các hộ trồng gai xanh cần chủ động nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để nâng cao giá trị cây trồng, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển và nhân rộng vùng nguyên liệu gai xanh trên địa bàn tỉnh.

Theo baohoabinh.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top