Sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản của Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam vẫn chưa khắc phục được những tồn tại theo khuyến nghị.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT ngay từ đầu năm mới 2023 đã nhanh chóng triển khai đồng bộ những giải pháp, thực hiện ngay “180 ngày hành động gỡ thẻ vàng EC”.
Đây là nhiệm quan trọng, cần làm ngay trước bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo sẽ bước vào cuộc suy thoái do áp lực tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Gấp rút ngay từ những ngày đầu năm
Hơn 1 tuần ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, Bộ Nông nghiệp và PTT tổ chức Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) và Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là động thái quyết liệt sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào đầu tháng 12/2022. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển vào cuộc rốt ráo hơn nữa, cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp phải vào cuộc, tổ chức thực hiện sâu rộng, tránh hời hợt, đánh trống bỏ dùi.
Gấp rút gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Theo EC, 5 năm qua, Việt Nam vẫn chưa khắc phục được những tồn tại về việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container. Đặc biệt, việc đáng lo ngại nhất là, vẫn còn tồn tại số lượng tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng. Theo EC, khung pháp lý quản lý, giám sát của Việt Nam là toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định vẫn chưa đồng bộ ở các địa phương.
Năm 2017, sau khi EC ra cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam liên tục giảm sau 4 năm. Trong giai đoạn 2017 - 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD.
Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép của thẻ vàng IUU và dịch Covid-19. Đến năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm đều tăng trở lại nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và công tác phòng chống dịch Covid-19 làm tăng giá xuất khẩu, tăng nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng, trừ cá tra. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt đến 11 tỷ USD, đây là con số ấn tượng.
Theo Tổng cục Thủy sản, kết quả làm việc với đoàn thanh tra EC lần thứ 3 đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua cũng như tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện đối với các khuyến nghị. Tuy nhiên, các tàu cá mất kết nối vẫn xảy ra, thực trạng này cũng được phản ánh qua công tác kiểm tra của lực lượng chức năng trong năm 2022, các tàu cá được lắp thiết bị giám sát hành trình đến 96,35%, nhưng nhiều tàu vẫn mất kết nối, chỉ trong tháng 1/2023 đã có tới 6 tàu bị Malaysia bắt giữ.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, một số địa phương đã có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU). Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa, việc giám sát đội tàu đã cải thiện đáng kể, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thủy sản gỡ thẻ vàng của EC, những nỗ lực trên là chưa đủ. Bởi, thực tế, việc thực thi nhiều quy định pháp lý mới hiện vẫn còn hạn chế và không đồng đều; ngoài ra, khâu truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu vẫn còn lỗ hổng. Điều đáng lo ngại nhất là còn số lượng lớn tàu cá bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.
Hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt giám sát
Trong năm 2023, để thủy sản được gỡ thẻ vàng của EC, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, các bộ ngành, địa phương cần phải phối hợp, quyết tâm hành động trong 180 ngày với mức cao nhất.
“Chúng ta đã phấn đấu trong 5 năm qua, được EC đánh giá là quốc gia rất tích cực và đang đi đúng hướng với sự chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia. Đợt này chúng ta quyết tâm hành động trong 180 ngày với mức cao nhất để có thể sớm gỡ được thẻ vàng với thủy sản. Trong kế hoạch này, đã chỉ rất rõ những việc các bộ ngành phải làm gì, địa phương phải làm gì để phấn đấu đến tháng 6/2023, khi đoàn thanh tra EC quay trở lại làm việc thì những khuyến nghị đã được thực hiện, mang lại kết quả tốt hơn”, ông Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) tại TP.Đà Nẵng ngày 3/2/2023.
Đồng bộ với quyết tâm của các địa phương, việc cần làm trước mắt là hoàn thiện khung pháp lý, trình ban hành Nghị định 26 và Nghị định 42 sửa đổi ngay trong quý 1/2023. Song song với đó, cần thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm quản lý, siết chặt công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm những tàu cá vi phạm, đảm bảo thủy sản được truy xuất nguồn gốc theo khuyến nghị của EC.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), nêu rõ, về quản lý đội tàu, các địa phương cần thống kê, phân loại toàn bộ tàu cá hiện có, hoàn thành đăng ký, đánh dấu, cấp phép, lắp thiết bị giám sát hành trình 100% tàu cá; Giám sát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU; Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập tại Đồn Biên phòng... Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với các lực lượng thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm 100% tàu cá vi phạm, xử phạt 100% trường hợp vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài và đưa thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tổng cục Thủy sản yêu cầu 100% lô hàng xuất khẩu đi EU và các nước khác cần truy xuất nguồn gốc có hồ sơ theo quy định; thống kê, phân loại các điểm lên cá hiện có; giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ tại địa phương; 100% tàu cá từ 15m trở lên phải vào cảng chỉ định bốc dỡ sản phẩm; thuyền trưởng phải báo trước 1 giờ và nộp nhật ký khai thác.
Ngoài ra, cần phải khắc phục, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, mạng máy tính đảm bảo hệ thống hoạt động tốt. Chất lượng nguồn nhân lực tại cảng và cán bộ chuyên ngành phù hợp để kiểm soát cần được đào tạo, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Phía EC khẳng định, chỉ gỡ thẻ vàng khi không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, tỷ lệ lắp đặt VMS của Việt Nam đã đạt trên 96% nhưng phải nói rằng, số lượng gần 4% còn lại là những tàu có nguy cơ cao, dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Quá trình thanh tra, kiểm tra xem xét kỹ lưỡng thì việc quản lý đội tàu và rà soát lại các hoạt động trên biển gắn VMS chúng ta còn rất nhiều thiếu sót; số lượng tàu mất kết nối một cách chủ động còn tương đối nhiều.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát và các địa phương, từng xã có tàu vi phạm để xử lý triệt để. Trong thời gian tới Bộ sẽ đánh giá, tổng kết lại chương trình thực thi IUU, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những đơn vị, những tỉnh thành làm chưa nghiêm để Chính phủ có biện pháp kỷ luật mạnh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.