Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tuần trước đạt 590 USD, nay có doanh nghiệp bán giá 660 USD mỗi tấn, mức kỷ lục từ năm 2008 tới nay.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cao. Ảnh: Hải Nguyễn
Thông tin về tình hình xuất khẩu gạo, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo nhảy vọt, đạt 4,24 triệu tấn gạo với trị giá 2,26 tỉ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ước tính của liên bộ, đến hết tháng 7.2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Trong đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tuần trước đạt 590 USD, nay có doanh nghiệp bán giá 660 USD mỗi tấn, mức kỷ lục từ 2008 tới nay.
Ông Đông phân tích sở dĩ giá gạo xuất khẩu tăng cao là vì ngay ở quý 1.2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng.
Bước sang quý 2, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế.
Trao đổi với Lao Động, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, gần đây, giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 11 năm, giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng theo, cụ thể tăng khoảng 15% trong vòng 4 tháng qua. Hiện nay, giá bán gạo của Việt Nam đang cao hơn gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn khá lớn.
"Với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, tôi cho rằng giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong 6 tháng cuối năm. Trong kịch bản xấu nhất, khi El Nino tiếp tục gây ra thiệt hại đối với vụ lúa thứ 2 trong năm tại các quốc gia châu Á, giá cao hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15 – 20%", ông Quang cho hay.
Trao đổi với Lao Động, GS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam cho hay, sở dĩ giá gạo của Việt Nam ngày càng cao là bởi từ doanh nghiệp cho đến người nông dân trồng lúa đều có ý thức về sản xuất sạch.
Thay vì bón nhiều phân đạm, phân hoá học như thời điểm trước, bây giờ bà con trồng lúa sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh trong sản xuất để tăng chất lượng lúa gạo, đồng thời bảo vệ đất tránh bị cằn cỗi, mất các vi sinh vật trong đất.
"Chúng ta có phương thức sản xuất lúa gạo sạch nên việc tiêu thụ gạo ngày càng thuận lợi. Các khách hàng của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia… rất thích gạo Việt Nam vì chất lượng, ngon cơm.
Ở Thái Lan chỉ có gạo mùa bán được giá cao lên tới 800 USD/tấn, song các loại gạo khác không ngon bằng gạo Việt Nam, giá rẻ hơn gạo Việt Nam", ông nói.
Theo laodong.vn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.