Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 3 năm 2024 | 13:27

Giá lúa, gạo giảm: Đâu là nguyên nhân?

Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với ngày 28/2. Đây là giá xuất khẩu thấp nhất trong 6 tháng qua. Cùng với đó, giá thu mua lúa ở ĐBSCL cũng giảm mạnh. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến giá lúa, gạo giảm?

Giá lúa, gạo giảm mạnh

Từ sau Tết đến nay, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm mạnh, có nơi giảm hơn 1.500 đồng/kg. Hàng trăm ngàn hécta lúa đông xuân ở đây đang đến kỳ thu hoạch, nhưng ở nhiều nơi thương lái bỏ cọc khiến nông dân khó tìm đầu ra.

Chị Lê Kim Mai (ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) phải đi tìm đối tác thu mua, thu hoạch, vận chuyển… gần 2ha lúa đã vượt quá thời gian thu hoạch gần 1 tuần. Chị Mai cho biết, giữa tháng Chạp năm 2023, một thương lái đồng ý mua lúa của gia đình với giá 8.700 đồng/kg và đã đặt cọc, thương lái trực tiếp thu hoạch. Tuy nhiên, sau tết, bên mua cho hay chỉ mua được với giá 7.400 đồng. Dù nỗ lực thương lượng với bên mua nhưng không có kết quả, gia đình tôi chấp nhận phương án tự thu hoạch, phơi sấy để chờ giá lúa lên.

Từ sau Tết đến nay, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm mạnh.

Tương tự gia đình chị Mai, hiện nhiều nông dân ở các địa phương ĐBSCL rơi vào thế khó khi bị thương lái bỏ cọc ở thời điểm lúa sắp đến kỳ thu hoạch. Nhiều nông dân cho biết, đành chấp nhận bán lúa với giá thấp, bởi kéo dài thời gian thu hoạch sẽ chịu rủi ro, thiệt hại đôi khi lớn hơn tiền đặt cọc.

Anh Quách Minh Khoa (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho hay, vừa bán lúa ST25 trên diện tích 4ha với giá 9.400 đồng/kg, dù giá hợp đồng với thương lái trước tết là 9.800 đồng/kg. Thương lái đòi bỏ cọc ở thời điểm lúa đúng ngày thu hoạch khiến gia đình tôi không thể trở tay. Để tránh rủi ro sau một mùa vụ tốn nhiều công sức, tôi chọn phương án an toàn, bán lúa với giá thấp hơn giá nhận cọc 400 đồng/kg. Với sản lượng gần 50 tấn lúa/4ha, tôi mất khoảng 20 triệu đồng.

Vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích gieo sạ hơn 45.000ha, năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha. Ông Nguyễn Hải Nam (huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình canh tác 1,6ha lúa, trước tết thương lái đặt cọc mua với giá 9.000 đồng/kg, tuy nhiên đến khi thu hoạch thương lái chỉ mua với giá 8.100 đồng/kg. Lợi nhuận thấp nhưng tôi vẫn chấp nhận bán để đảm bảo an toàn, bởi thời gian gần đây giá lúa không ổn định.

Tại Long An, ông Lưu Văn Ngà, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng, Long An) thông tin, một hộ trong hợp tác xã vừa thu hoạch bán hơn 200 tấn lúa với giá 8.300 đồng/kg cho thương lái, giảm 250 đồng/kg so với giá đặt cọc ban đầu.

Theo ghi nhận tại một số địa phương như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An…, phần lớn nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái, “cò lúa” đưa ra, thấp hơn 1.000-1.500 đồng/kg với giá nhận cọc, đồng nghĩa với việc nông dân thất thu khoảng 1-1,5 triệu đồng/tấn lúa so với hợp đồng ban đầu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến trung tuần tháng 2, cả nước đã gieo cấy được hơn 2,6 triệu ha lúa đông xuân, bằng 99,6% so cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa đã thu hoạch ước đạt 598.000 nghìn ha, bằng 97,8% cùng kỳ; sản lượng lúa ước trên diện tích thu hoạch đạt 3,2 triệu tấn, bằng 98,7% so với cùng kỳ; năng suất bình quân ước đạt 53,7 tạ/ha, bằng 101% cùng kỳ năm trước.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện trong vùng ngọt hóa, địa phương đã thu hoạch được 17.000ha, còn lại khoảng 12.000ha. Do hệ thống kênh rạch trong vùng khô cạn nên lúa thu hoạch không thể vận chuyển bằng đường thủy; trong khi đó đường bộ bị ảnh hưởng bởi sụt lún, xe tải không thể lưu thông, phải thuê xe gắn máy trung chuyển khiến gia tăng chi phí. Vì vậy, giá lúa trong vùng ngọt hóa thời gian gần đây giảm mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con.

Bà Trương Thúy Hiền, thương lái thu mua lúa ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) khẳng định, chúng tôi vẫn xem trọng chữ “tín” trong làm ăn, không mong muốn bỏ cọc hoặc “ép giá” bà con nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục giảm mạnh từ tết đến nay khiến thương lái liên tục thua lỗ nặng. Có thời điểm thương lái phải chấp nhận bỏ tiền đặt cọc để cắt lỗ. Theo bà Hiền, giá lúa, gạo giảm mạnh hiện nay là do các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu hạn chế mua vào vì chưa có hợp đồng mới để xuất khẩu.

Nhiều hộ dân chọn phương án an toàn, bán lúa với giá thấp hơn giá nhận cọc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long (Hậu Giang), cho rằng, việc giá lúa bật tăng từ 9.000-10.000 đồng/kg (giá lúa ST25 đến 12.000đồng/kg) vào những ngày trước tết là do một bộ phận thương lái “đón gió đặt cọc giá cao”. Tuy nhiên, khi vào chính vụ, giá lúa bình ổn trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, sau tết, khô hạn đến sớm, chi phí thu hoạch, vận chuyển lúa (nhiều nơi phải bằng ghe, xuồng) từ ruộng ra điểm tập kết cao. Do đó, thương lái khó thể mua giá cao như đã đặt cọc.

Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với ngày 28/2. Đây là mức giá xuất khẩu thấp nhất trong 6 tháng qua, sau khi giá gạo thế giới thiết lập mặt bằng mới kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường vào cuối tháng 7/2023. Các doanh nghiệp cho biết, giá gạo xuất khẩu giảm chủ yếu do Việt Nam bước vào vụ đông xuân thu hoạch rộ và các nước nhập khẩu có tâm lý muốn chờ giá xuống mới ký hợp đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do yếu tố tâm lý. Hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo biết rằng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên chưa vội mua vào nên chờ giá tốt. Trong khi yếu tố thời vụ đã trở thành quy luật từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn.

Cùng với đó, một trong những khách hàng truyền thống và mua gạo với số lượng lớn của Việt Nam là Indonesia vừa ký được hợp đồng 500.000 tấn vào cuối tháng 1 với Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Ngoài ra, những diễn biến gần đây trước kỳ bầu cử ở Ấn Độ cũng khiến các nhà nhập khẩu chưa vội “chốt đơn”.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta ước đạt 1,01 triệu tấn mang về giá trị 708 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 49,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2% so với năm 2022.

Kỳ vọng xuất khẩu gạo tăng trưởng năm 2024

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm 2024, trong khi lượng tồn kho toàn cầu chỉ còn 160 triệu tấn, vì vậy, nhu cầu gạo dự kiến vẫn duy trì mức cao.

Theo nhận định, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2024, giá gạo có thể hạ nhiệt nếu chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận có thể không đi cùng với diễn biến thuận lợi của xuất khẩu gạo, do giá thu mua lúa gạo vẫn đang ở mức cao và quy trình mua bán gạo từ người nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng thường qua nhiều bên trung gian.

Trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực tại nhiều nước vẫn rất cao. Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, ngày 26/2/2024, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan thông tin, Chính phủ Indonesia vừa mới quyết định tăng hạn thêm hạn ngạch nhập khẩu nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.

Đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với ngày 28/2.

Dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì tháng 03 và tháng 4 hàng năm. Với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn. Cho đến nay, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.

Theo Thương vụ, những ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng gạo khan hiếm tại các siêu thị đã xuất hiện.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường lên tới 80.000 ru-pi (tương đương 5,17 USD)/5kg so với mức giá trần Chính phủ ấn định chỉ là 69.500 Rp (4,45 USD)/5kg.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho rằng, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn).

Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này.

Đáng chú ý, nhà xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng hàng đầu thế giới là Ấn Độ gần đây cũng liên tiếp đưa ra hai thông tin quan trọng là gia hạn thuế xuất khẩu 20% vô thời hạn với gạo đồ và mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati). Đây là những thông tin tích cực cho nhà xuất khẩu đến từ Việt Nam khi khả năng xuất khẩu vẫn còn nhiều.

Một tin vui là ngày 30/1/2024, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu cho Berum Bulog, cơ quan hậu cần của Indonesia. Cùng với đó, Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Philippines về hợp tác thương mại gạo được ký kết. Những con số này thể hiện triển vọng tích cực của xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong năm 2024.

Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2024 vẫn là một năm đáng chờ đợi đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo khi nhu cầu tiếp tục duy trì và mặt bằng giá xuất khẩu được kỳ vọng neo ở vùng giá cao.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù diện tích lúa đang có xu hướng giảm, nhưng đối với kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha lúa. Sản lượng lúa thu hoạch trong năm 2024 theo ước tính sẽ đạt trên 43 triệu tấn và Việt Nam vẫn đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường đang có nhiều biến động.

Nội dung Chỉ thị nêu, năm qua, ngành lúa gạo đang còn nhiều hạn chế như chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào, giá cả chưa được kiểm soát, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo; chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Các tháng đầu năm 2024, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang. Tuy nhiên, các tỉnh ở khu vực ĐBSCL có tình trạng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp, còn người dân mong muốn giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của nông dân.

Chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường đang có nhiều biến động.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hai bộ là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics để đưa sản phẩm đến với các thị trường; nghiên cứu việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo.

Việc nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo là một trong các nhiệm vụ cần thực hiện, góp phần hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ thị, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cho các địa phương vùng ĐBSCL thu hoạch lúa theo đúng thời vụ. Bộ cũng phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng để cung cấp thông tin về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ lúa, gạo.

Bộ Công thương, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường gạo trong và ngoài nước; tìm cơ hội đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ mua bán lúa và xuất khẩu gạo. Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL…

 

Tổng hợp từ nguồn: Sggp; Anninhthudo; Vov; Hanoimoi

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

  • Thanh Hoá dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao

    Thanh Hoá dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao

    Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hoá thống nhất đề xuất nâng hạng 5 sao đối với 3 sản phẩm OCOP 4 sao từ cây cói của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh.

Top