Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 8 năm 2023 | 10:41

Giá lúa hè thu tăng cao, ĐBSCL tập trung gieo cấy vụ thu đông

Hiện, giá lúa vụ hè thu ở một số tỉnh ĐBSCL đang rất cao. Có địa phương giá lúa tươi bán tại ruộng đang được các thương lái đặt cọc từ hơn 7.000 đồng đến gần 9.000 đồng/kg. Trong khi một số địa phương khác sau khi thu hoạch vụ hè thu song đã khẩn trương gieo cấy vụ thu đông, nhiều địa phương đã tăng hàng nghìn ha.

Giá lúa tăng cao, người dân có lãi

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang hầu hết các giống lúa nông dân trồng đều bán được giá cao hơn cùng vụ năm ngoái từ 1.500 - 1.800 đồng/kg. Nhiều nơi thương lái đến tận ruộng để thua mua lúa của nông dân về cung ứng cho các doanh nghiệp (DN) xay xát đưa đi xuất khẩu. Đối với số diện tích lúa sản xuất theo mô hình liên kết, được DN đầu tư và bao tiêu đầu ra nên lợi nhuận vụ này càng tăng cao hơn, khiến cả DN và nông dân đều có lãi.

Trao đổi về giá lúa, ông Trần Thế Lân, ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ lúa hè thu này nông dân địa phương chủ yếu trồng 3 loại lúa: 5451, Nàng Hoa 9 và VD20. Dù năng suất vụ này chỉ đạt từ 6-6,5 tấn/ha nhưng do lúa giá tăng gần 2.000 đồng/kg so với cùng vụ năm ngoái, nên bà con nông dân địa phương rất phấn khởi, khẩn trương thu hoạch vụ mùa. Sau khi thu hoạch nông dân khẩn trương làm đất gieo sạ vụ tiếp theo.

Giá lúa hè thu mua tại ruộng ở ĐBSCL đang cao kỷ lục, từ 7.000 đồng đến gần 9.000 đồngkg.

Cũng theo ông Lân, vụ này năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, giá lúa thu mua lại tăng trong khi giá vật tư, phân bó giảm từ đầu vụ nên tính ra người làm lúa có lãi gần 2.000 đồng/kg. Hiện bà con đang khẩn trương thu hoạch tới đâu tranh thủ bơm nước làm đất gieo sạ vụ mới.

Về vấn đề này, ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã có 7 năm liền liên kết sản xuất với 32 HTX Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, sản xuất hơn 1.000 ha lúa VD 20 chia sẻ, đang trong thời điểm giá lúa tăng cao, nông dân bán trong thời điểm này sẽ có lãi lớn. Năng suất vụ hè thu này đạt từ 6,8-7 tấn/ha. Giá lúa lên cao nhất là các loại lúa xuất khẩu được như 5451, OM 18, đài thơm 18 nên nông dân có lãi từ 50-55%. Mô hình liên kết càng chứng tỏ hiệu quả khi vật tư đầu vào đã có giá ngay từ đầu vụ, giống, phân bón và kỹ thuật đều được DN hỗ trợ nên vụ nào cũng thắng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, diện tích lúa vụ hè thu năm nay toàn tỉnh có trên 40 nghìn ha canh tác, trong đó khu vực phía Đông gieo trồng hơn 21.000 ha. Để phục vụ chiến lược xuất khẩu, nông dân tỉnh Tiền Giang sản xuất các giống lúa đạt chất lượng cao; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo hướng GAP, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất để giảm giá thành.

Tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), nơi được xem là vựa lúa của tỉnh với gần 29.000ha lúa hè thu, thương lái tìm đến tận ruộng đặt cọc mua lúa tươi. Ông Nguyễn Hoàng Giăng (ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: lúa vụ hè thu năm nay có giá, nông dân có lãi trên 30 triệu đồng/ha.

Ông Lê Hải Đăng (ngụ xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết, diện tích lúa của gia đình tôi đã được thương lái đặt cọc từ tháng trước với mức giá 7.000 đồng/kg. Bây giờ bà con xung quanh đã bán với mức giá từ 7.600-7.700 đồng/kg tại ruộng. Giá lúa lên cao, nông dân sản xuất vụ thu đông năm nay rất phấn khởi. Nếu thời gian tới thời tiết thuận lợi, nông dân ở đây sẽ có thu nhập cao từ vụ lúa này.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu.

Theo thống kê, hiện có hơn 5.300ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn trổ chín. Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi thu hoạch sớm, dứt điểm lúa hè thu để phòng tránh thiệt hại do mưa bão… 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, giá lúa IR50404 ở mức 7.750- 7.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 đạt 7.800- 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 đạt 7.800- 8.200 đồng/kg. Giá gạo cũng đang ở mức cao, gạo Nàng Nhen 23.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 16.000- 18.500 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg… Đầu ra lúa gạo thuận lợi, giá cao đã giúp cho người nông dân có nguồn thu nhập khá, tạo động lực, niềm tin để thắng lợi những vụ mùa tiếp theo.

Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết, vụ lúa hè thu năm 2023, toàn huyện xuống giống được trên 16.431ha, chủ yếu là các giống lúa OM18, OM5451, RVT, Đài Thơm 8, đã thu hoạch được trên 4.000ha, năng suất bình quân đạt gần 6 tấn/ha. Giá lúa hiện nay dao động từ 6.700 - 7.100 đồng/kg. Với giá này, nhà nông có lời cao gấp đôi so với năm ngoái.

Ông Trần Vĩnh Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa hè thu 2023, tỉnh Sóc Trăng gieo sạ được 140.775ha (cao hơn kế hoạch 2.775ha), tập trung tại các huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị, huyện Châu Thành và thị xã Ngã Năm. Hiện đã thu hoạch được được 46.162ha, năng suất bình quân 5,7 tấn/ha.  Ông Nghi cho biết, giá lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong tháng 8/2023 tiếp tục tăng từ 50-300 đồng/kg, tăng hầu hết trên các nhóm giống lúa thường, lúa thơm nhẹ.

Nhiều địa phương tăng diện tích vụ thu đông

Trước tình hình giá lúa đang được thương lái thu mua ở giá cao khiến những địa phương đã thu hoạch song vụ hè thu hiện đang phấn khởi mở rộng diện tích gieo sạ lúa thu đông. Theo thống kê, hiện nhiều địa phương đã gieo cấy, tăng diện tích lúa vụ thu đông so với kế hoạch. Cụ thể, TP. Cần Thơ đã tăng trên 7.000ha, Kiên Giang có thể tăng 10.000-12.000 ha, nhiều doanh nghiệp bắt tay cùng nông dân xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa tiêu chuẩn cao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 25.400ha lúa thu đông, vượt gần 1.000ha so với kế hoạch đề ra. Vụ lúa này nông dân Hậu Giang chọn gieo sạ 2 giống lúa chủ lực là OM 18 và OM 5451. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đối với một số vùng có tập quán xuống giống lúa thu đông trễ so với khung thời vụ của tỉnh, nông dân cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 31/8 tới nhằm đảm bảo cho cơ cấu mùa vụ. Về giống lúa được nông dân chọn gieo sạ thì có 2 loại chủ lực, gồm: OM 18 và OM 5451.

Giá lúa tăng nên nông dân Hậu Giang phấn khởi mở rộng diện tích gieo sạ lúa thu đông (Ảnh: VOV).

Hiện, các trà lúa thu đông đang phát triển tốt, trong đó có hơn 1.200ha lúa thu đông gieo sạ sớm đang ở giai đoạn trổ chín, gần 8.000ha lúa đang ở giai đoạn làm đòng, diện tích còn lại ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và TNT huyện Phụng Hiệp cho biết, huyện Phụng Hiệp có tổng diện tích làm lúa Thu đông năm nay dự kiến khoảng 4.000ha. Theo dự báo của các ngành chuyên môn, năm nay, thời tiết khá bất thường, huyện Phụng Hiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân chuẩn bị tốt các đê bao, cống bọng cho tốt để khi có mưa dông sẽ bơm nước, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại khi xuống giống. Sau đó, khi xuống giống xong thì tình hình lũ cũng đe dọa, vì vậy, khuyến cáo bà con nông dân nên chuẩn bị tốt các phương án để bảo vệ tốt diện tích lúa thu đông.

Ông Bùi Quốc Duy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thông tin, đến trung tuần tháng 8, nông dân trong huyện đã gieo sạ lúa thu đông 2023 được 27.634 ha, vượt gần 6.000 so với kế hoạch. Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, nông dân tích cực chăm sóc, phát triển tốt. Cơ cấu giống vụ thu đông chủ lực là OM 18, OM5451, chiếm phần lớn diện tích, còn lại là OM 34, IR 50404.

Theo ông Duy, các vụ lúa trong năm 2023, huyện đã tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, gắn với hợp đồng liên kết tiêu thụ của các doanh nghiệp. Cụ thể vụ đông xuân 2022-2023 thực hiện được 31 cánh đồng lớn, với tổng diện tích ký hợp đồng bao tiêu đầu ra đạt 2.674 ha. Vụ hè thu 2023 thực hiện 19 cánh đồng lớn, tổng diện tích bao tiêu 2.552 ha. Các đơn vị tham gia gồm Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Công ty Xuân Phương Kiên Giang, Công ty Agimex An Giang, Công ty TNHH Gạo Việt Cần Thơ, Công ty Vĩnh Hòa.

Tương tự, nông dân huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cũng gieo sạ được hơn 26.500/24.500 ha, vượt 2.000 ha so với kế hoạch. Đây là hai địa phương có diện tích lúa thu đông tăng mạnh tại Kiên Giang. Nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, với việc nông dân tích cực đầu tư sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xuống giống, khả năng vụ lúa này sẽ vượt kế hoạch từ 10.000-12.000 ha, đưa diện tích lúa thu đông toàn tỉnh đạt 83.000/71.200 ha theo kế hoạch ban đầu.

Nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tích cực xuống giống lúa thu đông 2023, đến nay toàn huyện đã tăng diện tích gần 6.000 ha so với kế hoạch (Ảnh: Kim Anh).

Bên cạnh việc tăng diện tích, tỉnh Kiên Giang còn tập trung tổ chức sản xuất cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã tổ chức sản xuất được 1.334 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 167.225 ha. Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ với diện tích 120.696 ha. Riêng vụ thu đông 2023, các địa phương tổ chức sản xuất được 73 cánh đồng lớn với diện tích 8.427 ha, có 71 cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ với diện tích 7.998 ha.

Tại TP. Cần Thơ, ghi nhận thực tế trong vụ thu đông 2023, đến nay diện tích xuống giống của địa phương này đã tăng 12% so với kế hoạch, đạt 67.400/60.300 ha (tăng hơn 7.000 ha). Ngành nông nghiệp thành phố dồn sức chỉ đạo sản xuất cho 2 vùng trồng lúa trọng điểm. Cụ thể là vùng diện tích đã rà soát đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và vùng sản xuất lúa tập trung ở 3 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai.

Vụ lúa vụ hè thu mua với giá cao, việc người dân và các địa phương có chủ trương tăng diện tích gieo cấy vụ thu đông là rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng diện tích người dân cần chủ động và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất, chăm sóc đúng quy trình, phòng trừ các loại sâu bệnh hại không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, tránh việc tăng diện tích nhưng năng suất và, chất lượng giảm.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top