Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 7 năm 2023 | 15:16

Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm

Xung đột giữa người nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến rất lớn, hệ thống thủy lợi quá cũ, Bạc Liêu đang xin triển khai dự án ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, lấy nước phát triển nuôi tôm.

Ngày 21/7, tại Bạc Liêu, báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" với sự tham gia của lãnh đạo Cục Thủy sản, ngành nông nghiệp nhiều tỉnh, thành, và đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp hợp tác xã, nông dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. 

"Nuôi tôm quan trọng nhất là nguồn nước, nước có sạch tôm mới phát triển tốt. Nếu nguồn nước thải từ ao tôm bị ô nhiễm, người dân lân cận cũng bị ảnh hưởng theo, dịch bệnh sẽ tác động lại đối với đầm tôm mình", anh Nguyễn Văn Đông (hộ nuôi tôm tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) chia sẻ. Theo quy trình ít thay nước, anh Nguyễn Văn Đông đã nuôi tôm đạt 33 con/kg sau 90 ngày - Ảnh: THANH HUYỀN

Sớm đưa Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, đây là dịp thuận lợi để Bạc Liêu và các tỉnh có thể trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp để quản lý tốt vấn đề môi trường.

Theo ông Thiều, với diện tích trên 140.000ha, Bạc Liêu là một trong ba địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước với sản lượng đóng góp hằng năm từ 20 - 21%.

Đến nay, Bạc Liêu có 25 công ty và trên 800 hộ dân tham gia, với tổng diện tích trên 4.600ha và 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đã xác định và đưa ra nhiều giải pháp để sớm đưa Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

"Nghề nuôi tôm phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng, từ đó tạo nên một thách thức lớn không chỉ Bạc Liêu mà đối với các tỉnh thành, đó là bài toán về môi trường. Nếu như chạy theo lợi ích kinh tế mà vấn đề về ô nhiễm không được xử lý tốt thì sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong tương lai", ông Thiều nhận định.

Cũng theo ông Thiều, xung đột giữa người nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến rất lớn, hệ thống thủy lợi quá cũ, không đáp ứng yêu cầu. Việc lấy nước gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Bạc Liêu đang xin triển khai dự án ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, trữ ngọt kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, lấy nước ngọt từ Phụng Hiệp về. Nuôi tôm thời tiết nóng quá tôm không lớn, nước mặn quá cũng không được. Nên người dân hiện nay khoan giếng nước ngầm lên pha loãng với nước mặn để nuôi tôm", ông Thiều nói thêm.

Còn rất xa mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD/năm

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hữu - Phó phòng Nuôi trồng Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, theo Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỉ USD.

Tuy vậy, thực tế năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha (tôm thẻ chân trắng: 115.000ha; tôm sú 622.000ha); sản lượng: 745.000 tấn (tôm thẻ chân trắng: 474.000 tấn; tôm sú: 271.000 tấn); nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỉ USD.

"Bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản; hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp... đây là hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá trị ngành tôm", ông Hữu nhận định.

Tôm giống bệnh không biết kêu ai

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, quy chuẩn xét nghiệm con tôm giống hiện nay còn nhiều bất cập. Hiện nay, mình xét nghiệm không đủ mẫu, lấy mẫu không đại diện. Việc lấy mẫu xét nghiệm theo phương pháp PCR, AND không nhạy. Trong xét nghiệm để phát hiện tôm giống nhiễm EHP, theo quy chuẩn hiện nay thì không thể phát hiện được tôm nhiễm bệnh.

Theo ông Mỹ, theo quy chuẩn hiện nay, mua 1 triệu con tôm giống chỉ lấy 27 con xét nghiệm, nên không chính xác được.

"Bởi vậy khi người nuôi mua con giống đem về, có đủ 2 - 3 giấy chứng nhận, đảm bảo con giống sạch bệnh của công ty sản xuất giống và Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhưng sau khi nuôi được 30 - 40 ngày tuổi, tôm bị bệnh, lúc này nông dân lãnh đủ, không biết kêu ai", ông Mỹ khẳng định.

Để giải quyết tình trạng này, giúp người nuôi mua được con giống sạch bệnh, ông Mỹ kiến nghị cơ sở cung cấp giống cần minh bạch, rõ ràng hơn. Cơ quan kiểm dịch cần có trách nhiệm hơn, nhà khoa học cần vào cuộc sớm hơn để giúp bà con nông dân.

"Nhà nước cần giám sát tích cực hơn, nhất là phải chỉ đạo các cơ quan chức năng buộc các cơ sở cung cấp giống có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nuôi khi con giống bị nhiễm bệnh, chứ đừng để mặc người nuôi như hiện nay, rất tội nghiệp", ông Mỹ yêu cầu.

Đồng tình, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ý kiến của ông Mỹ rất hay. Quy chuẩn và quy trình xét nghiệm tôm hiện nay lạc hậu và còn nhiều bất cập, do vậy đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tháo gỡ cho ngành tôm Việt Nam.

Cần đầu tư mạnh cho hệ thống thủy lợi, xử lý nước

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện trạng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển ĐBSCL, hệ thống kênh thiếu đồng bộ, lộn xộn, manh mún… Do đó, nếu giữ nguyên tình trạng này để xây dựng vùng nuôi hiệu quả, bền vững là không thể được, chỉ có thể chấp nhận thực trạng này với điều kiện là vùng nuôi trồng thủy sản quảng canh.

"Muốn nuôi tôm thâm canh hiệu quả thì người nông dân phải hợp tác cùng nhau, xây dựng lại đồng ruộng với đầy đủ công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng khép kín. Do đặc thù là vùng ven biển nên việc nuôi tôm hiện nay rất cần các hầm trữ nước ngọt cho vùng nuôi ở Cà Mau, Bạc Liêu", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu thủy sản 2, những năm gần đây sản lượng tôm tăng cao, diện tích một số tỉnh phát triển mạnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Bến Tre. Tuy nhiên, nguồn nước phát triển nuôi tôm ở ĐBSCL chủ yếu lấy từ kênh rạch đang bị ảnh hưởng nhiều bởi ô nhiễm, nhiều vi khuẩn vượt ngưỡng cho phép. Nếu không xử lý tốt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với người nuôi tôm.

"Nuôi tôm muốn bền vững thì phải thân thiện với môi trường, đầu tư hệ thống thủy lợi, xử lý nước. Tuy nhiên, làm theo cách này thì phải tốn nhiều chi phí cần được đầu tư, hỗ trợ về vốn", ông Tùng nhận định.

P.V (tổng hợp từ tuoitre.vn)

Ý kiến bạn đọc
Top