Nhiều sản phẩm của nông dân miền Trung đạt chuẩn OCOP nhưng lại gặp khó trong tiêu thụ. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP?
Đặc sản ổi Nghĩa Đàn loay hoay đầu ra
Nghĩa Sơn được cho là thủ phủ ổi của Hhuyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Toàn xã hiện có 150 ha ổi, rải đều tại các xóm, trong đó, 2 xóm Sơn Thượng và Sơn Hạ có diện tích lớn nhất, với khoảng 80 ha.
Ổi Nghĩa Đàn dù đạt năng suất tốt, tuy nhiên đầu ra đang gặp khó khăn. Ảnh: Q.A
Cây ổi được trồng tại đây phát triển khá tốt do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, giống ổi được trồng ở đây có nhiều đặc tính tốt như thời gian trồng và sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu quả và ít sâu bệnh, năng suất có thể đạt 15 - 20 tấn/ha.
Tuy nhiên bà con trồng ổi ở đây vẫn mang trong mình một nỗi lo canh cánh đó là khâu tiêu thụ. Bà Phan Thị Hạnh - hộ trồng ổi tại xã Nghĩa Lâm chia sẻ: Trăn trở nhất của bà con trồng ổi là khâu tiêu thụ phập phù, giá cả bấp bênh. Cách đây 2 năm, giá ổi giảm chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, dù giá có cao hơn nhưng số lượng ổi tiêu thụ được vẫn chưa nhiều.
Trước việc người dân trồng ổi manh mún, nhỏ lẻ, vốn ít, dễ bị thiệt thòi khi tham gia thị trường, nên năm 2023, Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ ổi Nghĩa Sơn được thành lập với 18 hộ dân. Các hội viên đã được tập huấn đầy đủ và siết chặt quy trình trồng, chăm sóc ổi an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tiến đến nâng cao giá trị sản phẩm ổi địa phương. Cũng trong năm 2023, ổi của Tổ hợp tác đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, nhưng việc tiêu thụ vẫn chưa có sự đột phá.
Ông Nguyễn Văn Danh - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ ổi Nghĩa Sơn chia sẻ: "Suốt 1 năm qua, chúng tôi cùng với chính quyền địa phương đã liên tục tìm kiếm, kết nối, mong muốn đưa ổi vào các siêu thị, các chuỗi cung ứng lớn, tuy nhiên, vẫn chưa thể ký kết với đơn vị nào dù ổi được trồng đúng quy trình, có tem nhãn đầy đủ, được đầu tư lớn. Hiện nay, đầu ra chủ yếu dựa vào thương lái, nếu họ không đến thu mua thì bà con phải tự liên hệ với các mối quen và bán lẻ...".
Nhiều sản phẩm vẫn còn ách tắc đầu ra
Bên canh những quả ổi được trồng tại Nghĩa Đàn, trên địa bàn của tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều sản phẩm OCOP gặp khó khi tìm đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Công nghệ đang dần thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng, nên cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP cần thích ứng kịp thời. Ảnh minh họa
Đơn cử như sản phẩm miến gạo và bánh đa tại làng nghề Quy Chính ở thị trấn Nam Đàn, sản phẩm miến gạo đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Nhưng theo nhận định của người làm nghề thì sản phẩm vẫn chưa có sức bật như kỳ vọng, kênh tiêu thụ chủ yếu vẫn ở các cửa hàng sạch, các khách quen.
Theo Chị Nguyễn Thị Thanh - đại diện Tổ hợp tác sản xuất miến gạo chia sẻ: Sản phẩm miến gạo đang vấp phải sự cạnh tranh lớn trên thị trường. Chúng tôi phải chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, thực hiện đúng các quy định để được cấp các giấy chứng nhận, chưa kể công đóng gói, bao bì để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, những loại miến trôi nổi trên thị trường với giá bán thấp hơn nhiều so với giá miến của chúng tôi, nên không cạnh tranh được.
Ngoài ra sản phẩm bưởi An Ngãi tại xã Tân An, huyện Tân Kỳ hiện cũng đang loay hoay tìm kiếm đầu ra. Sản phẩm này được công nhận OCOP 3 sao năm 2021, theo ông Cao Tiến Thìn – Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Trong năm qua, bưởi An Ngãi gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ không ổn định, với giá chỉ từ 12.000 – 15.000 đồng/quả, trong khi giá bán thực tế phải trên 30.000 đồng/quả bà con mới có lãi và cũng tương xứng với việc đầu tư, chăm sóc để có thể đạt được sản phẩm OCOP. Hiện nay, kênh tiêu thụ chính của đặc sản này vẫn là bán lẻ hoặc nhập cho các thương lái, chưa thể tiêu thụ mạnh như kỳ vọng.
Cần có sự chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP từ phía chính quyền
Bà Nguyễn Thị Sáng, Giám đốc HTX Chế biến hải sản Phú Sáng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), cho biết: Bà tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP từ năm 2021 với sản phẩm nước mắm đạt hạng 3 sao. Từ chỗ sản xuất theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, mỗi đợt chỉ sản xuất xấp xỉ 5.000 lít và bán theo can, chai thì đến nay, cơ sở này đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, bao bì nhãn mác đẹp mắt, mỗi đợt lên đến 72.000 lít.
Mặc dù cơ sở tham gia rất nhiều hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, nhưng HTX "đơn thương độc mã" cũng rất khó thành công. Vì vậy, bà Sáng cho rằng, phần lớn các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, HTX vẫn rất cần các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết: Trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các thị trường trọng điểm trong nước và xuất khẩu; tiếp tục đa dạng hóa các kênh xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử; đề xuất Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cấp vùng; tiếp tục tổ chức các sự kiện để quảng bá và kích cầu người tiêu dùng trong tỉnh như: phiên chợ đêm cuối tuần, lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh…
Điều quan trọng hơn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng sản lượng, nâng cao chất lượng, tính đồng đều, ổn định khi cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tập trung thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sau khi được đánh giá, xếp hạng…
Đề xuất 4 giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và họ đều mong muốn được tiếp xúc với các kênh bán lẻ hiện đại hơn, cao cấp hơn, đảm bảo chất lượng cho những hàng hóa mà họ lựa chọn. Đứng trước sức ép mãnh liệt đó, hệ thống phân phối cũng theo đà tăng trưởng mạnh mẽ. Công nghệ đang dần thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng và trở thành xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Theo đó, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đề xuất 4 giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.
Giải pháp nào thúc đẩy được việc tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cho bà con nông dân cũng rất là quan trọng, nhưng nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp thì HTX và chủ những sản phẩm đó cũng sẽ rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó để tiêu thụ sản phẩm OCOP cho bà con nông dân, không thể thiếu sự vào cuộc, chia sẻ, hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng.
Theo báo Nghệ An, Phụ nữ Việt Nam
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.