Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 5 năm 2023 | 20:41

Giống tốt, yếu tố quyết định năng suất lúa

Trong vụ đông xuân 2022 – 2023, có nhiều giống lúa được bà con nông dân một số tỉnh miền Trung gieo trồng cho năng suất và chất lượng cao.

Nhiều giống lúa cho năng suất cao

Trước đây theo kinh nghiệm của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nếu muốn được mùa thì bà con phải đáp ứng 4 yếu tố “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tuy nhiên, ngày nay do được áp dụng khoa học kỹ thuật, nhiều giống lúa ngắn ngày năng suất cao đã được ngành nông nghiệp khảo nghiệm và đưa vào sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng vụ mùa.

Lúa VT868 cho năng suất từ 4,3- 4,4 tạ/sào tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương

Trong vụ xuân 2023 vừa qua, hai giống lúa 3 dòng VT868 và Quốc tế I đã được đưa vào cơ cấu sản xuất của tỉnh Nghệ An. Đây là gống lúa được Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên doanh Việt Long hợp tác cùng các nhà khoa học của Viện lúa Hồ Nam, Thiên Tân (Trung Quốc) nghiên cứu, lai tạo và phát triển.

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Căn cứ trên kết quả các mô hình thực tế, Sở sẽ nghiên cứu tiếp tục đưa các giống lúa này vào cơ cấu trong các vụ sản xuất tiếp theo. Ảnh: Phú Hương

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngoài năng suất cao, chất lượng tốt, hạt gạo thơm và dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, thì qua thực tế sản xuất, 2 loại giống lúa trên còn cho thấy các đặc điểm tiến bộ chung như: Phạm vi thích ứng rộng, khả năng đẻ nhánh khỏe, tiết kiệm chi phí đầu tư; cứng cây, chống đổ ngã tốt; có khả năng chịu rét và chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính thường xuyên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, như đạo ôn, khô vằn, bạc lá, thực tế trong vụ xuân năm nay, hầu như không bị nhiễm bệnh hoặc nhiễm với mức độ không đáng kể. Tại huyện Diễn Châu, năng suất thực tế đạt 8 tấn/ha.

“Bước đầu đánh giá, đây là 2 loại giống lúa có phổ thích ứng rộng, các đặc điểm sinh học phù hợp để sản xuất tại nhiều chân đất, nhiều vùng lúa của Nghệ An. Tuy nhiên, để có thể chủ động trong phát triển sản xuất, các đơn vị cần có sự đánh giá sát thực với các vụ sản xuất khác nhau, không chỉ trong vụ xuân mà cả vụ hè thu - mùa”, bà Võ Thị Nhung chia sẻ.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, vụ xuân 2023 toàn tỉnh gieo cấy trên 59.300 ha lúa các loại, trong đó, tập trung lớn nhất là nhóm giống chủ lực, nhóm giống có tiềm năng năng suất, chất lượng và triển vọng cao, thời gian sinh trưởng từ 120-135 ngày như: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Nếp 98, Nếp 87, Bắc Thịnh, ADI28, HDT10, HD11, Hà Phát 3, VNR20, ADI 168…

Lúa của bà con nông dân Hà Tĩnh cho sản lượng cao

Theo đánh giá bước đầu, mặc dù từ đầu vụ, thời tiết không thuận lợi, có thời điểm xuất hiện rét hại, rét đậm, sâu bệnh phát sinh, tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, khuyến cáo kịp thời của ngành chuyên môn, bà con tập trung gieo cấy đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên vụ lúa xuân 2023 vẫn sinh trưởng tốt. Dự kiến, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 58,46 tạ/ha, cao hơn khoảng 2,46 tạ/ha so với vụ xuân năm 2022.

Thực hiện nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ đông xuân 2022 - 2023 do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị khuyến cáo, các địa phương đã đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa chủ lực với cơ cấu hơn 70% diện tích gồm ĐD2, HN6, HC95, Bắc Thơm 7, Dự Hương 8, Đài Thơm 8, Khang Dân 18, Hà Phát 3, VNR20...

Đồng thời cơ cấu thêm 20% diện tích gieo cấy các giống lúa bổ sung như Thiên Ưu 8, Bắc Thịnh, HĐ9, HaNa số 7, ADI 28, Tân ưu 98, Mỹ Hương, ST24, ST25, DCG66, QR1...

Giống lúa ADI28 được đưa trồng thử nghiệm trên đồng đất Quảng Trị từ vụ hè thu 2020 tại HTX Đông Thanh, TP. Đông Hà và xã Phong Bình, huyện Gio Linh.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo cấy 25.979 ha lúa, đạt 101,8% kế hoạch, năng suất lúa ước đạt trên 60,5 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt trên 16 vạn tấn. Đặc biệt, giá lúa đầu mùa dao động từ 6.000 - 7.500 đồng/kg, cao hơn 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước nên người dân rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Giống tốt - yếu tố quyết định năng suất  

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đề nghị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên doanh Việt Long hợp tác cùng các nhà khoa học của Viện lúa Hồ Nam, Thiên Tân (Trung Quốc)  tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình sản xuất trong vụ hè thu - mùa sắp tới, để trên kết quả thực tế, Sở sẽ có căn cứ để định hướng đưa vào cơ cấu trong các vụ sản xuất tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình để vừa phát huy các đặc tính tốt của giống, vừa giúp bà con nông dân dễ tiếp cận với các loại giống lúa đang được coi là mới trên địa bàn này. Từng địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để bố trí đưa vào sản xuất một cách phù hợp.

Người dân đưa vào sản xuất các giống lúa mới khảo nghiệm cho hiệu quả cao -Ảnh: T.T

Vụ xuân 2023, các giống lúa lai VT868 và Quốc tế I đã được đưa vào sản xuất trên địa bàn 8 huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn và Nghi Lộc. Qua thực tế sản xuất, năng suất bình quân đạt từ 8,6- 8,8 tấn/ha; thời gian tới, sẽ được Nghệ An đưa vào phát triển mở rộng diện tích, là 2 trong số những giống lúa chủ lực của tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị Phạm Xuân Tuyên cho biết: “Đối với vụ hè thu, nông dân thường sử dụng nguồn giống tại chỗ, trung tâm đảm bảo việc chuẩn bị đủ nguồn giống đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân cũng như nguồn giống dự trữ, cơ cấu các giống lúa mới năng suất cao, bộ giống phong phú như ĐD2, ĐD18, QR1, Khang Dân 18, BQ... cung ứng đến người dân thông qua các HTX, đảm bảo khung lịch gieo cấy trước 5/6”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa được ngành Nông nghiệp và PTNT rất chú trọng.

Theo đó, ngành đã chỉ đạo thực hiện nghiên cứu khảo nghiệm các dòng, giống lúa đặc sản chất lượng cao, xây dựng được nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới và tổ chức các đợt hội thảo để nông dân so sánh, đánh giá về tính thích nghi, sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất của các giống trình diễn, từ đó chọn ra những giống thích nghi tốt với điều kiện của địa phương bổ sung thêm và cơ cấu giống sản xuất của vùng.

Đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện gieo trồng theo đúng kỹ thuật, giám sát thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh người dân cơ bản sử dụng 80 - 90% giống đảm bảo phẩm cấp để đưa vào sản xuất.

Giống là một trong những điều kiện để năng suất lúa đạt cao, muốn có giống tốt cần phải có sự phối kết hợp của những nhà khoa học và doanh nghiệp nghiên cứu, lai tạo để cho ra giống lúa chịu được mọi sự chi phối của thời tiết, kháng được sâu bệnh, thích nghi với thổ nhưỡng của các vùng miền trên đất nước ta.

Do đó cần phải lựa chọn những giống lúa phù hợp, cho năng suất và chất lượng cao để hướng dẫn bà con nông dân gieo trồng trong vụ mùa và những vụ chiêm khác. Có như vậy bà con nông dân mới yên tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top