Mặc dù là nước xuất khẩu sản lượng gạo lớn của thế giới, nhưng hiện nay, ngành hàng lúa gạo vẫn còn những điểm nghẽn. Tại Hội thảo Quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” diễn ra mới đây, nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra để gỡ nút thắt.
Xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung Đông và châu Phi. Năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động.
Trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và hơn 4,4 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 7,638 triệu tấn, với kim ngạch 4,33 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,5% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2023 đã vượt qua trị giá xuất khẩu của cả năm 2022 (Năm 2022: Số lượng 7,1 triệu tấn, trị giá 3,46 tỷ USD). Do vậy, Đồng bằng sông Cửu Long nên tiếp tục ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chủ lực để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thị trường.
Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 7,638 triệu tấn, với kim ngạch 4,33 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 14,5% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện nay. giá lúa đang giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí là lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế hiện nay. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên một ha thời điểm này doanh thu đang từ 3.000 - 3.500 USD, từ đó có thể khẳng định ở quy mô nông sản xuất lúa hoàn toàn có lời.
Diện tích đất trồng lúa của tỉnh Hậu Giang đạt hơn 78.000 hecta. Mỗi năm sản xuất gần 1,2 triệu tấn lúa. Ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết ngành hàng lúa gạo góp phần vào những thành tựu chung của lĩnh vực Nông nghiệp. Tỉnh Hậu Giang định hướng chuyển dịch cơ cấu giống lúa sang các giống lúa chất lượng cao, xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, hàng năm diện tích liên kết tiêu thụ đạt trên 25.000ha.
Thực hiện Đề án “Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, tỉnh Hậu Giang đăng ký tham gia đến năm 2025 là 28.000 hecta; đến năm 2030 là 46.000 hecta. Đây là một trong những hàng động thiết thực để thực hiện cam kết với lãnh đạo cấp cao Việt Nam và thế giới rằng Việt nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm và bền vững, ông Huyến cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung nhận định, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…
Nhiều điểm nghẽn
Kết quả là vậy, nhưng ngành Lúa gạo vẫn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Thiếu gắn kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, gây khó khăn lẫn nhau. Trong đó nổi lên là sự thiếu gắn kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với thị trường. Để giải quyết các thách thức, một số phương án đề xuất về chính sách trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường và thương mại, tiêu thụ.
Ngành Lúa gạo vẫn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao về các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, bên cạnh việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là khối doanh nghiệp phải xác định và có chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng.
PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích những điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Trong đó có những điểm nghẽn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết. Chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ.
Điểm nghẽn nữa là tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Hệ lụy của vấn đề này đã thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín, bẻ kèo giữa các bên tham gia liên kết. Điểm nghẽn tiếp theo, quy mô sản xuất nhỏ làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao.
Theo ông Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có 2 thách thức phải giải quyết, đó là nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển đổi sản xuất xanh để thích ứng biến đổi khí hậu. Thực tế hiện nay, ở nhiều nơi đã có hiện tượng nông dân bỏ ruộng hoặc bỏ vụ, do không thể sống được bằng nghề trồng lúa.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ khó khăn lớn nhất khi thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo mà Tập đoàn đang gặp phải hiện nay là nguồn tiền để mua lúa khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp phải xoay sở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu liên kết.
Mặc dù hiện nay có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành lúa gạo. Giống như tình trạng có áo nhưng không mặc được, vẫn phải chịu lạnh. Tiếp theo là rào cản môi trường pháp luật. Tình trạng người dân, doanh nghiệp vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, nhất là trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu. Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.
Bàn kế gỡ nút thắt
Về giải pháp, Tập đoàn Lộc Trời kiến nghị, cần gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo. Mỗi nhà máy sẽ đăng ký sản xuất cho một nhóm thị trường có chất lượng tương đồng để có thể tạo ra sự ổn định trong cung cấp lúa gạo… Đề nghị Nhà nước ban hành quy định về lượng giống sử dụng không được vượt quá 100 kg/ha, lượng phân bón hóa chất, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất và qui định xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn qui định….
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, rất cần phải đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và nhân rộng các mô hình, cách làm hay và những đổi mới, sáng tạo trong ngành lúa gạo. Hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, thuận thiên với môi trường, đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay và lâu dài.
Đề cập về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang nhận định đây sẽ là cơ hội để ĐBSCL tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như thực hiện cam kết của quốc gia về phát triển xanh, giảm phát thải ròng.
Để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, rất cần phải đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung, hiện Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao trong những năm qua...Có được những thành quả đó là sự đóng góp không nhỏ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành hàng lúa gạo. Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển ngành hàng lúa gạo với giá trị tăng cao, bền vững và phát thải thấp, tới đây rất cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành hàng.
Thứ trưởng Hoàng Trung lưu ý về tác động của El Nino đối với sản xuất nông nghiệp và tình trạng nguồn cung gián đoạn sẽ tiếp tục gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nông nghiệp toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức khi vừa phải đảm bảo nhu cầu lương thực, dinh dưỡng vừa chịu áp lực gia tăng dân số, mất tài nguyên, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trong đó, ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất đối với ngành lúa gạo và hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mưới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã góp phần làm lên lịch sử ngành hàng lúa gạo với những kết quả như ngày hôm nay. Tuy nhiên, để KHCN và ĐMST tiếp tục là động lực phát triển một ngành hàng lúa gạo với giá trị gia tăng cao, bền vững, phát thải thấp thì việc tiếp tuc đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là giải pháp tất yếu và quan trọng, Thứ trưởng Trung cho biết.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.