Ngày 28/9, tại TP.HCM, đã tổ chức Diễn đàn "Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến".
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thiếu đồng bộ
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trên 174.000 ha (tăng 47% so với năm 2016), đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…
Toàn cảnh hội nghị
Cùng với đó, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai mạnh mẽ, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3 % tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng đường phía trước còn vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại sản phẩm như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ông Thạch nhấn mạnh.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ sản Nam Miền Trung cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp rất nhiều thách thức về giá vật tư, nhân công, lợi nhuận, sản lượng,… Đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong sản xuất giữa các khâu.
“Mong rằng Bộ NN-PTNT sẽ cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng cơ chế bảo vệ an ninh ngành hàng từ kiểm soát quy chuẩn, hạn ngạch, công nghệ,… Có như vậy, người nông dân, doanh nghiệp sẽ không thể làm lộn xộn hay thiếu đồng bộ”, ông Hoàng Anh kiến nghị.
Thương hiệu nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ thế giới, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.
Doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ (SPHC) đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á.
Đánh giá về những doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, theo ông Phạm Minh Đức- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Giám đốc Điều hành Ecolink cho biết: Giai đoạn trước Nghị định 109 năm 2018, có hai thời kỳ nhỏ: 2000 đến 2010, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp châu Âu. Thực chất đây là các doanh nghiệp mua hàng về đóng gói. “Năm 2008, khi sang châu Âu, chúng tôi nhận thấy chè Việt Nam không có tiếng tốt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với chúng tôi cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm”.
Từ năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực sự làm chủ. Cũng trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu.
"Do đó, chúng tôi cho rằng hướng đi vào thị trường trong nước sẽ dễ hơn. Tất nhiên, uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên được một chút. Từ 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Mỹ", Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam phân tích.
4 vấn đề còn tồn đọng khi phát triển NNHC
Đưa ra những khó khăn khi bẳt tay vào sản xuất NNHC ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho biết, hiện nay, nổi lên 4 vấn đề, thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dung, cây trồng, vật nuôi. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ rất khó khăn, vất vả, nếu không có sự hi sinh từ các thành tố liên quan sẽ không thể làm được. “Để tạo hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp, người nông dân, người tiêu dùng đều phải hi sinh. Chúng ta muốn tồn tại phải nhờ vào hoạt động sản xuất của người nông dân; nông dân càng khỏe mạnh thì doanh nghiệp, người tiêu dùng càng khỏe mạnh. Ngược lại, người nông dân phải biết tri ân doanh nghiệp, người tiêu dùng bằng việc chuyên tâm sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn. Có như vậy mối liên kết mới bền chặt, hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ mới ngày càng được mở rộng”, ông Lam chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm
Theo đánh giá của ông Lam, định hướng, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất đầy đủ, rộng mở, vấn đề là cách thức tổ chức, triển khai thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin với người sản xuất, tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, địa phương...
Ông Lam cho rằng, địa phương nào mà hệ thống chính trị cùng nhau vào cuộc quyết liệt, thực sự khát vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ thì địa phương đó sẽ triển khai thành công, phát triển mạnh mẽ. Về lâu dài, Nhà nước phải xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; đặt hàng doanh nghiệp, nhà khoa học, thậm chí là nông dân, bởi lẽ, chỉ có đặt hàng mới có thể sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo được niềm tin cho sản phẩm.
“Chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức lại rằng, sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng là phục vụ cho chính chúng ta, chứ đừng nghĩ mơ hồ sản xuất ra sản phẩm chất lượng chỉ để phục vụ xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình, nhưng đó là điều bắt buộc. Chúng ta phải kiên trì, không có con đường nào khác”, ông Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh.
Giải pháp để phát triển NNHC bền vững
Để phát triển NNHC bền vững Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, cần hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.
Đặc biệt, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.
Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở. Do đó, cần giao cho sự giám sát cho xã hội. Nghĩa là mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm. Ngoài ra, công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được trước nhất là sản phẩm an toàn, sạch và hữu cơ khác nhau thế nào, cần cho ai, như thế nào, bà Hạnh nói.
Còn TS. Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia nông nghiệp, Trang trại Đồng quê Ba Vì cho biết, các sản phẩm sinh thái được thiên nhiên ban tặng là thế mạnh của Việt Nam.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bà Oanh đề xuất cần tăng cường năng lực, tư duy cho chính quyền địa phương, chuyển đổi tư duy từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ; cần quy hoạch với sự tham gia của các nhà khoa học (xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, mạng lưới thủy văn, thảm thực vật) để quy hoạch trồng trọt; cần số liệu điều tra từ địa phương để phân loại các loại cây trồng phù hợp.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao
Theo bà Oanh, trong thời gian chuyển đổi cần quỹ tín dụng đặc biệt không thế chấp. Song song với quỹ này cần có hai điều kiện để nông dân, HTX hoạt động được là quỹ tín dụng vi mô và bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần thành lập liên minh các nhà sản xuất hữu cơ để giáo dục lẫn nhau, tập hợp, đặt nhiệm vụ cung cấp sản phẩm đa dạng, số lượng và liên tục, mở rộng cung cấp sản phẩm theo chuỗi và làm truyền thông.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tiến Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp nhấn mạnh thêm về công tác xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng, điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe công đồng.
Kết luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu.
Tại diễn đàn, ông Toản cho rằng, vẫn còn dư địa để thảo luận nhiều hơn về sản phẩm du lịch nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ để gắn với vấn đề bản địa, hệ thống phân phối, đặc biệt là ở trong nước. Một điều quan trọng nữa là cần truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa, số hóa sản phẩm hữu cơ; luôn chủ động đón nhận sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm trở thành lợi thế của Việt Nam cho nông nghiệp hữu cơ và hình thành một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, thực phẩm minh bạch của nông nghiệp hữu cơ với sự tham gia của hiệp hội.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.