Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được coi là "lá chắn thép" giúp bảo vệ các khoản đầu tư tiết kiệm của người dân.
Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Tại Việt Nam, việc gửi tiền tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng được coi là một kênh đầu tư an toàn, được ưu tiên hướng đến bởi mọi tầng lớp dân cư. Điều này được thể hiện trong suốt chiều dài phát triển kinh tế của đất nước, ngay cả khi hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, thì tiền gửi nói chung và tiền gửi tiết kiệm nói riêng vẫn tăng trưởng đều đặn qua từng năm.
Dân số nước ta hiện nay là 99,2 triệu người, thu nhập của người dân cũng không ngừng được cải thiện. Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 3.743 USD (gấp đôi năm 2011), quy mô tiền gửi của người dân ngày một lớn hơn. Theo cập nhật mới nhất của NHNN vào cuối tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của dân cư tại các TCTD đạt gần 5,61 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu so với thời điểm cách đây 10 năm thì GDP bình quân đầu người cao gấp hơn 2 lần, còn lượng tiền gửi bình quân đầu người cao gấp 3,9 lần.
Có thể thấy, sự tăng trưởng nói trên là nhờ vào sự không ngừng sáng tạo và đổi mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các hình thức huy động tiết kiệm ngày càng đa dạng và tiện ích phù hợp với nhu cầu của người dân, từ các hình thức tiết kiệm thông thường (không kỳ hạn, có kỳ hạn) đến các hình thức khuyến mại, gia tăng lợi ích cho khách hàng như: Tiết kiệm dành cho trẻ em, tiết kiệm dành cho cá nhân tích lũy trong tương lai, tiết kiệm hưu trí… Đặc biệt, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực hội nhập, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, nhờ vậy khách hàng có thể gửi tiết kiệm online thông qua Internet banking, mobile banking thay vì giao dịch trực tiếp tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc tạo lập hành lang pháp lý an toàn cho nguồn tiền gửi tiết kiệm cũng luôn là quan tâm hàng đầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Luật pháp quy định việc tham gia BHTG là bắt buộc đối với các TCTD có huy động tiền gửi và các tổ chức này nộp phí BHTG ở mức 0,15% số dư bình quân tiền gửi. Thông qua đó, mỗi người dân khi gửi tiền tiết kiệm vào TCTD được bảo hiểm với hạn mức tối đa 125 triệu đồng. So với bối cảnh biến động của thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản… việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn được coi là hình thức đầu tư bền vững, bình ổn và hiệu quả đối với đại đa số người dân.
Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD. Thể chế này cho thấy chính sách BHTG đáp ứng và có khả năng bảo vệ được hầu hết người gửi tiền tại các TCTD.
Đặc biệt, tiền gửi không kỳ hạn - hình thức gửi tiền thông dụng và được sử dụng nhiều nhất hiện nay cũng được bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, người gửi tiền không nhất thiết phải lập sổ tiết kiệm mà việc sử dụng thẻ ngân hàng hay tài khoản ngân hàng thông thường cũng chính là dạng gửi tiền không kỳ hạn, loại hình này không giới hạn thời gian gửi và số dư trong tài khoản.
Hiện nay, phần lớn các cơ quan, đơn vị đều mở tài khoản ngân hàng cho cán bộ, nhân viên, người lao động của mình để thực hiện trả lương qua tài khoản. Đây vừa là phương thức hiện đại, thuận tiện cho người lao động, vừa là một hình thức phúc lợi của doanh nghiệp, giúp tiền lương của người lao động được bảo vệ bởi chính sách BHTG. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại nước ta là 66%, với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 11% từ năm 2015-2021, đồng nghĩa với vai trò và trách nhiệm của tổ chức BHTG đối với tiền gửi của người dân đang ngày một tăng cao.
Khoản 3 Điều 4 Luật BHTG quy định, “tổ chức tham gia BHTG là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD được nhận tiền gửi của các nhân”, theo đó các công ty công nghệ tài chính cũng không phải là đối tượng nằm trong phạm vi kiểm tra, giám sát và nhận được sự tiếp quản xử lý của BHTGVN khi xảy ra rủi ro.
P.V
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.