Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 1 năm 2024 | 10:1

HTX liên kết với nông hộ phát triển kinh tế: Mô hình cần nhân rộng

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường nguồn lực cho các hoạt động khuyến nông, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) triển khai chương trình hỗ trợ phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến ngày 01/12/2023, đã có 20 HTX điển hình tại 11 tỉnh, thành phố tham gia chương trình và được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ vốn đầu tư trang thiết bị, giống, vật tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Hỗ trợ vay vốn

Vừa qua, tại Hà Tĩnh, đã tổ chức lễ bàn giao hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án “HTX liên kết với hộ nông dân phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” ở 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trong đợt này, Hà Tĩnh có 3 HTX được Quỹ Thiện Tâm lựa chọn, triển khai hỗ trợ gồm: HTX Đầu tư và Phát triển nhung hươu Hương Sơn, HTX Thông Hà, HTX nuôi trồng, thu mua chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Loan Hoan; Quảng Bình có HTX Dược liệu sạch Thủy Mai.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi hươu lấy nhung giá trị cao tại HTX Nhung hươu Hà Tĩnh.

Các HTX đã được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 1 tỷ đồng theo hình thức vay vốn 0 đồng trong 10 năm để mua các hạng mục như: con giống (hươu giống, trâu giống,  ngao giống), trang thiết bị máy móc hiện đại (máy khai thác ngao, cụm máy chế biến dược liệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm),… Các HTX đã cam kết tạo thêm nhiều công ăn việc làm ổn định cho các hộ nghèo/cận nghèo/khó khăn tại địa phương, nhằm giúp các hộ thoát nghèo, hướng tới làm giàu.

Chương trình nằm trong dự án “HTX liên kết với hộ nông dân phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số địa phương trong cả nước với mục đích giúp nông dân ở các địa phương nâng cao nhận thức, sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động.

Tại Tuyên Quang, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) được nhận hỗ trợ. HTX hiện có 15 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Riêng đàn bò của HTX đến nay đạt trên 200 con, với 150 con nuôi theo hình thức vỗ béo thương phẩm, còn lại là bò sinh sản và bê. Toàn bộ nguồn chất thải được HTX xử lý để nuôi giun quế và làm phân bón cho cây trồng, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm mô trường, vừa tăng thu nhập cho nông hộ và tăng độ phì cho đất đai.

Chị Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX Hoàng Thức cho biết, các thành viên trong HTX không có hộ nghèo, nhưng nhiều người dân tham gia lao động trong HTX là hộ nghèo. Qua chương trình hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, các hộ dân sẽ có cơ hội giải quyết công ăn việc làm, nhất là hộ khó khăn, hộ nghèo có động lực và cơ hội thoát nghèo. HTX mong muốn sẽ là cầu nối tạo việc làm và sinh kế cho các hộ nghèo.

Mô hình nuôi bò công nghệ cao của HTX Tiến Thành, Tuyên Quang.

Nhân rộng mô hình

Với sứ mệnh “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, hơn 17 năm qua, Quỹ Thiện Tâm luôn nỗ lực hết sức mình trong công cuộc “xóa đói giảm nghèo”. Trong đó, Quỹ xác định cách tốt nhất giúp cho người nghèo thoát nghèo bền vững là phải tạo sinh kế, tạo được công ăn việc làm, thu nhập ổn định để người nghèo có điểm tựa, tự đứng vững trên đôi chân của mình và tiến lên phía trước.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá: ”Với số vốn 1 tỷ đồng đối với các HTX có thể còn thấp so với nhu cầu, tuy nhiên, đối với các HTX ở vùng khó khăn, đặc biệt là các HTX trẻ, HTX khởi nghiệp thì số tiền này có ý nghĩa rất lớn, góp phần quan trọng cho việc đầu tư máy móc công nghệ cho sản xuất. Đồng thời, số vốn này sẽ tạo điều kiện để các HTX có cơ hội hỗ trợ các hộ khó khăn phát triển kinh tế, tạo việc làm”. 

Dự án luôn có sự đồng hành, phối hợp của 3 bên: Quỹ Thiện Tâm, hệ thống Khuyến nông, Văn phòng Nông thôn mới. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, cán bộ khuyến nông cộng đồng luôn sát cánh để hỗ trợ tối đa cho HTX các vấn đề chuyên môn. 

Năm 2022, Quỹ Thiện Tâm đã triển khai thí điểm “Dự án HTX liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Sơn La; mô hình bước đầu thành công, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Năm 2023, Quỹ Thiện Tâm nhân rộng mô hình tại các địa phương như: Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh và Quảng Bình nhằm góp phần xóa đói giảm, hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương.

Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, với quy trình phối hợp chặt chẽ giữa 3 đơn vị, chúng tôi đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn HTX để tham gia dự án hết sức cụ thể, chi tiết. Trước khi lựa chọn HTX trên cơ sở giới thiệu từ địa phương, đại diện 3 cơ quan sẽ đến tận nơi để tìm hiểu, trao đổi kỹ càng về nhu cầu, khả năng của HTX nhằm đảm bảo đồng vốn hỗ trợ được phát huy tối đa. 

“Mặc dù số tiền không lớn, nhưng đây là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tại các HTX, trong đó có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, VietGAP… Đặc biệt, thông qua HTX, các xã viên là người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này để phát triển kinh tế. Ngoài ra, các HTX có thể kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhằm tạo “sức bật” mạnh mẽ hơn”, ông Lam nhận định. 

Để tiếp tục triển khai hiệu quả và nhân rộng mô hình trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các địa phương triển khai chương trình hỗ trợ phát triển cho 3-5 HTX, tổ hợp tác điển hình tại mỗi địa phương có nguyện vọng và đáp ứng các tiêu chí tham gia chương trình hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình chế biến sản phẩm giá trị cao, mô hình giảm phát thải ra môi trường… nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển vững mạnh, tạo sức bật hiệu quả cho các HTX và giúp người nông dân có nguồn sinh kế ổn định, từ đó vươn lên thoát nghèo.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top