Theo Kế hoạch số 312/KH-UBND về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, thành phố sẽ phát triển thêm 20 – 30 điểm giới thiệu OCOP.
Một loạt điểm giới thiệu sản phẩm OCOP vừa được khai trương
Chiều 1/12 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức Lễ khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại số 202 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
Một loạt các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội được mở tại các địa phương
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương cùng UBND các quận, huyện phát triển thêm được 15 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Oai, Thường Tín và Ba Vì… Qua đó, nâng tổng số điểm OCOP trên toàn TP Hà Nội lên 65 điểm bán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào phục vụ người tiêu dùng, du khách.
Để đạt tiêu chí OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng 3 nhóm nội dung, gồm: Nhóm tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng); Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện sản phẩm); Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm...).
Tại xã Sơn Hà vào chiều ngày 02/12, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Phú Xuyên.
Cuối năm 2021, trên địa bàn huyện có 137 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Năm 2022, Phú Xuyên có 40 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá, chấm điểm đạt từ 3-4 sao, trình Hội đồng cấp thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, cấp sao cấp thành theo quy định. Trong đó có nhiều sản phẩm đến từ các làng nghề trong huyện như: tò he, đồng hồ, tranh treo gỗ, khay trà, đốc lịch gỗ, lục bình, đôn tàu, đôn rồng, lồng đèn mây tre đan…
Nhằm giúp các làng nghề, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2021, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương phát triển 01 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH may Cople Hùng Luyến ở thôn Từ Thuận, xã Vân Từ.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Sơn Hà được đặt tại Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lợi, thôn Sơn Thanh; trưng bày, bán 09 sản phẩm OCOP và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của cơ sở. Đây là điểm nằm trên tuyến đường kết nối làng nghề, sản phẩm OCOP với du lịch trên địa bàn huyện, thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tới du khách
Năm 2022, UBND huyện phối hợp với Sở Công Thương thành phố tiếp tục phát triển thêm 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Sơn Hà và xã Tân Dân.
Sở Công Thương Hà Nội cũng vừa tổ chức lễ cắt băng vận hành điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Sóc Sơn tại xã Bắc Sơn.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong giai đoạn từ 2019 – 2022, Sóc Sơn đã triển khai nhiều giải pháp từ hỗ trợ nông dân quy hoạch vùng sản xuất, khoa học kĩ thuật đến các thủ tục pháp lý chứng nhận, đăng kí nhãn hiệu sở hữu tập thể…, đến nay đã có 76 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 66 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Cùng với đó có 21 sản phẩm tiềm năng và phấn đấu đến hết năm 2022 toàn huyện sẽ có 98 sản phẩm OCOP.
Để việc giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được rộng rãi, dễ tiếp cận với khách hàng, Sở Công Thương Hà Nội liên tục mở các điểm bán ở cả nội và ngoại thành, trong đó, điểm bán sản phẩm OCOP tại HTX nông - lâm nghiệp Bắc Sơn là một trong những điểm được mở nhằm thu hút khách hàng, tăng cường giao thương, phát triển du lịch sinh thái cũng như tăng doanh thu, hướng đến giới thiệu các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Thêm 20 – 30 điểm giới thiệu OCOP năm 2023
Hà Nội đang triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Năm 2023 sẽ có từ 20 - 30 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP được khai trương
Theo Kế hoạch, các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã; các hiệp hội, hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và các nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố về những giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Qua đó, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã tập trung phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, các điểm bán tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng... trên địa bàn thành phố. Tổ chức lễ khai trương và đưa các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm đi vào hoạt động bảo đảm đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương và UBND thành phố.
Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội, các tỉnh, thành phố vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, siêu thị, cửa hàng... trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Thành phố phấn đấu năm 2023 phát triển thêm 20-30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (theo nhiệm vụ UBND thành phố giao hằng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới trở lên); triển khai xây dựng thí điểm 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…