Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 6 năm 2023 | 16:0

Hà Nội sẽ sớm tổ chức lại họp báo định kỳ

Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố phối hợp sớm tổ chức lại việc định kỳ họp báo cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô 6 tháng năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, tình hình kinh tế - xã hội thành phố đạt được nhiều kết quả nổi bật trong đó: GRDP 6 tháng đầu năm của thành phố tăng 5,97%. Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm là 207.000 tỷ đồng (đạt 58,7% dự toán và tăng 25,1% so cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương 30,9 nghìn tỷ đồng (đạt 29,4% dự toán).

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí 

Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 195.563 tỷ đồng (tăng 9,0%). Trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá cao và luỹ kế 5 tháng đầu năm đạt 1.842 triệu USD vốn FDI - vượt kết quả cả năm 2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm, trên toàn thành phố có trên 13.000 doanh nghiệp thành lập mới (với tổng số vốn đăng ký gần 126.000 tỷ đồng và tăng 8% so với cùng kỳ về số doanh nghiệp thành lập mới). Nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến nay là trên 362.000 doanh nghiệp.

Văn hóa xã hội tiếp tục được chú trọng phát triển. Đến hết tháng 5/2023, đã triển khai xây dựng 554 dự án, hoàn thành 218 dự án (giai đoạn 2021-2022). Dự kiến hết năm 2023 sẽ hoàn thành 623 dự án (với 387 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục; 92 dự án thuộc lĩnh vực y tế và 144 dự án di tích).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải thông tin về tình hình KT - XH của Thủ đô

An sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động sau đại dịch tiếp tục được chú trọng. 6 tháng đầu năm, dự kiến giải quyết việc làm cho 103.000 lao động (đạt 63,6% kế hoạch); trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trên 30.000 trường hợp; giải quyết trên 9.000 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp với trên 105.000 lượt người;...

Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Trước những ý kiến phát biểu của đại diện cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, sự phối hợp của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội với các cơ quan báo chí trong việc tuyên tuyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà, của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Thay mặt lãnh đạo thành phố phát biểu chúc mừng các nhà báo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng gửi lời chúc mừng nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam đến các cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, các đề xuất của lãnh đạo các cơ quan báo chí, Bí thư Thành ủy chia sẻ, làm rõ thêm về các chủ trương, quan điểm mà thành phố đã và đang triển khai để xây dựng và phát triển Thủ đô. Đáng chú ý, không chỉ quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Hà Nội còn hướng tới sự phát triển đồng đều, dẫn dắt, lan toả. Việc quyết tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô cũng nhằm cụ thể hóa tinh thần đó.

Bí thư Thành ủy cho biết, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án, Hà Nội dự kiến khởi công dự án vào ngày 25/6 tới đây tại 4 điểm trên địa bàn. Thành phố cũng đã tập trung khơi dậy nguồn lực văn hóa, đầu tư mạnh để phát triển văn hóa ngang bằng với phát triển kinh tế, trở thành nguồn lực mới, động lực mới. Môi trường sinh thái cũng là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo thành phố. Cơ cấu kinh tế Thủ đô cũng chuyển dịch tích cực trên tinh thần đó, hiện nay, tỷ trọng lớn nhất là dịch vụ, thương mại; trong đó năm 2022, lĩnh vực này chiếm 64%, đến nay đã tăng lên 66%.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam có truyền thống lịch sử vẻ vang, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đối với thành phố Hà Nội, báo chí luôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trên bước đường phát triển, nhất là trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thống nhất nhận thức, củng cố niềm tin, tăng cường đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bí thư Thành ủy đề nghị, trên cơ sở ý kiến góp ý của các nhà báo, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố phối hợp sớm tổ chức lại việc định kỳ họp báo cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan thành phố, nhất là lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; không để vì chậm, muộn trong cung cấp thông tin mà gây ra ồn ào không đáng có.

Thời gian tới, các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố, các nhà báo tiếp tục quan tâm, đồng hành, chia sẻ với thành phố, góp phần cùng Hà Nội thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top