Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII sẽ dành gần 1 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn tập trung vào 3 lĩnh vực: nông nghiệp, văn hóa - thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo.
Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đăng đàn trả lời các giải pháp khắc phục khó khăn trong liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt khẳng định, thời gian qua, Hà Tĩnh từng bước hình thành và phát triển một số mô hình, chuỗi liên kết sản xuất; qua đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa sản xuất, giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định.
Tốc độ tăng trưởng bình quân (2010-2020) đạt trên 3,2%/năm, năm 2021 trên 3,87%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích hiện đạt trên 96 triệu đồng/ha (năm 2010 là 45 triệu đồng/ha); cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp từ 34,37% (2010) lên trên 53% (2022), giảm tỷ trọng trồng trọt từ 59% xuống còn dưới 45%,...
Ông Nguyễn Văn Việt - GĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh
Tuy vậy, việc phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết còn khó khăn. Theo ông Việt, điều này xuất phát từ việc chỉ đạo, phát triển mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa thực sự quyết liệt; chất lượng, hiệu quả hoạt động các HTX, THT còn nhiều hạn chế; việc nắm bắt thông tin thị trường, tư duy về sản xuất hàng hóa chưa kịp thời...
Ông Nguyễn Văn Việt đã đề cập những giải pháp, định hướng về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới như: tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, nhận thức cho cả người quản lý, người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ; triển khai hiệu quả các chính sách theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND, số 78/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã ban hành; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...
Giám đốc Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh giải pháp trọng tâm vừa phát triển chăn nuôi lợn bền vững vừa gắn với bảo vệ môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo đó, hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi tổ chức tái đàn, thả nuôi lợn khi đảm bảo các điều kiện; chỉ đạo tuân thủ đầy đủ các điều kiện trong hoạt động chăn nuôi; thường xuyên nắm bắt kịp thời thông tin thị trường để khuyến cáo người dân có kế hoạch thả nuôi, tái đàn hợp lý…
Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân - Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn khi hiện nay khối lượng công việc lớn nhưng cán bộ thú y còn thiếu khá nhiều, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở?
Trả lời ý kiến đại biểu Vân, đồng chí Nguyễn Văn Việt thẳng thắn thừa nhận thực trạng thiếu và yếu cán bộ thú y ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 216/216 xã có cán bộ thú y, tuy nhiên đội ngũ có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ đạt 50%, số còn lại không có chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Trước thực trạng này, trong quá trình chờ chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh đã quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác thú y ở cơ sở. Với vai trò là ngành chủ quản, sở sẽ phối hợp với các địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ ở cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đại biểu Đào Thị Anh Nga (tổ đại biểu huyện Lộc Hà) đặt câu hỏi: “Ngành NN&PTNT đã đưa ra những giải pháp nào nhằm định hướng, hỗ trợ người dân trồng keo trong thời gian tới”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt thừa nhận xảy ra tình trạng ép giá, khó tiêu thụ cây keo do những nguyên nhân khách quan như dịch bệnh COVID-19, biến động thị trường. Hiện nay, sản xuất keo trồng đang được thực hiện theo Quy hoạch tỉnh và quy hoạch 3 loại rừng. Ngoài ra, hàng năm, UBND tỉnh đã có kế hoạch, định hướng và giao chỉ tiêu sản xuất.
“Toàn tỉnh có trên 300 cơ sở thu mua chế biến nguyên liệu rừng trồng (keo), trong đó có 2 nhà máy lớn là Thanh Thành Đạt và An Việt Phát với công suất từ 1.500-2.000m3/năm. Hiện, một số doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết với người trồng để đảm bảo vấn đề cung - cầu giữa nguyên liệu đầu vào và vấn đề sản xuất. Đây cũng là lộ trình dài hơi cho tiêu thụ keo trong thời gian tới; đồng thời, ngành chức năng cũng sẽ tiến hành cấp chứng chỉ FSC đối với rừng trồng để đảm bảo tính bền vững”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết.
Đối với các ý kiến của chủ tọa kỳ họp liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, người đứng đầu ngành NN&PTNT khẳng định: phát triển nông nghiệp hữu cơ là nội dung trọng tâm được ngành quan tâm, triển khai. Hiện, tỉnh có HTX Nông nghiệp Gia Phúc (Can Lộc) đã được cấp chứng nhận mô hình hữu cơ. Ngoài ra, ngành đã chỉ đạo các mô hình trồng trọt tập trung vào lúa, cam, bưởi, chè… Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình hữu cơ cần có thời gian và phải được cơ quan chức năng cấp chứng nhận. Dự kiến đến giữa năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ có một số mô hình được chứng nhận mô hình hữu cơ.
Bên cạnh đó, tự thân hợp tác xã, doanh nghiệp cũng có thể tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ và tự công bố chất lượng, chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Ngành cũng khuyến khích để các doanh nghiệp triển khai theo hướng này.
Thời gian tới, xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và phối hợp với các địa phương, ngành sẽ tiếp tục lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng lợi thế, có tính hàng hóa để xây dựng mô hình hữu cơ, từ đó nhân ra diện rộng. Trước mắt, khuyến cáo, chỉ đạo bà con sản xuất theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn tiêu dùng.
Đặt câu hỏi cho “tư lệnh” ngành nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) chất vấn: “Ngành đã tham mưu giải pháp nào để huy động nguồn lực cho Hà Tĩnh sớm đạt mục tiêu, lộ trình tỉnh NTM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?”.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 - 2025” vào ngày 15/7/2021; UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, theo tiêu chí tỉnh NTM, Hà Tĩnh chưa hoàn thành tiêu chí 100% số xã, 100% huyện và thành phố đạt chuẩn NTM; 50% số xã đạt tiêu chí nâng cao, 10% số xã kiểu mẫu…
Việc thực hiện đề án xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM cần nguồn lực rất lớn, UBND tỉnh đã chủ động làm việc với các bộ, ngành trung ương để thu hút nguồn ngân sách Trung ương; chỉ đạo theo từng giai đoạn để quá trình thực hiện đảm bảo phù hợp.
Đại biểu Dương Tất Thắng (tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về “nền móng” để ngành nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh nhà.
Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, băn khoăn của đại biểu Thắng cũng là điều lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp hết sức trăn trở. Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh 3 mục tiêu chính: sản xuất đại trà phải đảm bảo an sinh xã hội; phát triển sản phẩm đặc thù, mang đặc trưng riêng của từng địa phương; du nhập giống cây trồng vật nuôi để triển khai mô hình sản xuất hiệu quả.
Giám đốc Sở cho biết thêm, đây là chiến lược lớn đã được đề cập tới tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các kế hoạch, đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó người đứng đầu Sở NN&PTNT cũng trả lời các nội dung liên quan đến chương trình xây dựng NTM, tính bền vững của các khu dân cư NTM, chuyển đổi diện tích đất sản xuất muối bị bỏ hoang...
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.