Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 5 năm 2023 | 11:25

Hỗ trợ liên kết để hình thành 5 vùng nguyên liệu lớn

Ngày 25/3/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Để đạt mục tiêu đề ra, các ban, ngành, địa phương đang vào cuộc hỗ trợ HTX, nông dân xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn.

Cả nước sẽ có 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn được triển khai trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Theo đó, Đề án được thực hiện theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2022-2023), tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Trong đó, vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc (14.000 ha); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) vùng duyên hải miền Trung (22.900 ha); cà phê Tây Nguyên (19.700 ha); lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên (50.000 ha); Cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (60.200 ha).

Năm vùng sản xuất nguyên liệu tập trung

1. Sơn La, Hòa Bình sẽ được quy hoạch là vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc với diện tích 14.000 ha.

2. Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) với 22.900 ha.

3. Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông được quy hoạch là vùng cà phê Tây Nguyên với diện tích 19.700 ha.

4. An Giang, Kiên Giang thuộc vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên diện tích 50.000 ha.

5. Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang thuộc vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười, diện tích 60.200 ha.

Giai đoạn này sẽ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu.

Một trong những nhiệm vụ phải làm cho giai đoạn này là đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu.

Giai đoạn 2 (2024-2025), mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ HTX. Cụ thể cụm Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); Trung tâm logistic lúa-tôm hữu cơ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang); Trung tâm logistic chế biến tôm (huyện Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng); Trung tâm logistic trái cây Mỹ Hiệp (tỉnh Đồng Tháp); Trung tâm logistic chuỗi cà phê (tỉnh Gia Lai).

Tổng kinh phí thực hiện đề án 2.467,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 942,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 409,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp và hợp tác xã 572,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 552,3 tỷ đồng.

Thứ trưởng  Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Đề án này sẽ khắc phục được những hạn chế của các chương trình vùng nguyên liệu trước đây, trong đó có chương trình cánh đồng lớn. Đồng thời, Đề án là bước đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.

Song song với Đề án xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng có Quyết định số 1094 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Mục tiêu là nhằm chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho HTX, người dân; phát triển, củng cố nâng cao năng lực cho HTX; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông, thực hiện các chính sách nông nghiệp...

Tỉnh Gia Lai dự kiến đến năm 2025 sẽ đưa diện tích chanh leo toàn tỉnh lên 20.000ha, trở thành “thủ phủ” chanh leo của cả nước. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đội ngũ khuyến nông cộng đồng sẽ là những người trực tiếp sản xuất cùng nông dân, định hướng cho người nông dân về mặt kỹ thuật. Do vậy, vai trò của cán bộ khuyến nông cộng đồng sẽ gắn với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản.

Đề án tập trung hình thành tổ khuyến nông cộng đồng trên cơ sở thành phần là cán bộ khuyến nông đang làm việc tại hệ thống khuyến nông tỉnh, huyện, xã, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ HTX và thông tin thị trường, liên kết sản xuất.

Đề án dự kiến thí điểm đổi mới một số cơ chế hoạt động khuyến nông như: thí điểm áp dụng cơ chế hoạt động khuyến nông theo nhu cầu (xuất phát từ nhu cầu của địa phương, cơ sở); cơ chế phối hợp liên ngành (phối hợp, lồng ghép các chương trình, các nguồn lực) để tích hợp đa giá trị. Định hướng hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ.

Để có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nhiều tỉnh đã và đang triển khai thực hiện.

Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn vùng miền núi phía Bắc

Cuối năm 2022, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình tổ chức Hội nghị triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn vùng miền núi phía Bắc để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tại 2 tỉnh trên, Đề án được triển khai tại các huyện: Mai Châu, Lạc Sơn, Yên Thủy (Hòa Bình); Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã (Sơn La) với tổng diện tích khoảng 14.000ha cây ăn quả (chanh leo, dứa, xoài), gần 24.000 hộ được hưởng lợi. Thực hiện Đề án, 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng; tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và phát triển liên kết chuỗi giá trị. Đến nay,  2 tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì triển khai thực hiện các nội dung liên quan thuộc phần vốn do tỉnh bố trí thực hiện; các sở, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, khẳng định: Phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hội nhập hiện nay. Thông qua việc xây dựng mô hình vùng nguyên liệu tiêu chuẩn sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Sơn La và Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo quy mô tập trung, an toàn, bền vững, hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học thông qua liên kết sản xuất doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX với hộ dân. Cục sẽ tham mưu để  Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, phân cấp rõ ràng các nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án cho các địa phương đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lắp các nội dung thực hiện.

Nâng cao chất lượng vùng trồng

Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đổ xô trồng sầu riêng khiến diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh phát triển “nóng”, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Trước tình trạng đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết: Sở đã khuyến cáo nông dân không phá bỏ các cây trồng khác để mở rộng thêm diện tích sầu riêng, mà nên tập trung đầu tư sản xuất nâng cao sản lượng và chất lượng diện tích sẵn có vì cây sầu riêng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, không phải vùng đất nào cũng phù hợp để phát triển.

Tới đây, Sở sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, từ chọn giống, quy trình chăm sóc đến cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Địa phương sẽ tổ chức xây dựng Đề án phát triển ngành hàng cây ăn quả chủ lực, trong đó chú trọng đến sầu riêng để nâng cao sức cạnh tranh với các nước có sản lượng sầu riêng lớn như Thái Lan, Malaysia, Campuchia.

Đối với cây thanh long, sau thời gian dài phát triển “nóng”, giờ lại bắt đầu đi vào “vết xe đổ” chặt phá và bỏ hoang. Để tháo gỡ khó khăn cho cây thanh long, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã lên kế hoạch quy hoạch và tái tạo  vùng trồng.

Theo kết quả lấy ý kiến từ người trồng, có 82,6% số vườn thanh long bị hư hại, bỏ hoang thống nhất trồng mới lại; 88,1% người dân thống nhất trồng thanh long theo quy trình VietGAP; 87,1% người dân đồng ý tham gia HTX để liên kết theo chuỗi giá trị.

Hiện, địa phương đang tích cực vận động người dân giữ vườn, chăm sóc; ngành chức năng tổ chức liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết bền vững và xây dựng, đăng ký mã vùng trồng đáp ứng các điều kiện xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Xác định chuẩn hóa nguồn nguyên liệu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, cơ sở sản xuất thực hiện chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các mặt hàng, trong đó chủ lực là thanh long.

Tại tỉnh Gia Lai, chanh leo cũng đang được nông dân quan tâm mở rộng diện tích, nhất là sau khi chanh leo được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch thí điểm từ giữa năm 2022, mở ra cơ hội cho loại cây trồng này trở thành “cây triệu đô” trong tương lai gần.

Chính vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt, tỉnh Gia Lai đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, trong tổ chức sản xuất chanh leo song song với việc đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất đặc thù cho cây chanh leo.

Dự kiến, đến năm 2025, diện tích chanh leo toàn tỉnh đạt 20.000ha. Theo đó, Gia Lai khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giống, thu mua, chế biến sản phẩm; có nhiều giải pháp đồng bộ về quỹ đất, quy trình canh tác, thu hoạch... để nâng cao hiệu quả cho chanh leo.

Đối với việc phát triển bền vững vùng trồng, ngoài quy hoạch diện tích, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, một trong những yêu cầu quan trọng là nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng cải tiến.

Liên kết, hỗ trợ nông dân

Chia sẻ về Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng – Đề án sẽ hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Việt Nam có trên 10.000 hộ gia đình sản xuất, đất đai sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến năng suất, chất lượng sản lượng không cao, hiệu quả kinh tế thấp, làm tăng giá vật tư đầu vào, tiêu hao nhiều tài nguyên.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trước mắt, sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung ở 13 tỉnh.

Triển khai hiệu quả Đề án tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở cộng đồng - đây là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông, Trung tâm sẽ hỗ trợ phần mềm, tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất.

“Người nông dân có sản xuất đúng quy trình không cũng cần đến lực lượng khuyến nông. Người nông dân có kết nối được thị trường cũng cần đến lực khuyến nông. Làm thế nào để cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ xuất khẩu  mà trong nước cũng rất cần”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chuối tươi Đồng Nai đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Vương.

Xây dựng mã số vùng trồng gắn với vùng nguyên liệu

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sắp tới, xu thế và định hướng của ngành BVTV là khuyến khích và làm thế nào để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi bền vững và lâu dài. Từ xưa tới nay, mỗi “nhà” trong chuỗi liên kết vẫn thường “mạnh ai nấy làm”, phát huy các vai trò khác nhau mà chưa có sự liên kết. Chính thực tế này đã khiến nông sản của chúng ta mất đi nhiều lợi thế khi xuất khẩu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như ngành BVTV đã có rất nhiều giải pháp để thay đổi thực tế này.

Trước hết cần thay đổi về nhận thức của các hộ sản xuất, các doanh nghiệp; sau đó là thúc đẩy việc xây dựng quy trình sản xuất bài bản; thúc đẩy việc xúc tiến các sản phẩm nông sản chủ lực vào các thị trường tiềm năng.

Cục BVTV đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao và chủ trì việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phổ biến tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường, trước mắt là thị trường trong nước, sau đó phù hợp với từng thị trường xuất khẩu; đưa ra các khuyến cáo cho người dân trong việc lựa chọn thị trường; xây dựng và cấp mã số theo tinh thần tự nguyện, phù hợp với từng thị trường. Bởi chúng ta không thể dùng mã số này cho thị trường khác, do đó, việc triển khai cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc là vô cùng cần thiết.

Mới đây, Cục đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT Chỉ thị 1838 đưa ra nhiều điều kiện, giải pháp, yêu cầu chất lượng của các thị trường. Bộ cũng giao Cục chủ trì và xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng và truy xuất mã số vùng trồng. Đây cũng chính là cơ sở để chúng ta hy vọng thời gian tới việc cấp mã số và truy xuất nguồn gốc sẽ được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top