Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 4 năm 2023 | 10:35

Hòa Bình đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, hơn 2 năm qua, ngành Nông nghiệp Hòa Bình đã tham mưu ban hành nhiều đề án, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Cao Phong: Nâng cao chất lượng cam phục vụ xuất khẩu

Sau khi tới thị trường Anh, cam Cao Phong bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Đây là động lực lớn, tiền đề để các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Mường Thàng.

Các sản phẩm cam của HTX 3T nông sản Cao Phong (thị trấn Cao Phong) được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

8 năm sau khi được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục thị trường trong nước. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, hỗ trợ liên kết tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp, sự quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm của người nông dân.

Theo Công ty TNHH MTV Cao Phong, toàn bộ lô sản phẩm cam gần 7 tấn mới đưa sang thị trường Anh được chọn tại vườn của hộ thành viên thuộc công ty. Kết quả phân tích các mẫu cam trước khi xuất hàng cho thấy, tất cả đều không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào trong gần 900 hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu.

Cam Cao Phong có mặt tại "trời tây” là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để chinh phục được các thị trường cao cấp như châu Âu, sản phẩm này cần có chiến lược lâu dài, bài bản và đảm bảo hiệu quả. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sau khi chuyến cam Cao Phong đầu tiên được xuất sang thị trường Anh, bên cạnh những phản hồi tích cực thì một số hạn chế cũng bộc lộ. Đó là thời gian vận chuyển khá dài tới gần 2 tháng nên khoảng 30% quả bị xước hoặc dập, không giữ được chất lượng như ban đầu. Vì vậy, số lượng cam được tiêu thụ tại thị trường chỉ được 70%. Ngoài ra, trong các vườn trồng cam trên địa bàn huyện, kích cỡ quả chưa được đồng đều nên số lượng cam đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường thời gian tới.

Được xác định là sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện Cao Phong đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, phát triển và đưa sản phẩm vươn ra những thị trường lớn. UBND huyện chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án, chính sách quan trọng liên quan đến cây giống sạch bệnh, tạo quỹ đất an toàn về sâu bệnh để hỗ trợ người dân trồng tái canh cây cam, quy mô khoảng 800 ha từ nay đến năm 2025. Khuyến khích người dân cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để xây dựng những cánh đồng mẫu phục vụ sản xuất với quy mô hàng hóa. Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển cây cam như tu sửa, cải tạo các công trình hồ đập, đường giao thông tại địa bàn các xã, thị trấn được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục.

Trong tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện 1.744 ha, diện tích cam hiện đạt khoảng 1.358 ha, sản lượng trên 20 nghìn tấn/niên vụ. Huyện đã có 7 sản phẩm cam quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam được công nhận là sản phẩm OCOP 3 và 4 sao.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Để tiếp tục bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, các nông hộ, doanh nghiệp và HTX trồng cam trên địa bàn cần tiếp tục tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, KHKT nhằm nâng cao trình độ canh tác, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về ATTP khi phân tích, lấy mẫu để hướng tới những thị trường xuất khẩu mới. Ngoài loại đã được xuất khẩu là cam V2, huyện phấn đấu để một số loại khác như cam Xã Đoài cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu trong năm tới. Dự kiến trong năm nay, huyện Cao Phong tiếp tục xuất khẩu thêm 2 conterner cam quả tươi.

Tân Lạc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Cán bộ ngành NN&PTNT giới thiệu về cấp mã số vùng trồng cho thành viên tổ hợp tác trồng bưởi sạch Tân Hương 1 (Tân Lạc). 

Đã có trên 20 năm gắn bó với cây bưởi đỏ, lần đầu tiên ông Dương Tất Tính, Tổ trưởng Tổ Hợp tác trồng bưởi sạch Tân Hương 1, xã Thanh Hối (Tân Lạc) thực hiện sản xuất theo quy trình bài bản với việc ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin như: vật tư đầu vào, việc sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng, lượng sử dụng, thời gian cách ly; thông tin về thu hoạch và bán sản phẩm. Việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã giúp việc quản lý, bảo vệ cây trồng tốt hơn, môi trường được cải thiện, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng nâng lên rõ rệt. Năm 2022, 16,9 ha bưởi của 11 thành viên trong tổ hợp tác đã được cấp MSVT. Vụ bưởi năm 2022, tổ hợp tác lần đầu tiên xuất khẩu được trên 1 nghìn quả bưởi sang thị trường Anh quốc. 

Ông Dương Tất Tính cho biết:  Trước đây, khi chưa được cấp MSVT, sản phẩm bưởi đỏ của Tân Lạc chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Dù sản phẩm bưởi đỏ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo các chỉ số tiêu chuẩn nhưng cũng không thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... Sau khi được ngành nông nghiệp cấp MSVT vùng bưởi đỏ Tân Lạc, chúng tôi đã mạnh dạn giới thiệu những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường châu Âu. 

Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ xây dựng MSVT được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đẩy mạnh triển khai. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ cấp xã, huyện và các doanh nghiệp, HTX, người dân về các nội dung có liên quan đến MSVT, cơ sở đóng gói. Trong quá trình triển khai xây dựng MSVT, đơn vị thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp chính quyền địa phương, tập huấn chuyển giao KHKT, hướng dẫn các trình tự, thủ tục. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đúng theo các quy định. Đến thời điểm này, đã có 21 MSVT xuất khẩu được cấp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trên 302 ha; 3 MSVT nội địa với tổng diện tích 17,8 ha.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Các quy định về vùng trồng, quy trình canh tác, quy trình sơ chế, đóng gói... đang là yêu cầu của những thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn như Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, Australia... MSVT chính là điều kiện tiên quyết để nông sản vươn ra thị trường thế giới.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, để phát huy được MSVT, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần chủ động duy trì vùng nguyên liệu bằng cách kết nối chặt chẽ với các HTX đã được cấp MSVT. Ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường liên kết với các vùng trồng để kiểm soát hàng hoá, tránh việc mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng MSVT. 

Bên cạnh việc đẩy mạnh cấp MSVT, tỉnh cũng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã kích hoạt trên 90 nghìn tem truy xuất nguồn gốc thị trường tiêu thụ nông sản. Ngành chức năng tăng cường giám sát việc vận hành, duy trì hệ thống, kích hoạt và dán tem truy xuất của cơ sở được hỗ trợ; xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương dựa trên cơ sở danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh. Cùng với đó, khảo sát nhu cầu và hiện trạng áp dụng truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở, doanh nghiệp để đánh giá hiện trạng, nhu cầu thực tế làm cơ sở xây dựng "Hệ thống quản lý thông tin tuy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh”, đảm bảo kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng chứng kiến việc dán tem truy suất nguồn gốc và mã số vùng trồng sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc phục vụ xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. 

Trong những năm gần đây, tỉnh tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó xác định và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế phục vụ mục tiêu xuất khẩu và công nghiệp chế biến như: cây ăn quả có múi, chè, sắn, dong riềng... Đặc biệt, cây ăn quả có múi được xác định là nông sản chủ lực và là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc. Hiện, diện tích trồng cây có múi toàn tỉnh đạt 9.687 ha, sản lượng năm 2022 dự kiến trên 166 nghìn tấn. Ngoài cây ăn quả có múi, tỉnh đang mở rộng một số loại cây ăn quả như nhãn, chuối với diện tích khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Lương Sơn, Cao Phong, Kim Bôi và TP. Hoà Bình.

Trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, tỉnh chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.525 ha cây ăn quả các loại đã được chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP, hữu cơ, sản lượng đạt khoảng 133.110 tấn, trong đó có 3.373 ha cây ăn quả có múi, sản lượng đạt 127.996 tấn; 127 ha các loại, gồm: thanh long, chuối, nhãn, na, dưa..., sản lượng khoảng 4.851 tấn.

Đối với các loại rau, toàn tỉnh có 561 ha trồng rau các loại đạt chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ, sản lượng đạt khoảng 13.792 tấn. Ngoài ra, có 1.945 lồng cá, sản lượng 4.451 tấn đạt các chứng nhận về ATTP, VietGAP, hữu cơ. Để có được kết quả đó, từ năm 2016 đến nay, ngành NN&PTNT đã hỗ trợ cho 124 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản được chứng nhận VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 100 cơ sở sản xuất - kinh doanh. Nhiều mô hình, chuỗi nông sản, thuỷ sản đã cung cấp cho các thị trường lớn như chuỗi sản phẩm chuối, mía, ngô, bơ, xoài, sấu của Công ty TNHH nông nghiệp Viba (Lương Sơn), cung cấp cho gần 800 cửa hàng tại Hà Nội thuộc hệ thống các siêu thị lớn; chuỗi cá sông Đà của Công ty TNHH thuỷ hải sản Hải Đăng HB (TP Hòa Bình) cung cấp cho hơn 100 điểm bán hàng tại Hà Nội thuộc chuỗi thực phẩm sạch. 

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản tỉnh cho biết: Quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ chứng nhận VietGAP, hữu cơ đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung đảm bảo ATTP, như vùng nuôi cá lồng lòng hồ sông Đà, vùng trồng cây ăn quả có múi tại các huyện. Các mô hình hỗ trợ sản xuất được triển khai đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân. Từ đó tạo ra các sản phẩm ATTP, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm có chất lượng. 

Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo "không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển", tỉnh xác định phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, cụ thể là thị trường Hà Nội. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã ban hành 25 đề án mang tính đột phá phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm. Trong đó, đề án phát triển nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững; tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ chuỗi liên kết sản xuất sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng gắn với xây dựng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt, đề án phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần tăng cường phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững. 

Xác định việc cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông sản hàng hoá, tỉnh chú trọng hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đến nay, tỉnh có 21 mã số vùng trồng còn duy trì đối với các sản phẩm nhãn, chuối, thanh long, bưởi, tổng diện tích 168,73 ha. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Trong 2 năm 2021 - 2022, tỉnh có 929 tổ chức, cá nhân tham gia tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. 

Cần có cơ chế đồng bộ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung gắn kết chặt chẽ với chế biến, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu là mục tiêu của tỉnh trong những năm tiếp theo. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm lợi thế phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản sản phẩm, năng lực chế biến sâu, chế tiến tinh nông sản chủ lực. Phát triển đa dạng hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, coi trọng thị trường chính là vùng Thủ đô, đồng thời quan tâm phát triển các thị trường lớn trong nước và thị trường xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vương Đắc Hùng cho biết: Giải pháp cụ thể trong thời gian tới là tiếp tục duy trì quy mô, diện tích hiện có đối với các sản phẩm như cam, bưởi, chuối, nhãn..., trong đó tập trung quản lý chất lượng ATTP, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện môi trường để tạo lượng sản phẩm lớn, đồng đều. Phát triển thêm một số vùng nguyên liệu là các loại cây trồng mới, có tiềm năng như vùng nguyên liệu cây gai xanh, cây măng các loại... Khuyến khích doanh nghiệp, HTX và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp. Vận dụng linh hoạt các hình thức quảng bá, tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử, các mạng xã hội, trang thông tin kết nối cung cầu. Hỗ trợ việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, gắn trách nhiệm của chủ sở hữu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Thực hiện tốt công tác truyền thông về các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh. 

Ngoài những giải pháp trên, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, tỉnh cần sớm ban hành cơ chế, chính sách thiết lập giám sát mã số vùng trồng, chính sách hỗ trợ cước vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản đối với nhóm sản phẩm phục vụ mục tiêu chế biến như dong riềng và một số loại cây trồng khác. Đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bảo quản sản phẩm, bao bì, tem truy xuất và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo các điều kiện về ATTP phục vụ xuất khẩu. 

V.N (tổng hợp) - nguồn: baohoabinh.com.vn

Ý kiến bạn đọc
Top